Cựu CEO Microsoft đã trở thành tỷ phú như thế nào?
Lúc 24 tuổi, Steve Ballmer bỏ học tại trường kinh doanh của Đại học Stanford để gia nhập start-up công nghệ Microsoft của người bạn cùng lớp, Bill Gates. Mặc dù điều này làm cha mẹ ông lo lắng nhưng quyết định đó đã cho phép Ballmer được làm việc cho một trong những công ty phát triển nhanh nhất nước Mỹ và đi từ vị trí trợ lý của Gates đến CEO của công ty lừng danh này.
Ngày nay, ông là một trong những người giàu nhất nước Mỹ, với giá trị tài sản ròng ước tính khoảng 40.6 tỷ USD. Và đây là cách ông làm cho điều đó xảy ra.
Steve Ballmer
|
Ông nắm lấy cơ hội
Nền tảng giáo dục của Ballmer đã giúp ông thành công từ khi còn nhỏ: Ông là thủ khoa của lớp thời trung học, tốt nghiệp loại giỏi Đại học Harvard và được mời làm trợ lý giám đốc sản phẩm tại Proctor and Gamble. Sau khi làm việc ở đó được hai năm, Ballmer theo học trường kinh doanh của Đại học Stanford để lấy bằng MBA nhưng chưa đầy một năm thì Ballmer quyết định bỏ học và gia nhập Microsoft.
"Bố tôi hỏi ‘Phần mềm là cái quái gì?’, còn mẹ tôi nói ‘Tại sao một người lại cần máy tính chứ?’”, Ballmer nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với người đồng sáng lập tập đoàn Carlyle, David Rubenstein, trong chương trình The David Rubenstein Show được phát vào ngày 18/07 vừa qua. "Cha mẹ tôi nói ‘Được rồi, được rồi, cha mẹ nghe con, nhưng nếu nó không phát triển, con sẽ quay lại trường kinh doanh đúng không?’ Tôi nói 'Đúng', và chưa bao giờ quay lại".
Ông không ngại bắt đầu từ những vị trí nhỏ
“Tôi bắt đầu làm trợ lý cho chủ tịch. Về cơ bản, tôi là trợ lý của Bill: chịu trách nhiệm tất tần tật mọi thứ, từ chuyện lớn nhất đến chuyện nhỏ nhất”, Ballmer nói. “Tôi lập ra bộ phận kế toán, gồm một số người, nhưng chúng tôi cần phải chuyên nghiệp hóa. Tôi cũng là người của phòng nhân sự, chịu trách nhiệm tuyển dụng tất cả mọi người”.
Gates đã đề nghị trả cho Ballmer 50,000 USD - một mức lương cơ bản "có vẻ tốt ở thời điểm đó và độ tuổi ấy", Ballmer nói - ngoài 5% đến 10% cổ phiếu của công ty và 10% tăng trưởng lợi nhuận mà ông tạo ra.
Ông làm cho bản thân trở thành người không thể thiếu được
Gates, người đã bỏ học tại Harvard vào năm 1975 để lập ra Microsoft, lúc đầu cứ khăng khăng đòi làm mọi thứ, từ lập trình phần mềm của Microsoft đến phỏng vấn các ứng cử viên mới, bởi vì ông có một thói quen xấu: không trao quyền. Việc thuê Ballmer, người bạn đại học của Gates, đã làm thay đổi điều đó: Ballmer sớm dạy cho Gates "cách thuê nhiều người - những người thực sự giỏi - và tạo ra các tổ chức và đội ngũ”, Gates cho biết.
Năm 1980, Ballmer đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán của Microsoft với IBM, một công ty tiên phong trong công nghệ máy tính dành cho các doanh nghiệp và chính phủ. IBM đã tiếp cận Microsoft để được giúp đỡ trong việc cung cấp máy tính cho những người bình thường.
"Khi IBM đến lần đầu tiên để nói về máy tính cá nhân của họ, tôi giống như nhân viên bán hàng cho IBM. Vì sao? Tôi biết cách đeo cà vạt. Tôi là người duy nhất ở văn phòng có cà vạt, thế là Bill nói ‘Anh có cà vạt và bộ complê, sao anh không đến dự cuộc họp nhỉ?’", Ballmer kể.
Không lâu sau khi gia nhập đội ngũ làm việc với IBM, Ballmer đã giúp thương lượng và đạt được một thỏa thuận lớn với IBM để buộc công ty này phải chạy phần mềm của Microsoft trên các máy tính của họ. Ông đã trải qua một số chức danh điều hành và vào năm 1998, Gates yêu cầu Ballmer trở thành chủ tịch của Microsoft, vốn là "vị trí số 2, chỉ sau Gates, và tôi hài lòng với điều đó", Ballmer nói.
Năm 2000, Gates chuyển giao vị trí CEO cho Ballmer, và ông đã dẫn dắt công ty này vượt qua một số thời điểm đầy thách thức, trong đó có đợt vỡ bong bóng công nghệ (dot-com) và một trận chiến pháp lý chống độc quyền khá đình đám. Ballmer cũng giúp Microsoft tăng trưởng bằng cách tung ra Xbox, mua lại Skype và xây dựng mảng kinh doanh doanh nghiệp trị giá 20 tỷ USD.
Ông suy nghĩ dài hạn
Ballmer đã lãnh đạo Microsoft gần 15 năm trước khi tuyên bố nghỉ hưu và sau đó từ chức CEO vào năm 2014. Dù vậy, ông vẫn giữ 4% cổ phần ở công ty này và nó góp phần đáng kể vào tài sản của ông, biến ông thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Microsoft.
“Khi còn là CEO, tôi không nghĩ rằng bán cổ phiếu đi là điều đúng đắn”, Ballmer nói với Rubenstein “Khi ra đi, tôi vẫn yêu công ty. Tôi đã có chút thay đổi để đa dạng hóa một chút, đó là dành một ít tiền cho từ thiện, nhưng tôi là một anh chàng trung thành - vẫn lái những chiếc Ford và vẫn sở hữu cổ phiếu của Microsoft”.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
FILI
|