Thứ Ba, 19/06/2018 17:37

TTCK châu Á khép lại một phiên “đẫm máu”, Shanghai rớt ngưỡng 3,000 điểm

MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sụt 2.03%

Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà lao dốc trên thị trường châu Á trong một phiên giao dịch đầy biến động, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đe dọa áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Ba (19/06), chỉ số Shanghai Composite giảm 115.47 điểm (tương ứng 3.82%), đồng thời rớt ngưỡng 3,000 xuống 2,906.43 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số Shenzhen Composite sụt 5.77% xuống 1,594.05 điểm.

Đáng chú ý là chỉ số Shanghai Composite rớt ngưỡng 3,000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2016, và hiện cách ngưỡng này khoảng gần 100 điểm. 

Ngưỡng 3,000 điểm được xem là đường giới hạn và nếu phá vỡ mốc này thì Chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp. Một số nhà đầu tư tổ chức đã chủ động đưa ra kế hoạch mua cổ phiếu loại A của Trung Quốc và sẽ mua nhiều hơn nếu chỉ số Shanghai Composite rớt ngưỡng 3,000 điểm, tờ China Securities Journal ghi nhận trong ngày thứ Ba (19/06), nhưng không đề cập tới nguồn lấy thông tin hoặc xác định cụ thể các tổ chức.

Trên thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tụt dốc 841.34 điểm (tương ứng 2.78%) xuống 29,468.15 điểm.  Trong phiên, có lúc chỉ số này lao dốc tới gần 950 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng chịu tình cảnh tương tự, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 401.85 điểm (tương ứng 1.77%) xuống 22,278.48 điểm và chỉ số Kospi của Hàn Quốc lùi 1.52% xuống 2,340.11 điểm. Chỉ có chỉ số ASX 200 của Australia gần như đi ngang ở mức 6,102.10.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sụt 2.03%.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á
Nguồn: CNBC

“Những biện pháp trả đũa qua lại mang cả hai bên tới gần một cuộc chiến thương mại”, Louis Kuijs, Trưởng Bộ phận Kinh tế Châu Á tại Oxford Economics, cho biết trong một báo cáo. “Chính quyền Donald Trump dường như nghĩ rằng họ có thể tỏ ra ‘cứng rắn’ để Trung Quốc nhượng bộ bằng cách gia tăng quy mô áp thuế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại kiên quyết về việc không muốn rơi vào thế yếu trong cuộc xung đột với Mỹ”.

Trong khi đó, các thị trường khác cũng chuẩn bị giảm. Các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc vào đầu ngày thứ Ba (19/06) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đe dọa áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Vào lúc 5h20 ngày thứ Ba (19/06 – giờ ET), hợp đồng tương lai Dow Jones ám chỉ rằng chỉ số cơ sở có khả năng giảm tới 341.47 điểm vào đầu phiên. Ngoài ra, hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 cũng đưa ra dấu hiệu cho thấy thị trường cơ sở sẽ giảm mạnh vào đầu phiên ngày thứ Ba (19/06).

Đóng vai trò như một kênh trú ẩn an toàn, đồng JPY tăng giá khi nhà đầu tư chuyển sang các tài sản có rủi ro thấp hơn. Đồng Yên Nhật dao động ở mức 109.63 đổi 1 USD vào lúc 15h05 (giờ HK/SIN).

“Mối đe dọa áp thuế rõ ràng sẽ tác động tới các thị trường chứng khoán… Nhưng chẳng bên nào thực sự triển khai bất kỳ hàng rào thuế quan lớn nào, vì thế khó mà xem đây là chiến tranh thương mại. Nó giống với chiến tranh tài chính hơn”, Derek Scissors, Chuyên gia kinh tế châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho biết.

“Đang xảy ra sự điều chỉnh dần ở các thị trường – nhà đầu tư đã quen với dòng thông tin liên quan tới thương mại từ phía Mỹ và đang phản ứng khôn ngoan hơn trước những thông tin này”, Hannah Anderson, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết trong một email.

Khi căng thẳng thương mại chuyển thành hành động, nhà đầu tư tốt hơn nên cảnh giác cao độ, bà Anderson lưu ý.

Trong ngày thứ Sáu (15/06), chính quyền Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. USTR cho biết lúc đầu, Mỹ sẽ áp hàng thuế quan lên 818 món hàng trị giá khoảng 34 tỷ USD vào ngày 06/07/2018.

Đáp trả lại, Trung Quốc cũng đưa ra hàng rào thuế quan với quy mô tương tự, trong đó hàng rào thuế quan áp lên 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ có khả năng triển khai vào cùng ngày 06/07/2018.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu suy giảm sau khi tăng mạnh trong phiên ngày thứ Hai (18/06). Các chuyên gia phân tích cho rằng đà tăng phiên trước đến từ thông tin các nhà sản xuất dầu mỏ đang bàn luận về việc nâng sản lượng dầu thấp hơn dự báo.

Vào đầu năm 2017, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số đồng minh đã thực hiện cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày với mục tiêu hỗ trợ giá dầu và xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu. OPEC và đồng minh sẽ họp mặt vào ngày 22-23/06/2018 ở Vienna.

Hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.98% xuống 74.60 USD/thùng và hợp đồng dầu WTI tương lai sụt 1.08% xuống 65.14 USD/thùng.

Một diễn biến cũng đáng chú ý trong ngày thứ Ba (19/06) là cổ phiếu ZTE đã rớt hơn 20% vào lúc 15h05 (giờ HK/SIN) sau khi Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật có khả năng tác động tới thỏa thuận giữa ZTE và chính quyền Mỹ trước đó.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Dow Jones có khả năng giảm gần 350 điểm vì lời đe dọa của ông Trump (19/06/2018)

>   Bán tháo hoảng loạn, Shanghai rớt gần 4%, Hang Seng “bốc hơi” hơn 900 điểm (19/06/2018)

>   Sụt gần 3%, Shanghai Composite rớt ngưỡng 3,000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 2016 (19/06/2018)

>   Hang Seng "bay" gần 650 điểm, Shanghai mất hơn 2% (19/06/2018)

>   Dow Jones giảm hơn 100 điểm bất chấp đà tăng của lĩnh vực năng lượng (19/06/2018)

>   Nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi ở châu Á (18/06/2018)

>   Các quỹ trái phiếu né tránh Malaysia vì vụ bê bối của quỹ 1MDB (18/06/2018)

>   Sắc đỏ đã lan tới TTCK châu Á sau quyết định áp thuế của Donald Trump (18/06/2018)

>   Fed và ECB làm xáo trộn thị trường tiền tệ và chứng khoán toàn cầu trong tuần qua (16/06/2018)

>   Bất chấp căng thẳng thương mại, Nasdaq Composite tăng 4 tuần liên tiếp (16/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật