Nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi ở châu Á
Nước xuống thuyền xuống, có lẽ là vậy. Giữa cơn tháo chạy ra khỏi các thị trường mới nổi, nhà đầu tư cũng rút vốn ra khỏi các nền kinh tế châu Á, dù rằng nơi đây có triển vọng tốt về tăng trưởng và khoản tài trợ bằng nợ.
Nguồn vốn nước ngoài đang tháo chạy khỏi 6 thị trường cổ phiếu mới nổi ở khu vực châu Á với mức độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cụ thể, tính cho tới thời điểm này của năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã rút 19 tỷ USD ra khỏi Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, dựa theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Mặc dù các thị trường mới nổi tăng mạnh trong quý 1/2018 – một điều cho thấy chúng vẫn tăng mạnh bất chấp quá trình thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng hình ảnh đó đã tan biến trong 2 tháng vừa qua. Khi các tài sản trên thị trường tiền tệ Mỹ hiện đem lại lợi suất khoảng 2% và khả năng Fed nâng lãi suất nhiều hơn, thì những đòi hỏi của nhà đầu tư để tham gia vào thị trường tài sản rủi ro lại ngày càng cao. Ngoài ra, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tác động tiêu cực tới các nhà xuất khẩu châu Á.
“Đây không phải là một điều kiện tuyệt vời cho các thị trường mới nổi”, James Sullivan, Trưởng Bộ phận nghiên cứu cổ phiếu châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại JPMorgan Chase, cho hay. “Chúng tôi chỉ mới ‘chiết khấu’ khoảng 2/3 số đợt nâng lãi suất của Fed mà chúng tôi dự báo trong vòng 12 tháng tới. Mặc dù Fed tiếp tục trở nên ‘diều hâu’ hơn, nhưng thị trường vẫn chưa thể bắt kịp”.
Trong khi nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích thị trường mới nổi đưa ra quan điểm lạc quan về các yếu tố kinh tế cơ bản của thị trường châu Á (như mức tăng trưởng hàng đầu trên thế giới và ổn định chính trị), thì một số khác lại bắt đầu lên tiếng cảnh báo khi thanh khoản toàn cầu bắt đầu suy giảm. Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2018, nới rộng chuỗi lao dốc 2 tuần liền sau khi Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện các bước tiến hướng về quá trình bình thường hóa chính sách.
Trong ngày thứ Tư (13/06), Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lần hai trong năm 2018, đồng thời cho biết có khả năng nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Ngày kế đó, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, đưa ra động thái hiếm thấy khi cung cấp quan điểm vừa “diều hâu” vừa “bồ câu”. Ông tuyên bố ECB có khả năng chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào tháng 12/2018, nhưng cũng kỳ vọng giữ nguyên lãi suất ít nhất là tới mùa hè năm 2019.
Gần đây, các quốc gia đang phát triển bao gồm Thỗ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ấn Độ và Argentina đã nâng lãi suất, còn NHTW Brazil bán ra các hợp đồng hoán đổi tiền tệ để giúp ổn định hóa thị trường.
Trong tuần này, NHTW Philippines được dự báo sẽ nâng lãi suất một lần nữa, tăng 0.25% lên 3.5%, dựa trên kết quả thăm dò của Bloomberg.
Cũng theo cuộc thăm dò này, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) có thể giữ nguyên lãi suất ở mức 1.5% trong thời gian tới. Đồng Bath đã rót 4.7% so với đồng USD trong quý 1/2018, mặc dù Thái Lan có thặng dư tài khoản vãng lai hơn 9% GDP và đang trong chuỗi tăng trưởng kinh tế hơn 3.5% dài nhất kể từ đầu những năm 2000.
Trong ngày thứ Hai (18/06), Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, Apisak Tantivorawong, cho biết ông không lo ngại về tình trạng thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài và NHTW không cần phải nâng lãi suất theo Fed. Trong khi đó, đồng Bath Thái Lan đã chạm mức thấp nhất trong năm 2018 vào phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (18/06), còn chỉ số chứng khoán chính giảm 1.2% tính tới lức 12h37 (giờ Bangkok).
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|