Trung Quốc: Mọi tiến triển trong đàm phán thương mại sẽ biến mất nếu Mỹ tiến hành áp thuế
Tất cả lời cam kết mà Trung Quốc đã đưa ra trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ cho đến nay sẽ bị rút lại nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai lời đe dọa áp hàng rào thuế quan, Trung Quốc cho biết trong ngày Chủ nhật (03/06).
Mặc dù cả hai bên đã ghi nhận một số tiến triển trong cuộc đàm phán thương mại về cách thức giảm bớt thặng dư thương mại 375 tỷ USD của Trung Quốc với Mỹ, nhưng việc ông Trump tiến hành áp thuế lên lượng hàng hóa 50 tỷ USD của Trung Quốc sẽ đẩy cuộc trao đổi thương mại vào tình thế khó khăn.
“Nếu Mỹ triển khai các biện pháp thương mại bao gồm cả hàng rào thuế quan thì tất cả thỏa thuận đã tiến tới trong các cuộc đàm phán trước đây sẽ không có hiệu lực”, thông tấn xã Trung Quốc, Xinhua News Agency, đưa tin trong ngày Chủ nhật, trích lại tuyên bố từ nhóm đàm phán Trung Quốc. Được biết, một phái đoàn đàm phán Mỹ, do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn dắt, đang trong quá trình thương lượng với bên Trung Quốc.
Thông tin từ tờ Xinhua được đưa ra sau khi ông Ross gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, để tiến tới các cuộc đàm phán mà ông Ross gọi là “thân thiện và thành thực, và bao gồm những chủ đề hữu ích về những mặt hàng xuất khẩu cụ thể”. Trung khớp với thời điểm các nhà đàm phán tập trung vào các bước kỹ thuật để giảm thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc, sự thay đổi quan điểm chóng mặt của ông Trump đã khiến Bắc Kinh một phiên lao đao vì nó làm gia tăng khả năng các thỏa thuận trước đó có thể bị hủy bỏ vì Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (bên trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc (bên phải)
|
“Trung Quốc lo ngại về sự khó lường của Mỹ, nhất là sau khi ông Trump đổi quan điểm 180 độ về hàng rào thuế quan”, Gai Xinzhe, Chuyên gia phân tích tại Viện Tài chính của Bank of China ở Bắc Kinh, cho hay. “Ông Trump cần phải thể hiện thiện chí nhiều hơn để tạo ra các cuộc đàm phán thực sự hiệu quả. Những động thái lừa gạt, đe dọa và bướng bỉnh có thể hiệu quả trong thương lượng kinh doanh, nhưng chúng có thể phản tác dụng trong cuộc đàm phán giữa các quốc gia”.
Một lời bình luận của China Radio International – do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát – cho biết lập trường của Chính phủ Trung Quốc về việc hủy bỏ các thỏa thuận đã tiến tới trong cuộc đàm phán nếu ông Trump thực sự áp thuế lên Trung Quốc là “lằn ranh đỏ giới hạn”.
Khí thiên nhiên, thực phẩm
Phái đoàn Mỹ bao gồm những chuyên gia ngành năng lượng và nông nghiệp, qua đó phản ánh ước muốn gia tăng lượng xuất khẩu khí thiên nhiên và thực phẩm.
Về phía Trung Quốc, các quan chức, bao gồm Bộ trưởng Thương mại – Zhong Shan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương – Yi Gang, Phó Bộ trưởng Nông nghiệp – Han Jung, và Phó Bộ trưởng Cơ quan Năng lượng Quốc gia – Li Fanrong, cùng với ông Lưu Hạc tham gia vào cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Trong suốt chuyến viếng thăm của mình, ông Ross mong muốn tiếp tục đàm phán dựa trên tuyên bố chung mơ hồ được đưa ra trong ngày 19/05/2018, sau các cuộc đàm phán ở Washington. Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã cam kết thực hiện các động thái để giảm mạnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, thông qua việc mua thêm các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng của Mỹ, mặc dù không đưa ra một con số cam kết cụ thể.
Sự thay đổi lập trường
Bên cạnh hàng rào thuế quan, ông Ross cũng chịu áp lực từ các nhà lập pháo Mỹ để giữ vững lập trường cứng rắn lên công ty viễn thông Trung Quốc, ZTE. Trung Quốc đã gây áp lực lên Mỹ để cứu vớt ZTE, sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty trong nước bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm.
Tháng trước, ông Trump cho biết sẽ cho phép ZTE trở lại hoạt động một khi họ đóng tiền phạt 1.3 tỷ USD, thay đổi bộ máy quản lý và cung cấp cam kết an ninh mức độ cao.
“Những gì tôi hình dung là một mức phạt lớn hơn 1 tỷ USD, có thể là 1.3 tỷ USD. Tôi mường tượng ra một bộ máy quản lý mới, một ban giám đốc mới, và các quy định an ninh rất, rất nghiêm ngặt. Và tôi cũng hình dung rằng họ sẽ phải mua một lượng lớn linh kiện và thiết bị từ các công ty Mỹ”, ông Donald Trump cho hay.
Theo thỏa thuận để ZTE tiếp tục hoạt động, họ cũng sẽ phải thuê những nhân viên kiểm tra mức độ tuân thủ (là người Mỹ) để giám sát hoạt động của mình, theo nguồn tin thân cận. Một khi ZTE tuân thủ theo thỏa thuận, Bộ Thương mại Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm đối với công ty này. Được biết, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định cấm các công ty Mỹ, bao gồm Qualcomm, bán linh kiện cho ZTE trong 7 năm.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, Marco Rubio, và các nhà làm luật khác từ cả 2 đảng đã lên tiếng hoài nghi về sự khoan dung của ông Trump về ZTE, cho rằng công ty này mang lại rủi ro về an ninh quốc gia.
Nền kinh tế toàn cầu lâm nguy
Hiện mức độ rủi ro là khá cao đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn đang tận hưởng mức tăng trưởng nhanh nhất trong 7 năm. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại sẽ đe dọa tới đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách đang phải bù đầu vì danh sách rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng, từ khủng hoảng chính trị ở Italy cho tới tiến trình của cuộc đàm phán hòa bình với Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lại ngày càng tỏ ra thất vọng với chiến thuật của Nhà Trắng.
“Nhà Trắng không thể Vừa muốn có cái bánh mà vừa muốn ăn bánh nữa (hưởng lợi từ cả hai chiều)”, trích từ một bài báo do Global Times công bố trong ngày Chủ nhật (03/06). “Mỹ cần phải chọn giữa hàng rào thuế quan và việc xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|