Thứ Sáu, 01/06/2018 16:28

'Tắc' dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Trong khi đại công trường chống ngập 10.000 tỉ của TP.HCM đang nằm bất động chờ hoàn tất thủ tục để được ngân hàng 'bơm' vốn thì lãnh đạo TP lại khẳng định không chịu trách nhiệm.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đang tạm dừng thi công vì 'đói' vốn
Ảnh: Phạm Hữu

Người chờ, kẻ đợi, dự án... tắc

Ngày 3.5, đại diện Tập đoàn Trung Nam xác nhận với Thanh Niên về việc đã gửi văn bản đến Thường trực UBND TP thông báo tạm ngưng thi công dự án bắt đầu từ ngày 27.4. Nguyên nhân do UBND TP chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Việc chậm xác nhận báo cáo cho vay này đã xảy ra từ tháng 9.2017 khiến Ngân hàng BIDV thông báo tạm dừng cấp vốn cho dự án. Đồng thời, theo hợp đồng, TP.HCM sẽ thanh toán quỹ đất theo tiến độ dự án cho chủ đầu tư nhưng đến nay quỹ đất thanh toán vẫn chưa được thống nhất. Vì thế, phía Trung Nam chưa có đất thế chấp để được đơn vị tài trợ vốn là Ngân hàng BIDV giải ngân. Đại diện Trung Nam cho biết hiện dự án đã đạt khoảng 72% khối lượng thi công nhưng do thiếu vốn, chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai. Tuy nhiên để giữ cho vật liệu xây dựng không bị hao mòn, một số hạng mục dưới nước vẫn tiếp tục làm nhưng không đáng kể.

Sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư, chiều 17.5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi họp khẩn, yêu cầu Sở Tài chính phối hợp cùng các sở, ngành liên quan trong vòng 1 tuần phải xử lý xong các thủ tục giải ngân cho dự án. Tuy nhiên đến nay đã gần nửa tháng, phía chủ đầu tư vẫn chưa nhận được phản hồi từ Sở Tài chính.

Đáng chú ý, tại cuộc họp về tình hình chống ngập nước diễn ra chiều 28.5 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định TP không chịu trách nhiệm về các vướng mắc thủ tục của dự án. “Đây là dự án triển khai theo hợp đồng BT nên khi công trình hoàn thành thì TP mới nghiệm thu, đạt kết quả mới thanh toán cho nhà đầu tư. Do chủ đầu tư vay vốn từ ngân hàng nên yêu cầu TP xác nhận về mặt khối lượng để hoàn tất giải ngân, nhưng phần nào TP biết thì mới xác nhận được. Vướng mắc thủ tục, đơn vị phải chịu trách nhiệm”, ông Tuyến nói.

Trước câu trả lời này, đại diện Trung Nam thú nhận “không biết làm sao!”. Chủ đầu tư chờ TP xác nhận mới có vốn, TP thì không chịu trách nhiệm về việc này. Dự án được kỳ vọng nhất để giải quyết tình trạng ngập lụt của TP rơi vào bế tắc không thời hạn.

“Dự án 10.000 tỉ mà như trò trẻ con”

Đây là nhận định của TS Phạm Sanh, chuyên gia về đô thị, về thái độ xử lý của cả 2 bên thực hiện dự án. Theo ông, cả nguyên nhân do chủ đầu tư nêu ra và lời giải thích của lãnh đạo TP đều lơ lửng, không rõ ràng. Trong hợp đồng chắc chắn đã nêu rõ những vấn đề về thanh toán, giám sát, xác nhận khối lượng thi công, điều kiện tạm dừng dự án…; căn cứ vào đó để xác định trách nhiệm của từng bên và việc cần làm để giải quyết vướng mắc. “Không phải tự nhiên mà TP lại chần chừ không chịu ký xác nhận báo cáo khối lượng của dự án. Có thể do trong quá trình thi công, chủ đầu tư thay đổi thiết kế hoặc có những hạng mục không đạt tiêu chuẩn. Nhưng TP cũng phải nói rõ nguyên nhân là gì, tại sao không ký, thiết kế cần bổ sung cái gì... Muốn nghiệm thu được cần kiểm tra, xác nhận chỗ nào… phải nói rõ, trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư để 2 bên cùng tìm phương án giải quyết”, ông nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, lưu ý dù là dự án BT nhưng cũng không thể giao khoán cho DN. Trong quá trình thi công dự án, TP phải giám sát, đánh giá kỹ lưỡng từng hạng mục vì đây là dự án lớn, phục vụ người dân TP. Theo đúng nguyên tắc, phải có xác nhận khối lượng công trình phù hợp với thông tin theo hợp đồng, xác nhận báo cáo giải ngân từ phía TP thì ngân hàng mới có thể thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Phải quyết toán cái cũ thì mới thực hiện được khoản vay mới. Theo ông, việc xác nhận báo cáo chậm trễ từ tháng 9.2017 đến nay, trách nhiệm đầu tiên thuộc về phía TP. Lẽ ra ngay khi chủ đầu tư nộp hồ sơ xin xác nhận, TP phải có đánh giá tổng thể tất cả khối lượng và chất lượng công trình từ lúc bắt đầu thi công. TP phải có tổng kết toàn diện và trao đổi trực tiếp với Trung Nam để nhanh chóng xử lý tồn tại, đảm bảo tiến độ thi công của công trình. Chưa kể việc chậm thanh toán đất cho DN thế chấp và chậm giao mặt bằng để DN thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đều thuộc trách nhiệm của TP. “Tiến độ của dự án ảnh hưởng trực tiếp đến vốn ngân sách TP và đời sống của người dân trong tình trạng ngập ngày càng nặng nề như hiện nay. Vì vậy, tất cả quá trình từ giám sát, xác nhận, nghiệm thu đều phải công khai, minh bạch để tìm ra nguyên nhân vướng mắc, giải quyết nhanh chóng”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

HÀ MAI

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Gia công phần mềm ở Việt Nam - 'nhỏ mà có võ' (31/05/2018)

>   Đặc khu kinh tế - một góc nhìn (31/05/2018)

>   Dự luật phòng chống tham nhũng muốn lấn sân sang doanh nghiệp tư (31/05/2018)

>   Khởi tố bổ sung, truy nã nguyên Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy (31/05/2018)

>   Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (31/05/2018)

>   Grab sắp đón một loạt đối thủ xe công nghệ tại thị trường Việt Nam (31/05/2018)

>   Thị trường ngách và cơ hội cho hãng hàng không mới (31/05/2018)

>   Lo sức khỏe cho dân, Bộ Tài chính muốn tăng thuế đường, nước ngọt (31/05/2018)

>   Go Global: Bỏ 10, thu 1 (31/05/2018)

>   Bất thường một khoản nợ công: Lỗi của chủ đầu tư? (31/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật