Thứ Năm, 31/05/2018 09:41

Go Global: Bỏ 10, thu 1

Nhiều doanh nghiệp trong nước không giấu tham vọng thực hiện chiến lược toàn cầu hóa “Go Global”.

 

Sau khi giành được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp trong nước không giấu tham vọng thực hiện chiến lược toàn cầu hóa “Go Global” như FPT, Viettel, Vinamilk, Xây dựng Hòa Bình, TH True Milk... Bên cạnh một số trường hợp khá thành công khi tạo dựng được thương hiệu và bắt đầu gặt hái lợi nhuận đáng kể, cũng có không ít doanh nghiệp gánh lỗ với quyết định tiến ra thị trường thế giới.

Viettel Global và khoản lỗ 3.400 tỉ đồng 

Riêng quý I/2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư 123,6 triệu USD. Bên cạnh đó, có 5 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 25,9 triệu USD. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong quý I đạt gần 150 triệu USD. Đã có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư của Việt Nam trong quý I/2018, trong đó đầu tư vào Lào chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư, Campuchia chiếm 17,3%, Cuba chiếm 13,3%.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đánh giá, kết quả đầu tư ra nước ngoài nêu trên cho thấy một động thái tích cực của các doanh nghiệp Việt trong việc gia tăng sức cạnh tranh, sẵn sàng mở rộng thị trường quốc tế. Hiện tại, xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vào những ngành, lĩnh vực chiến lược Việt Nam có kinh nghiệm như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông...

Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỉ USD như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai...

Thế nhưng, Tổng Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đã lỗ thêm hơn 481 tỉ đồng trong năm 2017, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 3.400 tỉ đồng. Khoản lỗ của Viettel Global khá tiêu biểu cho các khoản đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.

Viettel là một trong những người tiên phong trong trào lưu tiến công ra nước ngoài, nhất là các thị trường cận biên còn kém phát triển tương tự như Việt Nam những năm 2000. Hai thị trường được Viettel Global - thành viên đảm trách đầu tư nước ngoài của Tập đoàn - thâm nhập đầu tiên là Campuchia với mạng viễn thông Metfone và quốc gia Lào với thương hiệu Unitel năm 2009. Tính đến nay, Viettel cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi mang quân đi đánh xứ người.

Cụ thể hơn, sau gần 9 năm phát triển, tổng số thị trường Viettel đang đầu tư lên tới con số 10, trong đó có những quốc gia được đánh giá có tiềm năng lớn như Myanmar hay Tanzania nhờ triển vọng kinh tế sáng sủa. Tính đến cuối năm 2016, tổng số thuê bao tại các thị trường nước ngoài lên tới 35 triệu.

Chiến lược toàn cầu hóa giúp Viettel nằm trong số 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng cao nhất, theo thống kê của GSMA Intelligence. Thị trường thành công nhất của Viettel là Campuchia. Do gần gũi về địa lý, am hiểm khá sâu về văn hóa bản địa, thương hiệu Metfone đang chiếm lĩnh vị trí số 1 tại Campuchia với thị phần thuê bao di động đạt gần 50%. Viettel Global đã đạt mức hòa vốn tại đây chỉ sau 3 năm và đến nay, lợi nhuận lũy kế khoảng 200 triệu USD. 

Dù vậy, các thị trường khác, nhất là những quốc gia nhỏ có quy mô dân số không đủ lớn, thương hiệu số 1 Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn, khi lợi nhuận mang lại vẫn chưa đủ hấp dẫn so với số vốn bỏ ra. Bức tranh tài chính năm 2017 của Viettel Global phần nào phản ánh các thách thức đó.  Tổng nợ phải trả cuối năm 2017 lên đến hơn 33.500 tỉ đồng, trong đó các khoản vay ngắn hạn và dài hạn lên đến 19.800 tỉ đồng khiến tỉ lệ nợ trên tổng tài sản đã lên đến 64%. Mặc dù doanh thu hợp nhất cải thiện 24% nhưng chi phí khấu hao tài sản và chi phí lãi tài chính khiến Viettel Global lỗ sau thuế lên tới 481 tỉ đồng.

Tất nhiên, kết quả này là khả quan hơn so với mức lỗ “khủng” hơn 3.400 tỉ đồng của năm 2016, đồng thời nếu xét về khía cạnh dòng tiền, nhà đầu tư này cũng lạc quan hơn khi chứng kiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương trở lại trong năm 2017 nhờ tích cực thu hồi các khoản phải thu. Hơn nữa, có lẽ công bằng hơn khi đánh giá hiệu quả các khoản đầu tư của Viettel khi ra nước ngoài, đặc biệt là về thời gian hòa vốn và các khoản lỗ phải chịu trong thời gian đầu. Bởi ngay cả những tập đoàn hàng đầu của Nhật, Hàn Quốc cũng đặt kế hoạch chỉ có lợi nhuận sau từ 5-8 năm khi tham gia vào các thị trường khác, thậm chí có trường hợp còn lâu hơn nữa do chi phí đầu tư cố định quá lớn.

Dự kiến trong năm nay, thị trường Myanmar sẽ bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh chung cho Tập đoàn mặc dù mục tiêu đạt được lợi nhuận dương tức thì là điều khó xảy ra. “Viettel Global sẽ tiếp tục xúc tiến các thị trường mới, trọng tâm là các quốc gia ASEAN và các thị trường có quy mô lớn về dân số trong năm nay. Mục tiêu đầu tư được 1 hay 2 thị trường mới có quy mô dân số tương đương với Việt Nam”, đại diện Viettel cho biết.

Nhưng đang có những thay đổi lớn trong cuộc chơi về viễn thông. Nếu như trước đây, chiến thuật “giảm giá cước” được xem là nhân tố chủ đạo để các hãng thành công thì hiện nay, giữa bối cảnh gói cước dịch vụ viễn thông trên toàn cầu gần như đã chạm đáy thì các dịch vụ cộng thêm như Fintech, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), giải trí trực tuyến... mới là phân khúc màu mỡ mang lại tỉ suất lợi nhuận cao. Tham gia vào cuộc chơi này sẽ đòi hỏi sự bền bỉ và trí sáng tạo - điều mà các tập đoàn có quy mô lớn, cấu trúc cồng kềnh phức tạp như Viettel được dự đoán sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thích nghi.

Nếu doanh nghiệp lớn giàu kinh nghiệm trận mạc như Viettel còn gặp nhiều khó khăn thì việc các tập đoàn, tổng công ty khác thất bại với chuyến phiêu lưu ở hải ngoại là điều không mấy ngạc nhiên. Đơn cử như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đầu tư hàng tỉ USD ra nước ngoài nhưng lợi nhuận mang về chưa được bao nhiêu. Đáng kể hơn, tập đoàn này được cho là mất hàng chục ngàn tỉ đồng khi rót vốn vào thị trường đầy biến động chính trị và lạm phát kinh niên Venezuela. 

Câu chuyện làm ăn như thế nào ở nước ngoài của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cũng là chủ đề hấp dẫn. Tổng số vốn mà VRG chi ra hơn 1,4 tỉ USD để trồng hàng chục ngàn hecta cao su tại Lào, Campuchia nhưng hiệu quả mang lại rất thấp do giá cao su tiếp tục diễn biến bất lợi, cũng như năng lực quản trị, dự báo rủi ro còn nhiều hạn chế. Danh sách các tên tuổi lớn thất bại ở thị trường nước ngoài còn có thể kể đến Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà, hay Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam.

Theo báo cáo của Chính phủ tính đến cuối năm 2016, tổng vốn đầu tư đăng ký ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên đến 12,6 tỉ USD, tổng vốn đã giải ngân 7 tỉ USD. Nhưng lũy kế đến năm 2016, chỉ có 4/18 tập đoàn, tổng công ty có phát sinh số tiền thu hồi từ các dự án đầu tư tại nước ngoài với số tiền 1.585 triệu USD, bằng 22% vốn đầu tư thực hiện. Có 25,5% dự án báo lỗ trong năm 2016, 29% dự án lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2016 và có tới 46,4% dự án không có báo cáo doanh thu hay lợi nhuận!

Lượng vốn "đổ" vào các dự án đầu tư ở nước ngoài lớn, song lại dàn trải, hiệu quả chưa cao, theo đánh giá của báo cáo giám sát. "Một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp", báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội đề cập.

Thành công hiếm hoi

Nhiều năm qua, phần lớn các thương vụ đầu tư xuyên quốc gia tại khu vực đến từ các công ty của Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp khác trong khu vực. Điểm đến mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm là Canada, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Làn sóng công ty Thái Lan đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ mong muốn tăng cường năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa danh mục đầu tư và phòng ngừa những rủi ro của nền kinh tế trong nước vốn đối mặt với rủi ro chính trị. Mặt khác, làn sóng đầu tư ra nước ngoài diễn ra khi các công ty Thái Lan nỗ lực tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cơ cấu dân số nước này thay đổi, với tình trạng lão hóa gia tăng. Nhiều công ty Thái hiện đang đầu tư vào tự động hóa để khắc phục tình trạng này.

Trong khi đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư. Chẳng hạn, Vinamilk đã xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến sữa tại Mỹ, Úc, New Zealand, Campuchia... Cuối tháng 1, Tập đoàn TH khánh thành trang trại bò sữa đầu tiên tại Nga, đánh dấu bước đi đáng kể trong việc thâm nhập thị trường Đông Âu với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,7 tỉ USD.  

Trên thị trường thực phẩm và đồ uống, chuỗi nhà hàng Wrap & Roll, sau bài học chưa thành công trong chiến dịch quốc tế hóa trước đây, đã quay trở lại giấc mơ này với việc khai trương một số cửa hàng nhượng quyền tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hay Tập đoàn Masan đang từng bước đưa các dòng sản phẩm nước chấm vào các kệ siêu thị của Thái Lan.

Dấu ấn lớn nhất của người Việt trên sân chơi thế giới có lẽ là Tập đoàn FPT khi chứng kiến lợi nhuận từ các thị trường bên ngoài tăng 29% trong năm 2017. Với việc đóng góp gần 1/3 vào tổng lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn, định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT sau khi thoái vốn khỏi sân chơi bán lẻ. 

Dù vậy, những trường hợp thành công khi đi ra nước ngoài tương tự như FPT, Vinamilk xem ra vẫn khá hiếm hoi.

Thế Giới Di Động tại Campuchia.

Điển hình như trường hợp của Thế Giới Di Động. Tham vọng tiến ra khu vực của chuỗi bán lẻ điện thoại số 1 Việt Nam bị giáng một đòn khá đau khi doanh nghiệp này cho biết, sẽ tạm dừng mở rộng chuỗi BigPhone tại Campuchia ở con số 10. Nguyên nhân được Chủ tịch Nguyễn Đức Tài lý giải là cần phải phân tích lại, đo lường các chỉ tiêu để từ đó để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Vấn đề gây khó khăn cho chuỗi BigPhone là người tiêu dùng quốc gia này thích dùng các sản phẩm trôi nổi có giá rẻ trên thị trường hơn các dòng sản phẩm chính hãng, có đầy đủ chứng từ nhưng giá lại cao. Theo dự đoán của lãnh đạo Thế Giới Di Động, chuỗi BigPhone sẽ có lợi nhuận từ cuối năm 2018, nhưng chắc chắn, tỉ suất lợi nhuận chưa thể cao bởi các chính sách thuế cũng như chi phí mặt bằng đắt đỏ.

Một doanh nghiệp khác nếm trái đắng tại thị trường ngoại là Hoàng Anh Gia Lai. Liên tục đổ hàng tỉ USD vào các trang trại trồng cao su, bò thịt hay mía đường tại Campuchia và Lào với giấc mơ tạo cú hích về tăng trưởng. Nhưng đến nay, hiệu quả mang lại chưa đáng kể mà trái lại, tổng nợ phải trả mà Tập đoàn đang gánh lên tới 1,5 tỉ USD và bị nghi ngờ về khả năng duy trì hoạt động.

Nuôi thị trường, chờ cơ hội

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết, hơn 10 năm trước, tập đoàn này quyết định phải đầu tư ra nước ngoài vì thị trường trong nước rồi sẽ bão hòa và Viettel cần chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong tương lai. Thứ hai, việc đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp Công ty tăng sức mạnh và có nhiều kinh nghiệm quý giá khi phải cạnh tranh với những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới như AT&T, Vodafone, Telefónica, Airtel… Thứ ba, đó là một môi trường đào tạo nhân sự tốt nhất. Ông Lê Đăng Dũng khẳng định: “Đó là hướng đi chiến lược nếu Viettel muốn tiếp tục phát triển mạnh và trường tồn”.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày một mở cửa với quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn, chiến lược toàn cầu hóa được xem là công cụ giúp các doanh nghiệp nội giảm thiểu rủi ro của việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường trong nước. Thông qua các cuộc chinh phạt khốc liệt ở bên ngoài, các doanh nghiệp cũng có cơ hội cải thiện năng lực quản lý, marketing và nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh theo hướng tinh gọn hơn.

“Thị trường trong nước sẽ đến lúc bão hòa. Do vậy, thị trường nước ngoài mới là sân chơi lớn cho những doanh nghiệp muốn lớn mạnh. Khi đi ra bên ngoài, việc phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn của thế giới giúp chúng ta học hỏi được nhiều điều và lớn nhanh hơn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Tập đoàn Viettel, chia sẻ.

Bởi thế khá nhiều các tập đoàn khác tiếp tục ấp ủ giấc mơ toàn cầu hóa nhằm khẳng định vị thế. “Vingroup đang làm tốt, nhưng đơn thuần là vượt trội trong quy mô sân nhà. Tập đoàn cần nỗ lực để hướng tới đẳng cấp mang tầm vóc quốc tế”, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đánh giá. Thị trường nhiều khả năng lọt vào tầm ngắm của vị tỉ phú này là các quốc gia phát triển như Singapore hay Úc, bất chấp áp lực cạnh tranh ở đó đang cực lớn, nhất là khi đối đầu với nhiều tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, dẫn số liệu của World Bank cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, đầu tư nước ngoài của thế giới tăng từ 10% tới 34% và Việt Nam cũng hòa trong xu thế khi hiện con số này đã tăng khoảng 30 lần so với 10 năm trước. Nhưng kinh doanh ở nước ngoài thực sự là bài toán khó đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ở những thị trường còn kém phát triển với những rủi ro khó lường.

Ở trong trường hợp của Viettel Global, đó là lớp khách hàng phân hóa rõ rệt, đòi hỏi doanh nghiệp này tốn thêm công sức để cá thể hóa các dịch vụ, cung cấp song song nhiều dịch vụ để chiếm lấy thị phần, trong khi phải đảm bảo tối ưu hóa chi phí. Những biến động về tỉ giá, thiên tai (kiểu như động đất tại Haiti) hay khủng hoảng an ninh chính trị tại các vùng đất xa xôi của châu Phi cũng là những rủi ro khó đoán định được.

Thách thức còn đến từ những khác biệt về văn hóa, phong cách làm việc, thậm chí ngay cả những quốc gia láng giềng mà Việt Nam có thể tự tin là am hiểu sâu sắc như Campuchia. “Dù Campuchia đang rất cởi mở để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ luật pháp quy định hoặc cố tình vi phạm thì sẽ đối mặt với chế tài rất gắt gao của luật pháp Campuchia, gây bất lợi cho chính mình. Chưa kể nạn tham nhũng tại đây cũng là điều mà nhà đầu tư cần cân nhắc, thậm chí chết mòn vì chúng”, bà Oanh Pham Sokvann, CEO của Công ty Indochine Vina, chia sẻ với NCĐT.

Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp Việt toàn cầu hóa thành công? Sẽ không dễ có mẫu số chung cho tất cả bởi mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng. Nhưng theo ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Công ty Tư vấn Left Brain Connectors, một thương hiệu muốn đi ra thế giới thì nên hội tụ đủ 3 yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, doanh nghiệp phải chứng minh đó là thương hiệu mang tầm quốc gia, tức phải thành công ở thị trường nội địa, được người tiêu dùng trong nước đón nhận.

TH True Milk đã có những đầu tư ban đầu tại thị trường Nga.

Thứ hai, nó đại diện cho thế mạnh quốc gia, bởi thế mạnh quốc gia sẽ giúp tạo ra sự khác biệt. Thí dụ, thế mạnh của Thụy Sĩ là các sản phẩm cơ khí chính xác như đồng hồ, tài chính; của Nhật là điện tử, hàng gia dụng. “Với Việt Nam thế mạnh quốc gia chính là nông, ngư nghiệp và dịch vụ như du lịch”, ông Phạm Việt Anh chia sẻ với NCĐT.

Thứ ba, cần có sự hậu thuẫn của Chính phủ để doanh nghiệp có thể đi ra khu vực và thế giới thông qua sức mạnh ngoại giao, chính trị cũng như những chính sách hỗ trợ. Cho đến nay, Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, hay Viettel… nhưng khi xét yếu tố đại diện cho thế mạnh quốc gia rất khó, vì sản phẩm của Vinamilk là sữa, trong khi sữa chưa phải thế mạnh của Việt Nam. “Còn Viettel thì có thành công ở Campuchia cũng dễ hiểu vì thị trường này kém phát triển hơn và gần với Việt Nam về mặt địa lý. Nhưng sang những thị trường khác phát triển hơn, nhiều cơ hội bình đẳng hơn thì câu chuyện khác nhiều”, ông Phạm Việt Anh nói.

Ngoài ra, khi đi ra thế giới, doanh nghiệp Việt Nam ngoài tiềm lực tài chính cần phải có thì hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng phải mạnh mới đảm bảo triển vọng mang lại thành công bền vững. Chiến lược đi ra thế giới của các doanh nghiệp Việt, vì vậy, sẽ cần phải được đánh giá lại một cách thận trọng trên cả phương diện vi mô lẫn vĩ mô. Nhìn sang quốc gia láng giềng Trung Quốc, có thể thấy những bước đi bài bản của các doanh nghiệp nước này.

Nhờ quy mô thị trường nội địa rộng lớn, năng lực tài chính, hỗ trợ của chính phủ cũng như kỹ năng học hỏi nhanh các công nghệ hiện đại của khối FDI, nhiều tập đoàn Trung Quốc không chỉ xây dựng được một vị thế thống trị trên sân nhà, mà giờ đây đã bành trướng mạnh mẽ ra thế giới như Alibaba, JD.com ở mảng bán lẻ, hay các định chế tài chính ICBC, CCB, ABC trong ngành tài chính ngân hàng.

Nguyễn Sơn

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Bất thường một khoản nợ công: Lỗi của chủ đầu tư? (31/05/2018)

>   Doanh nghiệp Việt gom đặc sản đi chinh phục thị trường Thái (31/05/2018)

>   “Đau đầu” với hàng loạt vụ phòng vệ thương mại (30/05/2018)

>   Nhập rác phế liệu ngập cảng (30/05/2018)

>   Các đối tượng khai hối lộ ông Phan Văn Vĩnh hơn 60 tỷ đồng (30/05/2018)

>   Lạc hậu + quản lý kém = hiểm họa đường sắt: Thiết lập hệ thống đường ngang hợp pháp (30/05/2018)

>   Giá heo, cuộc chơi của các ông lớn (30/05/2018)

>   Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông đổi tên 'trạm thu giá' BOT (29/05/2018)

>   Việt Nam xuất khẩu 50 nghìn tấn gạo sang Hàn Quốc (29/05/2018)

>   Hàng Nhật tìm đường thu hút người tiêu dùng Việt (29/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật