Nhập rác phế liệu ngập cảng
Nhập phế liệu để tái chế thành nguyên liệu sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu phế liệu.
|
Tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt đang tạo áp lực đến kho bãi các cảng và nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Theo số liệu các đơn vị cảng báo cáo với Cục Hàng hải Việt Nam, hiện đang có một lượng lớn hàng tồn kho tại các cảng. Tại Tân cảng Cát Lái, quận 2, Tp.HCM hiện đang tồn trên 90%, riêng hàng nhập tồn 102,8% và hàng xuất là 67%.
Trong đó, nhựa và giấy phế liệu tồn trên 40 ngày là 8.500 teus, trong đó có 3.500 teus tồn trên 60 ngày và từ 40 ngày đến dưới 60 ngày là 5.000 teus. Tại bãi cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) lượng hàng tồn là 24.786 container, tương đương 99,94%.
Kho bãi chồng chất hàng ứ đọng
Tình hình này tạo áp lực rất lớn vì kho bãi ngập hàng ứ đọng nên Tân cảng Cát Lái không thể tiếp nhận hàng tàu nhập vào Cái Mép và Tân cảng Hiệp Phước. Nếu tình hình tồn kho phế liệu nhập khẩu không cải thiện trong 2 tuần nữa thì sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất của cảng Cát Lái và Cái Mép.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ 1/1/2017 đến ngày 12/3/2018, cả nước có 928 doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu phế liệu, với 49.200 tờ khai. Nhập phế liệu để tái chế thành nguyên liệu sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu phế liệu.
Tuy nhiên, khâu nhập khẩu phế liệu không đơn giản vì ảnh hưởng đến môi trường rất lớn. Đặc biệt nghiêm trọng khi các doanh nghiệp lạm dụng vào chính sách để trục lợi. Tình trạng ứ đọng phế liệu nhập khẩu tại các kho bãi các cảng miền Nam hiện nay là do nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu.
Đến khi hoàn tất được các giấy tờ cần thiết để thông quan thì phí lưu kho bãi đã đội lên cao, vì thế họ "bỏ của chạy lấy người". Thậm chí, có cả những đối tượng cố tình tiếp nhập phế liệu để kiếm tiền chứ không nhằm mục đích tái sản xuất.
Việt Nam trở thành bãi phế thải?
Theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM, cần công bố cụ thể số lượng phế liệu nhập về hàng năm, tương đương với số tiền bao nhiêu. Từ đó siết chặt nhập khẩu phế liệu vì phế liệu nhập về có cả xác động vật, vỏ đạn.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài để xử phạt những doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu và bỏ chạy không đến cảng nhận hàng. Đồng thời có phương án để giải phóng lượng phế liệu đang tồn đọng ở các cảng nhằm đảm bảo kho bãi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Về lâu dài, cần có những phương án để tránh nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của các nước.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM, hiện Trung Quốc đang quyết tâm ngăn chặn nhập 7,5 triệu tấn phế liệu mỗi năm của ngành nhựa, ngành giấy vào nước này. Những nước xuất khẩu phế liệu nhiều nhất sang Trung Quốc là Mỹ và các nước châu Âu.
Vì vậy họ đang bế tắc phương án giải quyết phế liệu nên sẽ tìm nước khác thay thế Trung Quốc. Tân cảng Cát Lái cũng đã có thông báo, từ ngày 1/6 doanh nghiệp nhập hàng nhựa và phế liệu phải có giấy phép còn thời hạn và cam kết lấy hàng thì cảng mới cho nhập.
Từ ngày 10/6 Tân cảng Cát Lái sẽ ngưng không nhận mặt hàng phế liệu để bảo vệ hoạt động sản xuất của cảng. Cuối tháng 4/2018 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Theo Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), từ năm 2017 đến nay, đã có hàng trăm vụ vi phạm nhập khẩu phế liệu đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, xử lý. Các hành vi vi phạm như làm giả hồ sơ, con dấu, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện, cất giấu hàng cấm nhập khẩu, hàng có trị giá, thuế suất cao,... trong các lô hàng phế liệu.
Tại hội nghị đối thoại giữa Hải quan với doanh nghiệp, ngày 8/5, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn kiến nghị, Cục Hàng hải cần làm việc với hải quan để tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài cho doanh nghiệp.
Đối với hàng tồn trên 90 ngày tại cảng Cát lái, cho phép doanh nghiệp cảng được chuyển về Tân cảng Hiệp Phước. Khách hàng có thể làm thủ tục và nhận hàng tại Hiệp Phước mà không cần đưa lại hàng về cảng đích. Đối với hàng lưu bãi quá 30 ngày cho chuyển về Tân cảng Hiệp Phước, cảng Nhơn Trạch, Long Bình,...
Lê Mây
VNEconomy
|