Ít nhất 8 tiếng học luật về bán hàng đa cấp
Với khối kiến thức đồ sộ liên quan pháp luật về bán hàng đa cấp, người học cần được đào tạo ít nhất 8 tiếng để được cấp giấy xác nhận.
Gần đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 10/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp.
Thông tư quy định khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp bắt buộc phải bao gồm 5 nội dung lớn là tổng quan về bán hàng đa cấp, pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về quảng cáo và các chuẩn mực, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người tham gia bán hàng đa cấp. Trong đó, từng nội dung lại được chia làm rất nhiều vấn đề nhỏ khác nhau.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương quy định thời gian đào tạo hết khung chương trình này tối thiểu là 8 tiếng.
Thông tư quy định tối thiểu thời gian đào tạo kiến thức về pháp luật bán hàng đa cấp là 8 tiếng. Ảnh: Tiến Tuấn.
|
Thông tư cũng đề cập về quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương yêu cầu Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức hoặc ủy quyền cho cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp thực hiện.
Về hình thức và kết quả kiểm tra, người tham gia đạt từ 90 điểm với hình thức trắc nghiệm hoặc 75 điểm tự luận mới đạt yêu cầu và được cấp giấy xác nhận kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, hỗ trợ hành nghề.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ thu hồi giấy xác nhận này khi phát hiện hồ sơ đăng ký có thông tin không chính xác, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động, người được cấp chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/7, bãi bỏ Thông tư số 24/2014 trước đó của Bộ Công Thương quy định chi tiết về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Trước đó, trong báo cáo thường niên năm 2017, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết đã kiểm tra và xử phạt 9 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với số tiền 1,6 tỷ đồng.
Cụ thể, các doanh nghiệp bị xử phạt là Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (30 triệu đồng), Công ty Cổ phần Everrichs (620 triệu đồng), Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group (300 triệu đồng), Thiên Ngọc Minh Uy (140 triệu đồng), Công ty TNHH Herbalife Việt Nam (140 triệu đồng), Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế (240 triệu đồng), Công ty TNHH World Việt Nam (80 triệu đồng), Công ty Người lái xe mặt trời (51 triệu đồng), Công ty TNHH Visi Việt Nam (30 triệu đồng).
Song song đó, trong năm 2017, Cục Cạnh tranh cũng cấp 650 chứng chỉ đào tạo viên bán hàng đa cấp theo yêu cầu của 19 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục cũng thu hồi 34 chứng chỉ đào tạo viên bán hàng đa cấp.
Phúc Minh
ZING.VN
|