Dự luật phòng chống tham nhũng muốn lấn sân sang doanh nghiệp tư
Chính phủ cho rằng pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng về phòng chống tham nhũng (PCTN) trong các tổ chức, doanh nghiệp nên cần có những biện pháp thiết yếu nhằm minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của lãnh đạo khu vực tư. Tuy nhiên, Ủy ban tư pháp hôm 31-5 đề nghị thu hẹp phạm vi và thận trọng.
Việc kiểm soát phòng chống tham nhũng trong nhà nước còn chưa hiệu quả, Luật PCTN sửa đổi còn muốn bao quát cả khu vực tư. Ảnh: đội tàu của Vinashin - nơi thất thoát vốn nhà nước lớn trong nhiều năm qua.
Trước rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc dự luật Luật PCTN mà Chính phủ đang trình ra Quốc hội có nên duy trì việc kiểm soát tài sản, thu nhập của lãnh đạo khu vực tư, bao gồm cả lãnh đạo các công ty đại chúng, các tổ chức xã hội ngoài nhà nước vì đã có nhiều hệ thống luật khác kiểm soát, Chính phủ khi tiếp thu đã bảo lưu hầu hết quan điểm của mình, chỉ chấp thuận bỏ đi một đối tượng kiểm soát theo luật này là các quỹ đầu tư.
Quan điểm của Chính phủ là sau khi rà soát, công tác PCTN trong các tổ chức, doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng về phương thức và biện pháp, nhất là các biện pháp như minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ quản lý, điều hành, xử lý vi phạm… do đó nên dự luật tiếp tục giữ nguyên đối tượng và mở rộng thêm đối tượng áp dụng là tổ chức xã hội do Chính phủ, Bộ Nội vụ hoặc UBND các tỉnh thành lập, tổ chức tín dụng, các quỹ hoạt động từ thiện.
Khi thẩm tra luật này, Ủy ban Tư pháp (Quốc hội) phát hiện rằng, thẩm quyền kiểm tra, phương thức kiểm tra, quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin, tài liệu, nội dung… để kểm tra theo cách nào để đảm bảo tính khả thi lại chưa được đề cập cụ thể trong dự luật. Nhất là bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức xã hội, doanh nghiệp ngoài nhà nước tự ban hành các quy định nêu trên, dự luật còn giao cho cơ quan thanh tra có quyền thanh tra, kiểm tra (thường xuyên hoặc đột xuất theo Luật thanh tra) việc thực hiện pháp luật về PCTN.
“Phải cân nhắc rất thận trọng các vấn đề này”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh tại Quốc hội hôm 31-5. Vì hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, việc quy định mở rộng thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất với doanh nghiệp cần hết sức hạn chế. Hàng năm, doanh nghiệp đã bị thanh tra rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng đã có quy định chặt về hoạt động công bố thông tin, thanh, kiểm tra chuyên ngành. Nay lại còn đưa các quy định thanh tra PCTN vào doanh nghiệp với phạm vi rộng là chưa khả thi. Nhất là trong điều kiện PCTN trong khu vực nhà nước còn chưa tốt.
Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị phải cân nhắc theo hướng thu hẹp phạm vi thanh tra, đồng thời quy định chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành tranh tra để tránh bị lạm dựng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Tài sản bất minh: Đánh thuế hay xử phạt không thay được xử lý hình sự
Về quy định xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực hoặc bất minh, Chính phủ muốn mang vào dự thảo Luật PCTN đồng thời sửa đổi luôn cả Luật thuế thu nhập cá nhân bằng cách quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người kê khai không trung thực hoặc bằng 45% giá trị tài sản kê khai tăng không chứng minh được nguồn gốc.
Cách khác là xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị tài sản, thu nhập không chứng minh được như đã nêu trên.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, kể cả thực hiện theo hai phương án trên thì người bị thu thuế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sàn đó do phạm tội mà có.
Lan Nhi
TBKTSG
|