Shanghai Composite và Hang Seng giảm tiếp 1%
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều rơi vào phạm vi giảm điểm vào chiều ngày thứ Hai (25/06), khi nhà đầu tư xem xét tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tính tới lúc 14h20 ngày thứ Hai (25/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 30.91 điểm (tương ứng 1.07%) xuống 2,858.85 điểm, còn chỉ số Shenzhen Composite mất 0.64%. Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lùi 314.96 điểm (tương ứng 1.07%) xuống 29,023.74 điểm.
Dữ liệu từ China Securities và Bloomberg cho thấy, có hơn 5 ngàn tỷ Nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc đang được sử dụng để thế chấp cho các khoản vay (tương đương 770 tỷ USD và chiếm khoảng 12% vốn hóa toàn thị trường). Các khoản thế chấp này trở thành ngọn nguồn cho nỗi lo ngại của các chuyên gia phân tích lẫn Chính phủ Trung Quốc sau khi chỉ số Shanghai Composite giảm mạnh và chỉ còn cách vài điểm nữa là về phạm vi "thị trường con gấu".
Nỗi lo ngại ở đây là tình trạng cổ phiếu sẽ bị thanh lý cưỡng chế nếu người vay nợ không thể đáp ứng yêu cầu thế chấp bổ sung. Khi đó, giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Trong tuần trước, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu công ty môi giới trước khi bán ra một lượng lớn cổ phiếu thế chấp cần phải được sự chấp thuận của Chính phủ. Mặc dù vậy, một số nhà phân tích vẫn cho rằng, tình trạng bán cưỡng chế sẽ tiếp tục gây tổn thương TTCK Trung Quốc. UBS Group AG ước tính khoảng 68 tỷ USD dưới dạng cổ phiếu đã rớt xuống dưới ngưỡng thanh lý cưỡng chế.
* Tình trạng bán tháo cổ phiếu margin tiếp tục ám ảnh TTCK Trung Quốc
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 14h20 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Australia, chỉ số ASX 200 hạ 14.8 điểm (tương ứng 0.24%) xuống 6,210.4 điểm khi lĩnh vực tài chính giảm 1%. Các cổ phiếu ngân hàng lớn đều suy giảm.
Trong đó, cổ phiếu Commonwealth Bank lao dốc 2.3%. Trước khi thị trường mở cửa, Commonwealth Bank cho biết họ sẽ tách mảng quản lý tài sản và môi giới thế chấp, và thực hiện đánh giá chiến lược về mảng bảo hiểm nói chung. Cùng lúc đó, Ngân hàng này cũng đưa ra một loạt sự thay đổi về ban lãnh đạo công ty.
Các cổ phiếu lớn khác cũng giảm, cụ thể cổ phiếu ANZ hạ 1.05%, Westpac lùi 0.61% và National Australia Bank sụt 1.12%.
Lĩnh vực năng lượng tăng 1.55% khi nhóm cổ phiếu dầu đều leo dốc. Cổ phiếu Santos tiến 1.68%, Oil Search vọt 1.92% và Woodside Petroleum cộng 1.54%.
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hạ 178.68 điểm (tương ứng 0.79%) xuống 22,338.15 điểm, còn chỉ số Topix lùi 16.56 điểm (tương ứng 0.95%) xuống 1,728.27 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc gần như không đổi tại mức 2,357.88 điểm.
Hôm Chủ nhật (24/06 – giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump lại kêu gọi các quốc gia khác chấm dứt các hàng rào thuế quan hoặc đối mặt với các biện pháp đáp trả mới trên mạng xã hội Twitter.
Tuần trước, ông Trump yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xác định 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để áp thuế bổ sung ở mức 10%. Lời đe dọa được đưa ra sau khi cả hai quốc gia tuyên bố áp thuế lẫn nhau trước đó. Kết quả là Trung Quốc cho biết có thể đưa ra các biện pháp đáp trả mới.
Sự bất ổn về một cuộc chiến thương mại và quá trình đáp trả qua lại giữa hai quốc gia đã khiến các thị trường toàn cầu chao đảo trong tuần trước. Dù vậy, có các nguồn tin cho biết một số quan chức Nhà Trắng đang cố khởi động lại cuộc đàm phán với Trung Quốc để né tránh xảy ra một cuộc chiến thương mại thực sự.
“Từ diễn biến cuối tuần trước, rõ ràng là Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ không sớm ngừng lời đe dọa áp thuế của mình”, các chuyên gia phân tích tại OCBC Bank tại Singapore cho biết. “Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang tăng cường đối phó với lời đe dọa thuế quan bằng các biện pháp kích thích nội địa”.
Thật vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng, qua đó giải phóng khoảng 700 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 108 tỷ USD) thanh khoản khi nước này cố gắng kiểm soát đòn bẩy và hỗ trợ các công ty quy mô nhỏ.
Trong ngày Chủ nhật (24/06), PBoC công bố trên trang web rằng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số ngân hàng sẽ giảm bớt 0.5%, và có hiệu lực từ ngày 05/07/2018.
Trên thị trường tiền tệ, đồng Nhân dân tệ giảm so với đồng USD, cặp tỷ giá này ở mức 6.5315 vào lúc 14h54 (giờ HK/SIN). Tỷ giá Nhân dân tệ ở nước ngoài cũng suy yếu so với đồng USD xuống mức 6.5435.
Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, dao động ở mức 94.59, giảm từ mức 94.8 hồi tuần trước.
Cũng trong ngày thứ Hai (25/06), giá dầu suy giảm, trong đó hợp đồng dầu Brent sụt tới 1.73% xuống 74.24 USD/thùng.
OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga, sẽ nâng sản lượng kể từ tháng 7/2018, qua đó giảm bớt lo ngại cho những người tiêu dùng sau khi Ả-rập Xê-ut tiến tới thỏa thuận vào phút chót và vượt qua sự phản đối của Iran.
Thỏa thuận trên là một chiến thắng đối với Ả-rập Xê-út và Nga, hai quốc gia vốn dành cả tháng qua để kêu gọi nâng sản lượng với mục đích kìm hãm đà tăng của giá dầu.
* Ả-rập Xê-út giải thích về thỏa thuận nâng sản lượng
Vũ Hạo (Theo CNBC)
Fili
|