Thứ Năm, 21/06/2018 17:09

TTCK Philippines “bốc hơi” 43 tỷ USD vốn hóa và bước vào thị trường con gấu

  • Khối ngoại đã thoái 1.14 tỷ USD trong năm 2018
  • NHTW Philippines đã nâng lãi suất lần hai trong ngày 20/06

Ngân hàng Trung ương Philippines cần phải làm nhiều hơn để giúp chứng khoán nước nhà hồi phục trở lại, khi thị trường Philippines rơi vào phạm vi thị trường con gấu và giảm mạnh nhất châu Á trong năm nay.

Chỉ số Philippine Stock Exchange Index rớt 2.3% trong ngày thứ Năm (21/06), nâng tổng mức giảm lên 20% so với mức đỉnh lập ra hồi tháng 1/2018.

Fritz Ocampo – Giám đốc đầu tư tại BDO Unibank ở Makati – cho hay, đợt nâng lãi suất lần hai của NHTW Philippines hôm thứ Tư (20/06) cũng chưa thể giúp thị trường chứng khoán phục hồi trở lại khi đồng nội tệ nước này vẫn tiếp tục suy giảm. Đồng Peso của Philippines đã mất 6.7% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất trong số các đồng tiền châu Á.

“Thị trường cần một tuyên bố rõ ràng để xoa dịu tâm lý nhà đầu tư”, ông Ocampo cho hay. “Chúng ta có lẽ vẫn chưa chạm đáy đâu. Và đà tăng có thể chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn vì các nhà đầu tư quốc tế đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi”.

Hơn 43 tỷ vốn hóa đã “bốc hơi” trong năm nay, khi chỉ số Philippine Stock Exchange Index lao dốc hơn 17%, thành quả tệ thứ hai trên thế giới chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ. Từ mức kỷ lục xác lập trong ngày 29/01/2018, chỉ số Philippine Stock Exchange Index đã lao dốc 22%, phá vỡ ngưỡng 7,246.90 điểm và bước vào thị trường con gấu. Trong ngày thứ Năm (21/06), chỉ số này khép lại ở mức 7,098.15 điểm, mức đáy 17 tháng.

“Nhà đầu tư vẫn còn đang hoảng loạn”, Manny Cruz, Chuyên gia phân tích tại Asiasec Equities Inc. trong Manila, cho hay. “Làn sóng bán tháo vẫn còn khá quyết liệt khi đợt nâng lãi suất thứ hai chẳng thể đem lại một chất xúc tác thật sự trong lúc khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung quốc ngày càng leo thang”.

Cơn sóng bán tháo hôm nay đã khiến hệ số P/E của chỉ số chuẩn Philippines xuống còn 15.3 lần (xét trên mức lợi nhuận dự phóng 12 tháng), mức rẻ nhất kể từ ngày 26/01/2016 và giảm từ mức 19.9 lần tại ngày 23/01/2018. Hệ số P/E hiện đang thấp hơn 2 độ lệch chuẩn so với mức bình quân 5 năm. Đây là mức P/E đã dẫn tới đà leo dốc cho thị trường chứng khoán Philippines trong hai năm 2013 và 2016.

Nếu chỉ số Philippine Stock Exchange Index đến lúc leo dốc trở lại thì đà tăng cũng hạn chế ở mức 7,600 điểm vì nó khá giống với mẫu hình tháng trước, ông Ocampo cho hay. Chỉ số này đã tăng hơn 300 điểm trong 2 phiên vừa qua, sau đợt nâng lãi suất vào ngày 10/05/2018 và sau đó đổ đèo trở lại khi lạm phát tăng nhanh hơn và đồng Peso lao xuống đáy 12 năm so với đồng USD.

Nhà đầu tư nghĩ rằng cần có thêm một đợt nâng lãi suất 0.25% trong năm nay để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát và ngăn chặn đà rớt giá của đồng Peso, ông Ocampo nhận định. Lần nâng lãi suất hôm thứ Tư (20/06) có thể chưa đủ để bắt kịp với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – vốn báo hiệu có thể nâng thêm 2 đợt nữa trong năm nay (nhiều hơn dự tính trước đó 1 đợt), ông nói thêm.

Ngoài ra, việc NHTW Philippines nâng lãi suất cũng không thể ngăn chặn chứng chỉ quỹ iShares MSCI Philippines ETF suy giảm 1.5% trong đêm qua ở Mỹ, phiên lao dốc thứ 10 liên tiếp và là chuỗi sụt giảm dài nhất kể từ tháng 6/2013. Hơn 51 tỷ USD vốn hóa của quỹ đã tan biến kể từ khi giá cổ phiếu giảm mạnh từ mức đỉnh tháng 1/2018.

Dòng vốn tháo chạy của khối ngoại – vốn lên tới 1.14 tỷ USD trong năm 2018 – có thể tăng lên 2 tỷ USD vào tháng 12/2018, trừ khi làn sóng thoái vốn chậm lại, ông Ocampo nhận định. Ông đang đầu tư mạnh vào các công ty bất động sản vì doanh số nhà ở cao và việc công bố các dự án mới. Các công ty bán lẻ cũng rất hấp dẫn.

Trong số 30 thành phần, có tới 26 cổ phiếu lao dốc trong ngày hôm nay (21/06), dẫn đầu là công ty vận hành điện thoại PLDT với mức lao dốc 6.5% và SM Prime Holdings với mức giảm 4.6%. Cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong chỉ số chuẩn là SM Investments lùi 1%.

“Sự tháo chạy của dòng vốn ngoại vẫn chưa thấy có dấu hiệu dừng lại”, ông Ocampo chia sẻ, đồng thời nói thêm chỉ số này có thể kiểm tra lại ngưỡng 7,000 điểm trong ngắn hạn vì làn sóng bán tháo có thể mạnh hơn trước khi chỉ số chuẩn phục hồi trở lại ngưỡng 8,500 điểm vào cuối năm nay. “Tại thời điểm này, tiền mặt là vua”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Giảm liền 9 phiên, TTCK Malaysia chìm vào phạm vi điều chỉnh (21/06/2018)

>   Morgan Stanley: Làn sóng bán tháo cổ phiếu Hồng Kông còn lâu mới chấm dứt (21/06/2018)

>   Hồng Kông: Điểm đến của nhiều đợt IPO “nóng” (21/06/2018)

>   Nasdaq lập kỷ lục mới, Dow Jones giảm liền 7 phiên (21/06/2018)

>   TTCK Indonesia giảm mạnh nhất trong 6 tuần (20/06/2018)

>   TTCK châu Á đồng loạt phục hồi (20/06/2018)

>   Shanghai Composite tiếp tục giảm bất chấp lời trấn an từ NHTW Trung Quốc (20/06/2018)

>   Sau cơn sóng bán tháo, báo Trung Quốc lên tiếng trấn an nhà đầu tư (20/06/2018)

>   Mất gần 300 điểm, Dow Jones xóa sạch đà tăng trong năm 2018 (20/06/2018)

>   Hơn 1,000 cổ phiếu Trung Quốc giảm sàn 10% vì lời đe dọa áp thuế của ông Trump (19/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật