Shanghai Composite tiếp tục giảm bất chấp lời trấn an từ NHTW Trung Quốc
Thị trường chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong ngày thứ Tư (20/06), trong đó một vài thị trường hồi phục phần nào từ đà lao dốc trong phiên trước đó vì nỗi lo về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đáng chú ý nhất, chỉ số Shanghai Composite vẫn tiếp tục suy giảm bất chấp lời trấn an của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).
* Sau cơn sóng bán tháo, báo Trung Quốc lên tiếng trấn an nhà đầu tư
Tính tới lúc 10h30 ngày thứ Tư (20/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiếp tục giảm thêm 33.68 điểm (tương ứng 1.16%) xuống 2,874.14 điểm, ngày càng rời xa cột mốc 3,000 điểm.
Trong phiên giao dịch trước, chỉ số cổ phiếu chuẩn của Trung Quốc rớt gần 4% và chính căng thẳng thương mại với Mỹ đã đẩy 1,023 cổ phiếu giảm sàn 10%. Góp phần thúc đẩy làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc là việc chỉ số Shanghai Composite rớt ngưỡng 3,000 điểm, một cột mốc đã từng bị phá vỡ trong những cú đổ đèo của thị trường hồi năm 2015 và 2016.
Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 37.16 điểm (tương ứng 0.13%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 10h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi đã quay đầu tăng 19.2 điểm (tương ứng 0.82%), sau khi giảm hơn 1.5% trong phiên trước, nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong đó, cổ phiếu có tỷ trọng lớn là Samsung Electronics tăng 0.64% và cổ phiếu Posco tiến 0.59%.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 tiến 51.8 điểm (tương ứng 0.85%), khi hầu hết chỉ số con đều khởi sắc. Trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính tiến 1.31%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cộng 8.94 điểm (tương ứng 0.04%) khi lĩnh vực tài chính và nguyên vật liệu suy giảm. Dẫn đầu đà lao dốc là nhóm cổ phiếu vận chuyển và sản xuất thép, trong đó chỉ số vận tải thuộc Topix sụt 2.96%.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tiến 0.42%.
Nỗi hoang mang về căng thẳng thương mại
Nỗi lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới vẫn còn đu bám, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xác định 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để áp thuế bổ sung ở mức 10% trong ngày thứ Hai (18/06 – giờ Mỹ).
Trước động thái trên, Trung Quốc cho biết sẽ đáp trả thẳng tay nếu Mỹ tiến tới quyết định áp thuế bổ sung. “Mỹ đã khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại, vốn đã vi phạm luật thị trường và không phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu hiện tại”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho cho biết.
“Thị trường đang dự báo một kết quả không mấy lý tưởng, vì thế nó có tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư”, Steven Wieting, Trưởng Bộ phận Chiến lược đầu tư tại Citi Private Bank, cho biết.
“Nói chung, thế giới đang xem xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một yếu tố tiêu cực khó lường. Yếu tố này đang tác động tới các thị trường trên diện rộng và có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới một số công ty nhất định. Và Mỹ cũng không miễn nhiễm với những yếu tố này”, ông Wieting nói thêm.
Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang đã làm rung chuyển thị trường và khiến Dow Jones xóa sạch đà tăng trong năm 2018.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 287.26 điểm (tương đương 1.15%) xuống 24,700.21 điểm, chỉ số S&P 500 mất 11.18 điểm (tương đương 0.4%) còn 2,762.57 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lùi 21.44 điểm (tương đương 0.28%) xuống 7,725.59 điểm.
Trong phiên trước, các thị trường châu Á bị bán tháo nặng nề. Đáng chú ý nhất là chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 4% xuống dưới mốc tâm lý quan trọng 3,000 điểm, và Shenzhen Composite cũng lao dốc 5.77%.
Những lo ngại về xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đã thôi thúc nhà đầu tư chuyển sang các kênh trú ẩn an toàn, trong đó, giá trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 2.89%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|