Việt Nam - điểm đến cho dòng vốn “tháo chạy” từ thị trường giá xuống?
Những ngày vừa qua, thế giới chứng kiến sự tháo chạy của vốn đầu tư ở những thị trường bị ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc chứng kiến 1.6 nghìn tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán nước này, chuyên gia của Morgan Stanley dự báo làn sóng tháo chạy của vốn đầu tư khỏi Trung Quốc còn lâu mới chấm dứt.
Tại Mỹ, Dow Jones lao dốc 8 phiên liên tiếp. Tại Châu Á, sắc đỏ vẫn bao trùm, thị trường chứng khoán Philippines, Malaysia, Indonesia đều sụt giảm mạnh, giá trị thị trường vơi đi tính theo đơn vị chục tỷ USD.
Mặc dù thanh khoản chưa cao, đà sụt giảm của thị trường Việt Nam đã nhanh chóng dừng lại từ giữa tuần, phiên giao dịch cuối tuần 22/06/2018 khép lại VN-Index tăng 13.55 điểm, có 170 mã tăng giá trong đó có 12 mã tăng kịch trần.
Sau đợt sụt giảm này, nhiều thị trường đã được đưa vào danh sách bearish market - tạm dịch là thị trường giá xuống, với đặc trưng pha giảm kéo dài, pha tăng chỉ mang tính hồi kỹ thuật, đại diện nổi bật của nhóm này rõ ràng là thị trường Trung Quốc, đất nước chịu tâm bão của những xáo trộn mậu dịch. Lo ngại từ căng thẳng thương mại mậu dịch Mỹ-Trung chưa có hồi kết, như vậy dòng tiền rút ra khỏi những thị trường ở trạng thái giá xuống nói trên sẽ chuyển dịch đi đâu?
Đã từ lâu, chỉ số chứng khoán của thị trường Trung Quốc được đánh giá đã quá cao so với thực trạng của nền kinh tế nước này và mang đậm tính chất đầu cơ (speculative). Dữ liệu so sánh được thực hiện bởi One Road Research giữa chỉ sổ SHCOMP Index và GDP của Trung Quốc cho thấy kể từ năm 2010 trở lại đây mức độ đầu cơ ngày càng tăng lên, dẫn đến chỉ số chứng khoán của Trung Quốc không còn thể hiện sự tăng trưởng kinh tế (Economic Growth), cũng không thể hiện thu nhập của doanh nghiệp (Corporate earnings). Vì thế, cú hích từ đòn thuế của Mỹ, không những mang lại sự rung chuyển trong kinh tế Trung Quốc, mà còn là sự ra đi của giới đầu cơ, đầu tư khỏi thị trường này, bởi vì khả năng còn lâu nữa thì thị trường chứng khoán Trung Quốc mới tìm thấy điểm cân bằng của chỉ số chứng khoán và sức khỏe thực sự của nền kinh tế.
So sánh chỉ số SHCOMP và GDP Trung Quốc
|
Về phía Việt Nam, năm 2016 Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do với Liên Minh Châu Âu (EVFTA), qua đó giảm thuế quan thương mại vào năm nay 2018. Khi Tổng thống Donald J. Trump từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đa dạng hóa đối tác kinh tế thông qua việc tham gia hiệp định EVFTA. Những bước đi này đã làm cho thị trường Việt Nam lọt vô tầm ngắm, hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Thu hút FDI của Việt Nam tăng theo từng năm
|
Đáng chú ý, Trung Quốc là nước có đầu tư FDI vào Việt Nam thuộc top dẫn đầu. Với chính sách xem xét mở cửa hình thành các đặc khu kinh tế gần đây, chắc chắn Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp tục là điểm đến của nguồn vốn chảy ra từ Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam theo dữ liệu của Statista năm 2018
|
Đối với những nhà đầu tư trên 10 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, thật khó để tin rằng thị trường có thể tiếp tục giữ đà tăng trưởng vì điều đó chưa từng có tiền lệ, trường phái đầu cơ cho rằng thị trường sẽ đạt đỉnh khi tâm lý thỏa mãn chiếm ưu thế và từ đó tạo nên động thái bán áp đảo mua.
Tuy nhiên, với diễn biến tiếp tục giảm mạnh của các thị trường trong khu vực, và diễn biến hồi phục từ thị trường Việt Nam, cũng như động thái giảm bán của khối ngoại, đó là tín hiệu tích cực cho thị trường. Vừa qua, theo dự báo của MSCI về tỷ trọng cổ phiếu Việt trong MSCI Frontier 100 Index có thể tăng mạnh hơn 10%, từ 17.72% lên 28.37%. Việt Nam có nhiều yếu tố vĩ mô đã sẵn sàng là điểm đến mới cho dòng vốn thoát ra khỏi thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Mỹ, Philippines, Malaysia… Kỳ vọng, đây là một cơ hội “thay máu”, lớp nhà đầu tư thỏa mãn sẽ chốt lời cho những những dòng vốn đầu tư mới, và dòng tiền này sẽ tạo nên một nhịp tăng trưởng tiếp theo cho thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam.
ThS. Đinh Hạ Vân
FILI
|