Mỹ chính thức tiến tới thỏa thuận với ZTE
Ông lớn thiết bị viễn thông Trung Quốc, ZTE, sẽ nộp phạt 1 tỷ USD và mang một nhóm giám sát viên người Mỹ vào Hội đồng Quản trị để giải quyết những bất đồng với Mỹ.
Thỏa thuận này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm mua linh kiện từ các công ty Mỹ đối với ZTE. Nhờ đó, công ty này sẽ trở lại hoạt động.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết hai bên đã tiến tới thỏa thuận vào lúc 6h sáng ngày thứ Năm (07/06 – giờ ET) và thỏa thuận này sẽ áp đặt "sự tuân thủ nghiêm ngặt nhất mà chúng ta từng có ở bất kỳ công ty nào", cả Mỹ và công ty nước ngoài. Ngoài ra, ZTE sẽ ký quỹ 400 triệu USD.
Sự tồn tại của ZTE là chủ đề bàn luận của các cuộc đàm phán cao cấp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty trong nước bán linh kiện hoặc cung cấp dịch vụ cho ZTE trong vòng 7 năm, vì họ đã vận chuyển trái phép hàng hóa tới Triều Tiên và Iran.
Tháng 5/2018, ông Trump tweet rằng ông đã chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ tìm cách để giúp ZTE tiếp tục hoạt động. Sau đó, ông còn cho biết trên Twitter rằng ZTE phải nộp phạt 1.3 tỷ USD và thay đổi bộ máy quản lý.
“Các chính quyền trước đã hành xử như ‘những kẻ khờ khạo’ đối với Trung Quốc và các quốc gia khác. Họ chưa bao giờ đứng lên chống lại”, ông Ross cho hay. “Tôi nghĩ là Trung Quốc đã nhận thức được Mỹ có một nhà lãnh đạo mới là Donald J. Trump và ông ấy sẵn sàng đáp trả”.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên hứng chịu nhiều sự chỉ trích từ phía Thượng nghị sĩ Chuck Schumer – người cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump không làm gì đối với Trung Quốc, nhưng lại tung ra các động thái thương mại cứng rắn với các đồng minh thân cận như châu Âu và Canada.
“Chẳng có lý do hợp lý nào để ZTE nên được cho cơ hội thứ hai, và quyết định này đánh dấu sự quay ngoắt 180 độ của Tổng thống Mỹ đối với lời hứa sẽ cứng rắn về Trung Quốc”, ông nói trong một tuyên bố.
Thỏa thuận mới sẽ buộc ZTE phải thay đổi bộ máy quản lý hàng đầu và cả Hội đồng Quản trị, ông Ross cho biết. Nhóm chuyên phụ trách về mức đô tuân thủ sẽ báo cáo với vị Chủ tịch mới của ZTE, ông Ross nói thêm.
Phát ngôn viên của ZTE từ chối nhận định về vấn đề trên.
Phần ký quỹ 400 triệu USD sẽ bị tịch thu và lệnh cấm sẽ được tái áp đặt nếu ZTE vi phạm các điều khoản trong thời hạn thử thách 10 năm
“Tôi cảm thấy rất, rất vui với thỏa thuận này”, ông Ross cho hay. “Đây là mức phạt nghiêm khắc nhất và mạnh tay nhất mà Bộ Thương mại Mỹ từng áp”.
ZTE – vốn có 75,000 nhân viên trên toàn cầu – mua các linh kiện chính từ một loạt công ty Mỹ, nhất là chip điện tử từ Qualcomm và Intel. Vào ngày 09/05, họ cho biết đã dừng mọi hoạt động chính vì lệnh cấm từ phía Mỹ.
Vào giữa tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông đang phối hợp với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, để tìm cách giúp ZTE hoạt động trở lại nhanh chóng. Nhưng những nhận định của ổng lại hứng chịu làn sóng phản ứng dữ dội từ Washington, qua đó làm nảy sinh sự bất ổn vì việc ZTE có hoạt động trở lại được hay không.
Các chuyên gia phân tích cho rằng lệnh cấm của Mỹ có khả năng khiến ZTE thiệt hại hàng tỷ USD, làm hoen ố thương hiệu và làm căng thẳng mối quan hệ với các khách hàng trên khắp thế giới.
ZTE liên tục bị kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý và quan chức ở Mỹ, vốn đang rất cảnh giác với chính quyền Trung Quốc.
Trong năm 2012, ZTE và Huawei – công ty công nghệ Trung Quốc – là những mục tiêu của báo cáo Quốc hội Mỹ, tập trung vào thiết bị dành cho mạng lưới viễn thông của hai công ty này.
Báo cáo Quốc hội Mỹ có đoạn: Chuyện hai công ty này không bị ảnh hưởng từ Chính phủ nước ngoài là không thể tin được và do đó tạo ra mối đe dọa tới an ninh và cả hệ thống của nước Mỹ
Các nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc đang là ngọn nguồn của tình trạng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Và ZTE đang đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
Đây là một trong vài công ty công nghệ Trung Quốc tích cực theo đuổi việc phát triển mạng lưới 5G – thế hệ kế tiếp của công nghệ mạng lưới không dây.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|