Thứ Năm, 07/06/2018 17:13

Fed sẽ tiếp tục lộ trình nâng lãi suất bất chấp nỗi lo về thị trường mới nổi?

Trong thời gian gần đây, đồng nội tệ của những thị trường mới nổi bị bán tháo trên diện rộng khi nhà đầu tư lo sợ các nền kinh tế này sẽ không thể thích ứng được với mức chi phí đi vay ngày càng cao tại Mỹ. Thậm chí, điều này đã buộc Ngân hàng Trung ương ở Ấn Độ và Indonesia nâng lãi suất, đồng thời kêu gọi Fed cẩn trọng. Bên cạnh đó, các quan chức ở Brazil cũng đang đối mặt với thời kỳ khó khăn.

* Thị trường gợi nhớ lại ký ức đau thương của thời kỳ khủng hoảng xa xưa

Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, các thị trường mới nổi chao đảo

Trên thị trường, xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy những nỗi lo về thị trường mới nổi sẽ khiến Fed phải thay đổi lộ trình nâng lãi suất trong năm nay.

* Bóng ma khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đang hiện hữu ở thị trường mới nổi?

Chủ tịch Fed, Jerome Powell, công khai đẩy lùi bất kỳ lời chỉ trích nào xuất hiện vào đầu tháng 5/2018, cho rằng tác động của chính sách tiền tệ Mỹ tới điều kiện tài chính của nước ngoài thường bị cường điệu hóa. Đồng nghiệp của ông Powell, Thống đốc Lael Brainard có đề cập tới các thị trường mới nổi trong bài phát biểu ngày 31/05/2018, nhưng lại dành nhiều thời gian hơn để bàn luận về các rủi ro xuất phát từ các gói kích thích tài khóa.

“Tôi không nghĩ họ có thể thay đổi chính sách dựa trên nỗi lo sợ về thị trường mới nổi”, ông Bricklin Dwyer, Chiến lược gia cấp cao tại BNP Paribas ở New York, cho hay. “Biến động tại các thị trường mới nổi chỉ là tín hiệu nhiễu tại thời điểm này. Nhưng liệu nó có làm thay đổi triển vọng của Mỹ? Câu trả lời là vẫn chưa”.

Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh, tạo thêm hơn 1 triệu việc làm trong 5 tháng đầu năm 2018. Lạm phát dao động ở mức mục tiêu 2% của Fed, và mô hình theo dõi GDP của Fed khu vực Atlanta cho thấy nền kinh tế có thể tăng trưởng tới 4.5% trong quý 2/2018.

Các yếu tố hỗ trợ quyết định nâng lãi suất

Ngay cả khi hoạt động xuất khẩu bị tác động bởi những rắc rối kinh tế ở nước ngoài, căng thẳng thương mại và đồng USD mạnh hơn thì gói kích thích tài khóa 1.5 ngàn tỷ USD và việc tăng chi tiêu Chính phủ Mỹ thêm 300 tỷ USD đang hỗ trợ rất nhiều đến nhu cầu tại nước Mỹ, ông Torsten Slok, Trưởng Bộ phận Kinh tế Quốc tế tại Deutsche Bank AG ở New York, cho hay.

Fed có nhiệm vụ ổn định giá và thúc đẩy nền kinh tế đạt tình trạng toàn dụng nhân công (full employment). Với mức 3.8% trong tháng 5/2018, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ hiện đã thấp hơn ước tính về mức toàn dụng nhân công và các dự báo gần đây cho thấy quan chức Fed vẫn cho phép lạm phát tạm thời tăng hơn mức mục tiêu 2% một chút.

Trong khi đó, lãi suất cho vay chuẩn của Fed vẫn ở mức đủ thấp để kích thích tăng trưởng (theo một vài thước đo), qua đó khiến các quan chức không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nâng lãi suất lên một mức trung lập hơn về tác động lên cung và cầu thị trường.

Ngoài ra, Fed còn nỗ lực truyền tải kế hoạch nâng lãi suất từ từ và quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình để tránh lặp lại hiện tượng taper tantrum trong năm 2013. Sự kiện “taper tantrum” vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Còn nhớ, tại thời điểm đó, đồng tiền của các quốc gia thị trường mới nổi đã biến động mạnh sau khi Chủ tịch Fed khi đó là Ben Bernanke cho biết trong tháng 5/2013 rằng Fed sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu.

Việc trì hoãn thắt chặt chính sách tiền tệ cũng tạo ra chi phí cho các thị trường mới nổi nếu nó đẩy lạm phát tăng cao hơn, và sau đó buộc Fed phải hành động quyết liệt hơn, Nathan Sheets, Chuyên gia kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income, cho hay.

“Fed buộc phải hành động”, ông Sheets – từng là Phụ tá thuộc Bộ Tài chính Mỹ phụ trách về các vấn đề quốc tế – cho hay.  Các quan chức có lẽ đang tự hỏi: “Theo thời gian, liệu chúng ta có phục vụ nền kinh tế toàn cầu tốt bằng cách không phản ứng với lạm phát hay không?”.

Trong quá khứ, cũng có những dịp Fed tạm dừng quá trình thắt chặt chính sách để đối phó với các diễn biến quốc tế. Chẳng hạn như trong năm 1998, vị Chủ tịch Fed lúc đó, Alan Greenspan, đã dẫn dắt Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) giảm lãi suất 3 lần để bù đắp cho tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang lan rộng.

Ông Greenspan đã sai

“Ông ấy đã sai”, Joe Gagnon, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ở Washington và từng là chuyên gia kinh tế của Fed, cho hay. “Ông ấy giảm lãi suất 0.75% (3 lần) và nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và nền kinh tế công nghệ cũng thực sự cất cánh (đến nỗi tạo ra bong bóng)”.

Bong bóng cổ phiếu công nghệ vỡ ra và để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nền kinh tế Mỹ.

Trong năm 2016, các quan chức Fed đã đưa ra kế hoạch nâng lãi suất 4 lần trong năm đó, nhưng lại chỉ nâng 1 lần duy nhất vì tình trạng rối loạn trên thị trường tài chính xuất phát từ nỗi lo về đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Tại thời điểm đó, họ chỉ tới lạm phát ở mức quá thấp của Mỹ là một lý do để tỏ ra cẩn trọng.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – đạt mức trung bình là 1.2% trong năm 2016. Trong khi đó, lạm phát đã chạm mức 2% (xét trong giai đoạn 12 tháng trước) trong cả tháng 3 và tháng 4/2018.

Các quan chức Fed có để mắt tới châu Âu và thị trường mới nổi, nhưng cuối cùng thì họ cũng vẫn xem xét tới báo cáo việc làm trong tháng 5/2018 để ra quyết định, Torsten Slok của Deutsche Bank cho hay. “Nếu có thì chúng ta nên lo ngại về tình trạng quá nhiệt của nền kinh tế thay vì lo ngại về suy thoái”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Tencent và quỹ Warburg Pincus đề xuất bơm thêm 1 tỷ USD cho Go-Jek? (07/06/2018)

>   Vàng thế giới giảm nhẹ trước thềm cuộc họp G7 (07/06/2018)

>   Dầu WTI giảm hơn 1% xuống đáy 2 tháng khi nguồn cung tại Mỹ bất ngờ tăng (07/06/2018)

>   Vụ bê bối của quỹ 1MDB khiến Thống đốc NHTW Malaysia phải từ chức (06/06/2018)

>   Thống đốc NHTW Malaysia từ chức nhưng không đề cử người kế nhiệm (06/06/2018)

>   “Khó có gì cản được đồng USD tăng giá” (06/06/2018)

>   Mỹ yêu cầu OPEC tăng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày? (06/06/2018)

>   Vàng thế giới vượt mốc 1,300 USD/oz (06/06/2018)

>   Dầu đảo chiều sau 3 phiên lao dốc liên tiếp (06/06/2018)

>   Bloomberg: Thống đốc NHTW Malaysia bất ngờ muốn từ chức (05/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật