Mỹ yêu cầu OPEC tăng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày?
Chính phủ Mỹ đã lặng lẽ yêu cầu Ả-rập Xê-út và một số thành viên khác của OPEC nâng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày, dựa trên nguồn tin thân cận.
Lời yêu cầu hiếm thấy từ phía Mỹ được đưa ra sau khi giá xăng bán lẻ tại nước này vọt lên mức cao nhất trong hơn 3 năm và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng công khai than phiền về chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đà tăng của giá dầu trên mạng xã hội Twitter. Ngoài ra, yêu cầu này cũng được đưa ra sau khi Mỹ quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt lên hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran.
Mặc dù các nhà làm luật Mỹ có thói quen chỉ trích OPEC vào những lúc giá dầu lên cao, và cũng có lúc Chính phủ Mỹ khuyến khích OPEC bơm dầu nhiều hơn, nhưng việc Washington đòi hỏi một đợt nâng sản lượng ở một mức cụ thể thì thật là bất thường, dựa trên nguồn thông tin thân cận. Vẫn chưa rõ về cách thức truyền tải yêu cầu của Mỹ.
Tại một cuộc họp giữa các bộ trưởng dầu mỏ các quốc gia Ả-rập vào cuối tuần trước ở Kuwait, họ đã bàn luận về việc nâng sản lượng. Sau buổi trao đổi, các bộ trưởng này tuyên bố cam kết đảm bảo nguồn cung dầu ổn định được cung cấp kịp thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và bù đắp cho sự suy giảm sản lượng ở một số khu vực trên thế giới. Tháng trước, Ả-rập Xê-út và Nga đề xuất gia tăng sản lượng dần dần, mặc dù các thành viên khác chưa đồng ý.
Hợp đồng dầu Brent tương lai có lúc lao dốc 2% xuống 73.81 USD/thùng sau khi yêu cầu của Mỹ được ghi nhận.
“Có vẻ như OPEC lại nhắm đến nó một lần nữa”, ông viết. “Với mức sản lượng dầu cao kỷ lục ở khắp nơi, bao gồm những chiếc thuyền chở đầy dầu ở ngoài khơi, giá dầu đang ở mức rất cao một cách giả tạo! Không tốt và sẽ không được chấp nhận!”.
“Dòng tweet của ông Trump đã làm lay chuyển quan điểm của Ả-rập Xê-út”, Bob McNally, nhà sáng lập của công ty tư vấn Rapidan Energy Group LLC ở Washington và từng là quan chức ngành dầu ở Nhà Trắng, cho hay. “Thông điệp trên được truyền tải to và rõ ràng tới Ả-rập Xê-út”.
Không phải riêng gì Mỹ, các quốc gia mua dầu của Ả-rập Xê-út cũng gây áp lực lên Riyadh để thay đổi xu hướng giá dầu. Ông Dharmendra Pradhan, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ, cho biết ông đã gọi Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út và bày tỏ nỗi lo về đà tăng của giá dầu.
Nhà Trắng từ chối bình luận về các cuộc trao đổi cụ thể, nhưng một phát ngôn viên của Hội An ninh Quốc gia Mỹ cho biết khả năng tiếp cận tới nguồn năng lượng giá phải chăng và đáng tin cậy có thể củng cố tăng trưởng kinh tế toàn cầu và an ninh quốc gia.
“Chúng tôi hoan nghênh mọi động thái dựa trên thị trường làm gia tăng khả năng tiếp cận tới nguồn năng lượng và gầy dựng một nền kinh tế toàn cầu khỏe mạnh”, vị phát ngôn viên này cho hay.
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, tiết lộ rằng Washington đã có nhiều cuộc trao đổi với nhiều bên về các quốc gia sẽ sẵn lòng gia tăng nguồn cung để bù đắp cho tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran.
Mặc dù ông Mnuchin từ chối cung cấp những thông tin cụ thể, nhưng chỉ có 4 quốc gia trong OPEC và các đồng minh có đủ công suất dư thừa để bù đắp cho tác động đó: Ả-rập Xê-út, Nga, các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Kuwait.
OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài, bao gồm cả Nga, Mexico và Kazakhstan, đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 1.8 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016 trong một nỗ lực xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu. Hợp đồng dầu Brent đã tăng từ gần 45 USD/thùng (trước thời điểm thỏa thuận ký kết) lên hơn 80 USD/thùng trong tháng trước.
OPEC và các đồng minh sẽ bàn luận về chính sách sản lượng của nửa cuối năm 2018 tại cuộc họp dự kiến diễn ra trong hai ngày 22-23/06/2018 ở Vienna.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|