Giảm gần 2%, dầu lao dốc liền 3 phiên
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh vào ngày thứ Hai (04/06), trong đó hợp đồng dầu WTI đóng cửa tại đáy 2 tháng, chịu sức ép bởi dự đoán ngày càng tăng rằng OPEC sẽ quyết định kiềm chế cắt giảm sản lượng dầu thô khi nhóm họp vào cuối tháng này, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex lùi 1.06 USD (tương đương 1.6%) xuống 64.75 USD/thùng. Đây là phiên sụt giảm thứ 3 liên tiếp và ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 09/04/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn mất 1.50 USD (tương đương 2%) còn 75.29 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 08/05/2018.
Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Yếu tố khiến dầu suy yếu gần đây là việc các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước bên ngoài đề cập sửa đổi chính sách sản lượng hiện nay. Khả năng nâng giới hạn sản lượng hiện nay dường như tăng cao vào cuối tháng này, đáng chú ý nhất là Ả-rập Xê-út và Nga”.
OPEC sẽ quyết định kiềm chế sản lượng dầu thô của OPEC và 10 nhà sản xuất bên ngoài, bao gồm Nga, đang cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2017. Nỗ lực hợp tác dự kiến kết thúc vào cuối năm nay đã giúp nâng giá dầu thô leo dốc hơn 40%. Cuộc họp thường kỳ tiếp theo của OPEC sẽ tổ chức tại Vienna vào ngày 22/06 tới.
Dầu Brent đã mất 5% kể từ cuối tháng 5/2018 do có thông tin rằng Ả-rập Xê-út và Nga đang thảo luận kế hoạch gia tăng sản lượng. Quyết định nâng sản lượng có thể xảy ra sau hơn 1 năm kìm hãm sản lượng đã được thúc đẩy một phần bởi sự gia tăng rủi ro địa chính trị đối với nguồn cung dầu tại Iran và Venezuela.
Trong tháng 5, các ngân hàng đã nâng dự báo giá dầu cho 8 tháng liên tiếp, trong bối cảnh rủi ro địa chính trị leo thang. Hiện dầu Brent được dự báo đạt bình quân trên 70 USD/thùng trong năm nay, theo một cuộc thăm dò từ 12 ngân hàng của WSJ cho thấy. Trong khi đó, dầu WTI có thể sẽ đạt bình quân gần 66 USD/thùng. Cả 2 ước tính đều tăng khoảng 6 USD so với dự báo từ cuộc thăm dò hồi tháng 4.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu sức ép sau khi dữ liệu công bố hồi tuần trước của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô nội địa vọt lên mức kỷ lục 10.47 triệu thùng/ngày. Đồng thời, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã tăng 2 giàn lên 861 giàn trong tuần trước, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 7 lùi 1% xuống 2.122 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 mất 1.1% còn 2.153 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 cũng giảm 1.1% xuống 2.93 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|