Trung Quốc ra nước ngoài sản xuất thép để lách thuế chống bán phá
Các công ty thép Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của nhà nước, đã né các mức thuế chống bán phá cao ngất ngưỡng của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bằng cách ngưng hoạt động ở trong nước và ra nước ngoài xây dựng nhà máy, theo The Wall Street Journal.
Nhà máy thép của Hesteel Group ở vùng ngoại ô TP. Smederevo, Serbia. Ảnh: WSJ
|
Sang châu Âu sản xuất để được hưởng thuế 0%
Cách đây ba năm, một nhà máy thép nhà nước ở ngoại ô thành phố Smederevo, Serbia, đông nam châu Âu, đứng bên bờ vực đóng cửa. Chính phủ Serbia đã ngừng trợ cấp cho nhà máy này sau khi nó trải qua sáu năm thua lỗ liên tục.
Giờ đây, nó đang hoạt động với công suất cao nhất từ trước đến nay sau khi được bán cho công ty thép nhà nước Trung Quốc Hesteel Group với giá 54 triệu đô la Mỹ. Hoạt động xuất khẩu của nhà máy đang tăng vọt và nó thậm chí bắt đầu xuất hàng sang Mỹ.
EU đã áp thuế chống bán phá giá đối với nhiều sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Song giờ đây, nhà máy thép của Hesteel Group ở Serbia có thể xuất khẩu thép sang 28 nước thành viên EU với mức thuế 0%.
Không dừng lại ở Serbia, Hesteel Group còn vươn vòi đầu tư sang Macedonia, Thụy Sĩ, Nam Phi, Úc và cả Mỹ.
Người phát ngôn của Hesteel Group nói rằng, mở rộng hoạt động ở nước ngoài là chiến lược cốt lõi của công ty. Hesteel Group đặt mục tiêu kiếm 20% tổng thu doanh từ các thị trường ngoài Trung Quốc vào năm 2020.
Trong vài năm qua, nhiều nhà máy thép Trung Quốc ngưng sản xuất trong nước nhưng lại mở rộng hoạt động ở nước ngoài nhờ nguồn vốn hỗ trợ hàng chục tỉ đô la Mỹ từ các ngân hàng nhà nước và quỹ đầu tư ở Trung Quốc
Bằng cách di chuyển sản xuất ra nước ngoài, các nhà máy thép Trung Quốc có thể tiếp cận rộng rãi các thị trường toàn cầu. Các nhà máy của họ ở Trung Quốc đối mặt các mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưỡng từ Mỹ và nhiều nước khác trước khi Donald Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, các nhà máy của họ ở nước ngoài ít bị các mức thuế chống bán phá giá như vậy.
Hồi tháng 3, chính quyền Trump làm rung chuyển hệ thống thương mại toàn cầu khi áp các mức thuế 25% và 10% lần lượt cho thép và nhôm nhập khẩu. Tuy nhiên, các mức thuế này vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế chống bán phá giá thường cao hơn 200% của Mỹ nhằm vào các sản phẩm thép sản xuất ở Trung Quốc
Các lãnh đạo ngành công nghiệp thép phương Tây đang lo ngại các hoạt động đầu tư ở nước ngoài đang giúp các nhà sản xuất thép Trung Quốc né thuế chống bán phá giá của Mỹ và nhiều nước khác.
Ồ ạt đầu tư nhà máy thép ở nước ngoài
Cơn bùng nổ sản xuất thép của Trung Quốc diễn ra vào đầu thập niên 2000 khi Bắc Kinh dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho ngành thép vốn được xem là có tầm quan trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến Bắc Kinh phải tung ra chương trình kích thích kinh tế bao gồm việc xây dựng hàng trăm nhà máy thép mới. Sản lượng thép của Trung Quốc tăng bảy lần trong giai đoạn 2000-2013.
Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc vào năm 2013 khiến các nhà sản xuất thép và nhôm Trung Quốc phải “xả hàng” ra các thị trường toàn cầu và đẩy giá bán đi xuống. Giá thép xuất khẩu trung bình của Trung Quốc giảm khoảng 50% giữa năm 2011 và năm 2016.
Các chính phủ trên toàn thế giới đã áp hơn 130 mức thuế chống bán phá giá nhằm vào các công ty thép Trung Quốc.
Bắc Kinh phản đáp bằng cách đặt mục tiêu cắt giảm công suất thép 150 triệu tấn vào năm 2020. Đồng thời, vào năm 2014, Trung Quốc phát động một kế hoạch mang tên Hợp tác công suất quốc tế, trong đó, giao cho các ngân hàng nhà nước nhiệm vụ hỗ trợ các công ty thép gia tăng sản xuất ở nước ngoài.
Giới phân tích và các lãnh đạo ngành thép cũng như chính phủ phương Tây cho biết, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang nhận được nguồn vốn hỗ trợ hàng trăm tỉ đô la Mỹ từ các ngân hàng và quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc để xây dựng và mua lại các nhà máy thép ở nước ngoài.
“Trung Quốc gần đây di chuyển toàn bộ các cụm công nghiệp ra các vùng địa lý bên ngoài và rồi tiếp tục sản xuất quá mức sản lượng thép, nhôm, xi măng, kính tấm, hàng dệt may... Nếu không có trợ cấp của nhà nước, đây là những ngành sản xuất không có tính khả thi kinh tế dựa theo quy luật cung cầu”, Tristan Kenderdine, Giám đốc nghiên cứu ở tổ chức tư vấn Future Risk phân tích.
Các công ty thépTrung Quốc đã ký các thỏa thuận xây dựng các nhà máy thép ở Malaysia, Pakistan, Ấn Độ và nhiều nơi khác.
Tại phía bắc Brazil, vào cuối năm nay, một nhóm công ty Trung Quốc sẽ động thổ dự án trị giá 8 tỉ đô la Mỹ để xây dựng một trong những nhà máy thép lớn nhất thế giới, mở rộng thêm công suất thép của Brazil dù ngành công nghiệp thép nước này chỉ hoạt động chưa đầy 70% công suất thiết kế.
“Điều này hoàn toàn phi lý vì công suất thép của chúng tôi đang dư thừa”, Alexandre Lyra, Chủ tịch Viện thép Brazil nói.
Các công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng nhiều nhà máy thép ở Indonesia. Chẳng hạn, năm ngoái, công ty thép Tsingshan có trụ sở ở thành phố Ôn Châu, Trung Quốc, đã khai trương nhà máy thép không gỉ với công suất 2 triệu tấn/năm ở đảo Sulawesi, Indonesia nhờ sử dụng vốn vay 570 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc. Sự xuất hiện của nhà máy này đang đẩy giá giá thép không gỉ giảm từ châu Á đến Mỹ.
Các sản phẩm thép không gỉ của Tsingshan vào thị trường Mỹ thông qua một liên doanh với công ty thép không gỉ Allegheny Technologies ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Liên doanh này nhập các tấm thép không gỉ từ nhà máy của Tsingshan ở Indonesia, rồi gia công chúng thành những nhiều sản phẩm từ đồ gia dụng cho đến thiết bi y khoa.
Chánh Tài
TBKTSG
|