“Lá bài” Triều Tiên trong đàm phán thương mại Trung-Mỹ
Một màn hình lớn phát hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên đường phố ở Bắc Kinh ngày 19/6 - Ảnh: AP/Bloomberg.
|
Chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ ba của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một bằng chứng cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nhận định của hãng tin Bloomberg.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên sáng 20/6 cho biết trong chuyến thăm này, ông Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong đó, ông Kim Jong Un đã hứa với ông Tập Cận Bình rằng Bình Nhưỡng sẽ hợp tác với Bắc Kinh để đảm bảo "hòa bình thực sự" trong quá trình "mở ra một tương lai mới" trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm bắt đầu vào ngày thứ Ba và dự kiến kết thúc vào ngày thứ Tư. Từ chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên vào tháng 3 đến nay, ông Kim Jong Un đã có ba lần đến nước này và gặp ông Tập Cận Bình.
Trong đó, chuyến thăm thứ hai diễn ra trước khi ông Kim Jong Un có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, và chuyến thăm thứ ba diễn ra sau cuộc gặp lịch sử này.
Không chỉ đậu tương và máy bay
Sự xuất hiện của ông Kim Jong Un ở Bắc Kinh cho thấy đòn bẩy của Trung Quốc trong đàm phán thương mại với Mỹ không chỉ có nhập khẩu đậu tương và hợp đồng mua máy bay Boeing.
Không chỉ là đói tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc còn được xem là quốc gia giữ vai trò quan trọng nhất trong chiến dịch của ông Trump về "gây sức ép tối đa" nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Sau cuộc gặp ông Trump ở Florida vào tháng 4/2017, ông Tập Cận Bình đã ủng hộ Liên hiệp quốc siết trừng phạt Bình Nhưỡng bằng cách cắt giảm hoạt động thương mại ở biên giới với Triều Tiên.
Giờ đây, khi ông Trump dọa áp thuế lên thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sau khi đã chốt đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa từ đối tác này, Triều Tiên rõ ràng có vai trò là một "lá bài" lớn trong cuộc mặc cả thương mại Trung-Mỹ.
"Lá bài" này rất có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng, bởi sự thay đổi chính sách hàng loạt của chính quyền Trump khiến Bắc Kinh ngày càng nghi ngờ rằng ông Trump thực sự muốn ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc thành một cường quốc dẫn đầu thế giới.
"Chúng ta đang có hai nhà lãnh đạo theo trường phái dân tộc chủ nghĩa… với những chính sách khiến nguy cơ xung đột giữa hai nước tăng lên thay vì giảm đi", ông Scott Kennedy, Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định. "Phong cách lãnh đạo và các mục tiêu chính sách của hai nhà lãnh đạo khiến xung đột dễ xảy ra".
Chính sách thương mại của ông Trump đối với Trung Quốc đã giúp thỏa mãn những lời kêu gọi ở Washington, và ngay cả từ nhiều công ty đa quốc gia Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, muốn có hành động quyết liệt hơn để ứng phó với sự nổi lên của Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, Lầu Năm Góc đã gọi Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh chiến lược", còn chính quyền ông Trump đã kêu gọi Bắc Kinh thu hẹp "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) - chương trình nhằm đưa Trung Quốc giành vị thế đi đầu trong những ngành công nghệ cao như chất bán dẫn và hàng không vũ trụ.
Về phần mình, Trung Quốc dù kêu gọi Mỹ từ bỏ "tinh thần chiến tranh lạnh" và thúc giục đàm phán, nhưng cũng thề sẽ đáp trả cân xứng các kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc mà Mỹ đưa ra.
Ông Pang Zhonging, một chuyên gia cấp cao thuộc Pangoal Institution, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Bắc Kinh, nói rằng một số quan chức Trung Quốc "đang lo ngại rằng quan hệ Trung-Mỹ xấu đi có thể đặt ra nhiều thách thức cho Trung Quốc, bởi giữa hai nước có sự ràng buộc quá lớn về kinh tế và thương mại".
Trên thực tế, ông Trump đã sử dụng sự ràng buộc kinh tế này để làm lợi thế của mình trong vấn đề Triều Tiên. Khi muốn Trung Quốc siết trừng phạt để gây sức ép với Triều Tiên, buộc Bình Nhưỡng phải đi đến đàm phàn, Washington chủ động giảm căng thẳng thương mại với Bắc Kinh.
Ngược lại, khi Triều Tiên đã chịu ngồi vào bàn đàm phán, Mỹ lại leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
"Cây gậy và củ cà rốt"
Theo truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), khi gặp ông Kim Jong Un ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể thực thi kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và các bên liên quan sẽ cùng nhau hợp tác để thúc đẩy tiến trình hòa bình. Ông Tập Cận Bình cũng nói Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong vấn đề Triều Tiên.
Bloomberg nhận định rằng Trung Quốc có trong tay một tập hợp đặc biệt "cây gậy và củ cà rốt" có khả năng quyết định sự thành công các cuộc đàm phán Mỹ-Triều. Không chỉ là nguồn cung cấp 80% nhập khẩu của Triều Tiên, Trung Quốc còn cung cấp chiếc máy bay Air China chở ông Kim Jong Un đến Singapore - cho thấy vai trò của Bắc Kinh trong việc đảm bảo an ninh cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Kim Jong Un diễn ra hồi tháng 3, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Kim Jong Un rằng Trung Quốc đã đưa ra "sự lựa chọn chiến lược" là có quan hệ thân thiết với Triều Tiên, và mối quan hệ này "sẽ không bao giờ thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào". Cuộc gặp đó diễn ra ở Bắc Kinh đúng lúc ông Trump bắt đầu thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.
Đến nay, Trung Quốc vẫn tránh liên hệ giữa mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ với vấn đề Triều Tiên. Sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, Trung Quốc chỉ nói rằng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nên xem xét lại lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.
"Trung Quốc sẽ rất thận trọng trong việc sử dụng vấn đề Triều Tiên như một lá bài mặc cả trong đàm phán thương mại", chuyên gia Chucheng Feng thuộc công ty phân tích rủi ro chính trị Grisk nhận định. "Trung Quốc sẽ chỉ thử dùng vấn đề Triều Tiên như một biện pháp cuối cùng trong quan hệ Trung-Mỹ".
An Huy
VNEconomy
|