Thứ Hai, 18/06/2018 09:01

Iran: 3 thành viên OPEC phản đối đề xuất nâng sản lượng của Ả-rập Xê-út

Iran sẽ cùng với Venezuela và Iraq phản đối đề xuất nâng sản lượng – do Ả-rập Xê-út và Nga đề xuất – tại cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh ở Vienna trong tuần này.

“Ba thành viên sáng lập của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ ngăn chặn đề xuất này”, Hossein Kazempour Ardebili, Đại diện của Iran, cho biết trong ngày Chủ nhật (17/06). “Nếu Ả-rập Xê-út và Nga muốn nâng sản lượng thì họ phải được toàn thể thành viên nhất trí. Nếu hai nước muốn hành động đơn phương thì điều này sẽ vi phạm thỏa thuận hợp tác giữa các nước”.

Những nhận định của Iran cho thấy các thành viên của OPEC nhiều khả năng xung đột tại cuộc họp về chính sách cắt giảm sản lượng ở Vienna vào cuối tuần này. Thỏa thuận mang tính lịch sử giữa 24 quốc gia đã đạt được mục tiêu cân bằng thị trường dầu và hỗ trợ giá dầu thô, và hai quốc gia sản xuất dầu lớn nhất trong số này muốn nới lỏng hạn ngạch ngay trong tháng 7/2018. Tuy nhiên, trong lúc Ả-rập Xê-út và Nga đang bơm dầu dưới khả năng sản xuất, thì nhiều quốc gia thuộc OPEC, bao gồm Iran và Venezuela, gặp nhiều khó khăn trong việc nâng sản lượng ngay cả khi hạn ngạch của họ được nới lỏng.

OPEC và các đồng minh có thể xem xét nâng sản lượng thêm nhiều nhất là 1.5 triệu thùng/ngày, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết trong ngày thứ Năm (13/06). Lượng sản lượng bổ sung này sẽ đủ để bù đắp sự mất mát từ phía Venezuela và Iran, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ả-rập Xê-út đã và đang bàn luận các kịch bản khác nhau, trong đó sẽ nâng sản lượng thêm từ 500,000-1 triệu thùng/ngày, dựa theo nguồn thạo tin.

Áp lực từ Donald Trump

Liên minh sản xuất dầu này cũng đối mặt với áp lực từ bên ngoài. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích OPEC trên mạng xã hội Twitter. Lo ngại về tác động của giá xăng trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chính quyền Donald Trump đang vận động các nước gia tăng sản lượng.

“Chúng tôi đang kêu gọi những người anh em ở OPEC và Nga rằng chúng ta không cần phải làm vui lòng ông Trump, người đã áp lệnh trừng phạt lên hai quốc gia sáng lập OPEC (Iran và Venezuela) và Nga”, Kazempour Ardebili cho hay. “Chúng ta là những đất nước có chủ quyền và được thôi thúc theo những trách nhiệm và giá trị của chính chúng ta. Toàn thế giới phải đứng lên chống lại những thái độ ngạo mạn này – và sẽ là như thế”.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến sản lượng của Iran và Venezuela có khả năng mất gần 30% vào năm tới, qua đó đòi hỏi thêm nguồn cung bổ sung từ các thành viên vùng Vịnh của OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong tuần trước.

“Các yếu tố cơ bản của thị trường không hề có thay đổi nào, mặc dù Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và IEA nói rất khác nhau”, Kazempour Ardebili cho biết.

“Thị trường được cung ứng rất tốt và OPEC nên làm theo quyết định của chính họ cho tới cuối năm nay”, ông nhận định. “Tôi tự tin rằng nhiều thành viên khác của OPEC sẽ cảm nhận và hành động tương tự”.

“Chính quyền Donald Trump đang cố can thiệp vào các vấn đề của một tổ chức có chủ quyền”, Hossein Kazempour Ardebili cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày thứ Tư (13/06). Những nỗ lực như vậy đã thất bại trong quá khứ và cũng sẽ thất bại trong lần này, ông cho hay.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út cho biết, việc OPEC và các đồng minh sẽ đồng ý gia tăng sản lượng dầu mỏ từ từ là chuyện không thể tránh khỏi.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiến tới một thỏa thuận, trong đó quan trọng nhất là đáp ứng được thị trường”, Khalid Al-Falih nói với các phóng viên ở Moscow (Nga) trong ngày thứ Năm (14/06), khi được hỏi về kết quả cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh ở Vienna vào tuần tới. “Tôi nghĩ sẽ có thỏa thuận hợp lý và vừa phải nhưng không có gì là lạ thường cả”, ông cho hay.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Các quỹ đầu cơ lạc quan về giá dầu trước cuộc họp OPEC (16/06/2018)

>   Dầu Brent sụt 4%/tuần trước dự đoán việc gia tăng sản lượng (16/06/2018)

>   Dầu WTI tăng liền 4 phiên lên cao nhất trong 2 tuần (15/06/2018)

>   Ả-rập Xê-út: Việc nâng sản lượng dầu mỏ từ từ là không thể tránh khỏi (14/06/2018)

>   Trung Quốc và Ấn Độ muốn mua thêm dầu Mỹ để làm giảm sức ảnh hưởng của OPEC? (14/06/2018)

>   Dầu Brent tăng hơn 1% khi nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh (14/06/2018)

>   Ông Trump lại chỉ trích OPEC vì giá dầu quá cao (13/06/2018)

>   Dầu trái chiều sau báo cáo OPEC (13/06/2018)

>   OPEC nhấn mạnh tới sự bất ổn của nhu cầu dầu trước cuộc họp quan trọng (13/06/2018)

>   Dầu khởi sắc trước e ngại về nguồn cung (12/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật