Ông Trump lại chỉ trích OPEC vì giá dầu quá cao
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cáo buộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vì đẩy giá dầu lên quá cao, ngay cả khi các hợp đồng dầu thô tương lai gần đây đã rút khỏi mức đỉnh 3 năm rưỡi do xuất hiện thông tin chính quyền Mỹ yêu cầu Ả-rập Xê-út thực hiện ổn định giá dầu trên thị trường.
“Giá dầu quá cao, OPEC lại nhắm đến nó một lần nữa. Không tốt!”, ông Trump tweet vào buổi sáng ngày thứ Tư (13/06 – giờ địa phương).
Các hợp đồng dầu WTI tương lai dao động gần mức 66 USD/thùng trong ngày thứ Tư (13/06) và đã rớt khoảng 9.5% so với mức đỉnh nhiều năm gần 73 USD/thùng được xác lập vào ngày 22/05/2018. Giá dầu lao dốc khi xuất hiện thông tin cho thấy chính quyền ông Trump đã yêu cầu Ả-rập Xê-út, nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC, bắt đầu bơm nhiều dầu hơn khi việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt lên Iran bắt đầu tác động đến hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Ông Trump đã khôi phục lệnh trừng phạt lên Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC, trong tháng trước. Chính lệnh trừng phạt này đã đẩy giá dầu lên mức đỉnh mới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steve Mnuchin, trấn an với các phóng viên rằng Washington đang bàn luận về việc giới hạn tác động từ Iran với các nhà sản xuất khác.
Hợp đồng dầu thô tương lai bắt đầu suy giảm vào cuối tháng 5/2018, sau khi Ả-rập Xê-út và Nga cho biết họ đang cân nhắc nới lỏng giới hạn sản lượng sau quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ và sự suy giảm sản lượng của Venezuela.
Trước đó, giá dầu cũng từng giảm mạnh sau dòng tweet của ông Trump về giá dầu. Vào ngày 20/04/2018, ông Trump tweet rằng “Có vẻ như OPEC lại nhắm đến nó một lần nữa. Với mức sản lượng dầu cao kỷ lục ở khắp nơi, bao gồm những chiếc thuyền chở đầy dầu ở ngoài khơi, giá dầu đang ở mức rất cao một cách giả tạo! Không tốt và sẽ không được chấp nhận!”.
Lúc đó, giá dầu WTI đang dao động gần mức 68 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất trong 3 năm trên 69 USD/thùng trong tuần đó. Giá dầu đã vọt hơn 40% trong 12 tháng qua.
Trong năm 2017, OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài, bao gồm cả Nga, bắt đầu cắt giảm sản lượng với mục tiêu xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu. OPEC và các nhà sản xuất khác dự kiến gặp mặt vào ngày 22-23/06/2018 ở Vienna để bàn luận về chính sách sản lượng trong tương lai.
Hôm thứ Ba (12/06), Ả-rập Xê-út ghi nhận rằng, trong tháng 5/2018, sản lượng dầu tăng vọt thêm 161,000 USD/thùng lên hơn 10 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn so với mức trần mà họ đã đề ra trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi tháng 11/2016.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|