Thứ Bảy, 16/06/2018 08:56

Góc nhìn về mô hình đặc khu của Trung Quốc

Nói đến đặc khu kinh tế của Trung Quốc, rực rỡ nhất có lẽ là Shenzhen, năm 2009 GDP của Shenzhen đạt khoảng 120 tỷ đô, gấp 979 lần so với con số này của năm 1979, hiện nay Shenzhen là “sân nhà” của hơn 167 công ty thuộc top 500 công ty lớn nhất thế giới.


Ảnh minh họa

Báo cáo từ World Bank trong năm 2011 cho biết, thế giới hiện có trên 100 quốc gia đang triển khai mô hình đặc khu kinh tế (Special Economic Zones: SEZs), với khoảng vài nghìn đặc khu khác nhau đang vận hành. Các chính sách dành riêng cho đặc khu kinh tế mỗi khu vực khác nhau, nhưng đều hướng tới tạo điều kiện tự do hoá tài chính và thương mại, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên của nền kinh tế, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng cũng như sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế hiện hành. [1]

Theo xếp hạng thị trường của MSCI, khu vực Châu Á có 3 thị trường thuộc hạng cận biên (Frontier) đó là Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam [2]. Đặc khu kinh tế hình thành ở những thị trường cận biên thường có mục đích chính là để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo ra nhiều công ăn việc làm. Thị trường cận biên có tổng dân số khoảng 30% tổng dân số toàn cầu nhưng chỉ chiếm khoảng 6% GDP và khoảng 4% vốn hoá thị trường toàn cầu, do đó nhu cầu thu hút vốn và tạo ra nhiều việc làm cũng là điều dễ hiểu.

Kể từ năm 1979, Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế, trong đó việc thành lập các SEZs là một trong những chiến lược để mở cửa kinh tế. Năm 1980, Trung Quốc thành lập các đặc khu kinh tế đầu tiên ở tỉnh Guangdong (SEZs: Shenzhen, Zhuhai, và Shantou), và tại tỉnh Fujian là đặc khu kinh tế Xiamen [3].

Được áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt các đặc khu trên thu hút được nhiều vốn đầu tư, kinh tế các khu vực đặc khu tăng trưởng mạnh mẽ, đầu thế kỷ 21 dân số của Shenzhen tăng từ 30,000 dân (1979) lên hơn 1 triệu dân. Từ những thành công này, chính phủ Trung Quốc bắt đầu mạnh tay thành lập các SEZs, qua đó năm 1984 đã có 14 đặc khu mới ra đời, đến năm 2006 ngay tại Trung Quốc độ bao phủ của các SEZs được ghi nhận thông qua nghiên cứu khoa học là những vùng được được tô đỏ trong hình sau [4]:  

Có thể nói Trung Quốc bước ra thế giới thành lập những đặc khu với rất nhiều kinh nghiệm rút ra từ chính các SEZs nội địa. Ngoài những thị trường cận biên khu vực châu Á, Trung Quốc đã thành lập nhiều SEZs ở các châu lục khác. Có nhiều mô hình quản lý đã được họ áp dụng như: mô hình quản lý hành chính (Administrative management) với chức năng quản lý được thực hiện bởi cơ quan hành chính do chính phủ lập; hoặc mô hình ủy ban hành chính (Administrative committee) quản lý bởi ủy ban hành chính được chính phủ chỉ định; hoặc mô hình quản lý chung (Joint management) bởi các đối tác SEZs và các cơ quan hành chính do chính phủ lập ra. Theo báo cáo của China Development Bank thực hiện năm 2014, các SEZs đã đóng góp 22% vào GDP của Trung Quốc, 45% FDI quốc gia, đóng góp 60% vào xuất khẩu, tạo ra 30 triệu việc làm, tăng thu nhập khoảng 30% cho nông dân, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp và đô thị hóa [5].

Tại các thị trường frontier khu vực châu Á, Trung Quốc đã thành lập đặc khu tại Bangladesh và Sri Lanka.

  • Tại Bangladesh, SEZs được hình thành từ những năm 1980, trong đó nỗi bật có Chittagong được xếp hạng 11 thế giới về năng lực cạnh tranh trong năm 2011 bởi tạp chí FDI , ngoài ra còn có nhiều SEZs khác như Adamjee, Comilla, Dhaka… Trung Quốc thể hiện ý muốn đầu tư vào các SEZs tại Bangladesh rất lớn nhưng tổng thể đầu tư FDI của Trung Quốc tại Bangladesh chỉ khoảng 81 triệu đô, xếp chót bảng. Tổng thể năm 2016 được Bangladesh Bank thống kê như sau:

  • Tại Sri Lanka, tháng 7 năm 2016, Trung Quốc đề nghị mở đặc khu kinh tế rộng khoảng 60 kilomet vuông tại Hambantota là một vùng nông thôn thuộc Sri Lanka, và hứa hẹn tạo ra 1 triệu việc làm cho khu vực này [6]. Tháng 1 năm 2017, truyền thông cho biết chính quyền Sri Lanka quyết định bàn giao 6,070 hecta cho Trung Quốc trong 99 năm để thành lập đặc khu kinh tế. Hàng trăm cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra khắp Sri Lanka [7]. thông tin sau đó được Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đính chính Sri Lanka chỉ bàn giao cho Trung Quốc thuê 500 hecta trong 99 năm trong đó chỉ có 95% khu đất thuộc sở hữu nhà nước Sri Lanka, 5% còn lại thuộc sở hữu tư nhân xử lý đền bù.

Một cách khách quan, theo phân tích của FIAS (Foreign Investment Advisory Service), mọi đặc khu kinh tế đều thành lập với những mục tiêu sau:

  1. Thu hút vốn đầu tư FDI
  2. Tạo ra một lượng việc làm lớn
  3. Phục vụ cho việc cải cách kinh tế quy mô lớn
  4. Phục vụ thử nghiệm của chính sách mới

Nói đến đặc khu kinh tế của Trung Quốc, rực rỡ nhất có lẽ là Shenzhen, năm 2009, GDP của Shenzhen đạt khoảng 120 tỷ đô, gấp 979 lần so với con số này của năm 1979, hiện nay Shenzhen là “sân nhà” của hơn 167 công ty thuộc top 500 công ty lớn nhất thế giới. Và rất nhiều thành quả rực rỡ khác cũng đi kèm với những hiểm hoạ môi trường, ví dụ năm 2014 nguồn nước của Shenzhen được đánh giá ở dưới hạng 5, nghĩa là cực kỳ tệ, không thể dùng để uống.

Bản thân Trung Quốc tự tin ở kinh nghiệm vận hành các SEZs của họ, theo quan điểm của nhà nghiên cứu Trung Quốc để thành công các đặc khu của họ nên đặt ở những khu có cơ sở hạ tầng tốt, cần tổ chức và quản lý hiệu quả tập trung vào vấn đề an ninh, chính sách hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quản trị môi trường. Thêm vào đó, kinh nghiệm của Trung Quốc chỉ ra rằng vấn đề địa lý khu vực SEZs, nguồn tài nguyên, thị trường, nguồn nhân lực và nguồn vốn là những yếu tố quan trọng để SEZs thành công, từ đó SEZs Trung Quốc nên chọn những nơi vận chuyển hàng hoá để dàng, dễ tiếp cận tài nguyên… Những yêu tố khác đóng góp vào sự thành công bao gồm yếu tố địa phương có nền kinh tế thị trường phát triển, nhân lực tài năng và sáng tạo tập trung, và khả năng tiếp cận thị trường tài chính và cơ sở đầu tư có chất lượng [1].

Các đặc khu kinh tế vẫn đang tiếp tục hình thành, đặc biệt là ở các nước đang phát triển [8]. Đặc khu kinh tế đầu tư bởi Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào có nguyện vọng đầu tư đều sẽ thành bại nằm ở chính sách của nước sở tại có hiệu quả hay không.

Điều quan trọng là nhà hoạch định chính sách học hỏi từ kinh nghiệm trong quá khứ của những đặc khu kinh tế khác và đưa ra những dự báo đúng và có biện pháp quản trị đối với những tác động tích cực và tiêu cực có thể phát sinh. Quá trình thu hút vốn đầu tư và tạo việc làm mới phải đảm bảo tính bền vững và ổn định. Chính sách và các công cụ cần phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tài nguyên quốc gia, đồng thời chính sách cũng cần linh hoạt chuyển mình theo sự phát triển của mỗi đặc khu kinh tế ở mỗi giai đoạn. Trong đó, chú trọng tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả để thúc đẩy mức độ cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp, thúc đẩy hội nhập và đổi mới kinh tế địa phương, bền vững phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

ThS. Đinh Hạ Vân

FILI

Nguồn dữ liệu trích dẫn trong bài viết:

[1]. Thomas, F. and Gokhan, A. (2008) Special Economic Zones: Progress, Emerging Challenges, and Future Directions. The World Bank. Available at: papers2://publication/uuid/B3D77331-F6A3-41D0-83DD-C7C3271E9142.

[2]. MSCI (2018) Market classification. Available at: https://www.msci.com/market-classification.

[3]. Britannica, T. E. of E. (2018) Special economic zone. Available at: https://www.britannica.com/topic/special-economic-zone.

[4]. Wang, J. (2013) “The economic impact of Special Economic Zones: Evidence from Chinese municipalities,” Journal of Development Economics. Elsevier B.V., 101(1), pp. 133–147. doi: 10.1016/j.jdeveco.2012.10.009.

[5]. The World Bank (2014) “Chinese Special Economic Zones,” China Development Bank, p. 2. Available at: http://www.worldbank.org/content/dam/Worldbank/Event/Africa/Investing in Africa Forum/2015/investing-in-africa-forum-chinas-special-economic-zone.pdf.

[6]. Shepard, W. (2016) “China Requests 15,000 Acres Of Land In Sri Lanka To Create A Million Jobs,” Forbes. Available at: https://www.forbes.com/sites/wadeshepard/2016/07/27/china-just-asked-for-15000-acres-of-land-in-sri-lanka-for-a-million-worker-sez/.

[7]. Ucanews (2017) “Hundreds protest Sri Lanka-China special economic zone.” Available at: https://www.ucanews.com/news/hundreds-protest-sri-lanka-china-special-economic-zone/78055.

[8]. FIAS (Foreign Investment Advisory Service). 2008. Special Economic Zones. Performance, Lessons Learned, and Implications for Zone Development. Washington, DC: World Bank.

Các tin tức khác

>   Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát: Bài toán nan giải của Chủ tịch Fed, Jerome Powell (13/06/2018)

>   Na Uy để đơn kháng nghị lên WTO về thuế nhôm thép của Mỹ (13/06/2018)

>   Cơ hội đầu tư vào Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều? (12/06/2018)

>   Alibaba bắt đầu đưa trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp (12/06/2018)

>   Rolls-Royce cắt giảm hàng nghìn nhân sự (12/06/2018)

>   Bong bóng bất động sản ở Sydney có dấu hiệu “xì hơi” (12/06/2018)

>   Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Donald Trump bị đau tim trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều (12/06/2018)

>   Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp gỡ trực tiếp (12/06/2018)

>   Nhiều nước bất lực trước làn sóng mua nhà của Trung Quốc (11/06/2018)

>   Người Singapore nghĩ đủ cách kiếm tiền nhờ thượng đỉnh Mỹ-Triều (11/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật