Bong bóng bất động sản ở Sydney có dấu hiệu “xì hơi”
Bong bóng bất động sản ở khu vực bờ biển phía Đông Australia đang cho thấy dấu hiệu xì hơi nhanh hơn khi dữ liệu về khoản vay mua nhà ở ghi nhận chuỗi giảm dài nhất trong gần 1 thập kỷ.
Khoản cho vay mua nhà ở lùi 1.4% trong tháng 4/2018, tháng giảm thứ 5 liên tiếp và đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 9/2008 – thời điểm Lehman Brothers sụp đổ và 1 tháng trước khi Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) giảm lãi suất chuẩn bớt 1%.
Đà giảm đáng chú ý nhất diễn ra ở Sydney – nơi giá nhà ở lao dốc 4.2% trong tháng 5/2018 so với cùng kỳ năm trước, thời điểm chỉ số giá tăng trưởng ở mức 17%/năm. Doanh số tại các buổi đấu giá – một cách phổ biến để tiếp thị nhà ở khu Down Under – đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016 ở thành phố lớn nhất của Australia, trong đó chỉ 50% bất động sản được bán thành công.
Một yếu tố đang đè nặng lên thị trường Sydney là sự thắt chặt tín dụng, khi các cơ quan quản lý buộc các ngân hàng cắt giảm bớt các khoản vay thế chấp rủi ro nhất. Sự suy giảm của các khoản vay chỉ trả tiền lãi (interest-only loans) – vốn rẻ hơn trong vài năm trước đây vì người vay tiền không phải trả tiền vốn gốc – có nghĩa là giá nhà ở Sydney giờ đã vượt ra khỏi tầm với của nhiều nhà đầu tư. Những người mua Trung Quốc – vốn là yếu tố thúc đẩy nhu cầu trước đó – cũng suy giảm vì những khó khăn trong việc chuyển tiền mặt từ Trung Quốc tới Australia.
Đối với những người Australia đi vay, có ít dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trong thu nhập hộ gia đình vì tăng trưởng tiền lương đã chững lại trong 5 năm vừa qua. Tỷ lệ nợ tư nhân trên thu nhập của nền kinh tế Australia cũng ở mức kỷ lục 189%, qua đó không có quá nhiều cơ hội để gia tăng đòn bẩy.
Trong khi đó, những người sở hữu nhà có thu nhập cao thì có ít khả năng vay vượng vì việc kiểm tra mức chi tiêu thực chặt chẽ hơn (một phần của quy trình chấp thuận cho vay thế chấp).
Những nhà đầu tư giá lên (bull) chỉ tới tốc độ tăng trưởng dân số và lãi suất thấp kỷ lục của Australia – vốn giữ nguyên ở mức 1.5% trong gần 2 năm qua – là lý do để kỳ vọng sẽ xảy ra một đợt “hạ cánh mềm” (soft landing) trên thị trường bất động sản. “Hạ cạnh mềm” là thị trường rơi vào chu kỳ suy giảm nhưng không lao dốc quá mạnh. Những nhà đầu tư khác cho rằng đà suy giảm hiện tại chỉ mới bắt đầu, đồng thời lưu ý tới chuỗi lao dốc sau năm 2003 đã kéo dài tới hơn 2 năm.
Đối với RBA, đà giảm từ từ của giá nhà ở sẽ giúp gia tăng sự ổn định tài chính.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|