Chờ đợi gì từ cuộc họp của ba NHTW quyền lực nhất thế giới: Fed, ECB và BoJ
Các ngân hàng trung ương (NHTW) quyền lực nhất thế giới sắp họp mặt vào tuần tới, trong đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong quá trình kết thúc kỷ nguyên tiền siêu rẻ.
Cuộc họp của ba NHTW quyền lực (mỗi cuộc họp kéo dài 36 tiếng) có khả năng dẫn tới kết quả là: Fed nâng lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng đưa ra kế hoạch chấm dứt chương trình mua trái phiếu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì chương trình kích thích tiền tệ khổng lồ.
Ngân hàng Trung ương Mỹ
Quan điểm tương đối “diều hâu” của Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đem lại cho nhà đầu tư lý do để mua vào đồng USD, trong bối cảnh NHTW của 3 quốc gia – chiếm gần 50% nền kinh tế thế giới và 75% lượng dự trữ tiền tệ chính thức – có khác biệt trong quan điểm chính sách tiền tệ. Điều này cũng có thể làm gia tăng áp lực lên thị trường mới nổi, nơi các NHTW cảm thấy lo sợ về quá trình thắt chặt tiền tệ của Fed và kêu gọi NHTW Mỹ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
“Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục lộ trình mà rất ít NHTW có thể bắt kịp được ngay cả khi có khoảng thời gian trễ”, ông Stephen Jen, Giám đốc điều hành tại quỹ đầu cơ Eurizon SLJ Capital ở Luân Đôn, cho hay. “Lạm phát ở Mỹ có thể tiếp tục tăng cao hơn và do đó, buộc Fed phải làm những gì cần thiết”.
Mặc dù Fed đang chiếm ưu thế, nhưng khả năng thay đổi về các gói nới lỏng tiền tệ của ECB sau hơn 3 năm thực hiện phản ánh tâm lý ngày càng lạc quan rằng nền kinh tế thế giới vẫn đang trên đà tăng trưởng trong năm 2018, bất chấp quý 1 ảm đạm. Các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase ước tính các thị trường phát triển phục hồi trở lại và tăng trưởng 2.5% trong quý này, sau mức tăng 1.6% trong 3 tháng đầu năm 2018.
Niềm tin trên vẫn xuất hiện bất chấp nỗi lo về lập trường bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự trỗi dậy của Chính phủ dân túy ở Italy, giá dầu đắt đỏ nhất trong hơn 3 năm và tình trạng bất ổn ở các thị trường mới nổi, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Argentina – những yếu có có thể đe dọa tới tăng trưởng.
Fed là cơ quan lạc quan nhất khi họ chuẩn bị nâng lãi suất lần 2 trong năm 2018 vào ngày thứ Tư (13/06). Các quan chức Fed còn có thể nâng dự báo để cho thấy rằng họ vẫn cân nhắc khả năng nâng lãi suất 4 lần trong năm nay, tăng 1 đợt so với dự báo đưa ra hồi tháng 3/2018.
Khi đợt cắt giảm thuế doanh nghiệp và cá nhân trị giá 1.5 ngàn tỷ USD được triển khai ở Mỹ, các chuyên gia kinh tế tham gia vào cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng 2.8% trong năm nay, duy trì tỷ lệ thất nghiệp quanh mức đáy 20 năm dưới 4% và có khả năng để lạm phát tạm thời vượt mục tiêu 2% của Fed.
Lập luận cho việc thắt chặt chính sách một lần nữa, Fed có thể tuyên bố rằng trọng tâm của họ là quan lý nền kinh tế trong nước bất chấp những bất ổn ở nước ngoài. Các thị trường mới nổi đang gặp nguy cơ khi lãi suất tại Mỹ ngày càng cao thúc đẩy đồng USD và buộc nhà đầu tư chuyển vốn sang nơi khác.
Tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ gia nhập vào câu lạc bộ nâng lãi suất của Argentina, Indonesia và Mexico để bảo vệ nền kinh tế của họ, trong khi Brazil phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ đồng Real một lần nữa. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), Urjit Patel, và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, Perry Warjiyo both, đều kêu gọi Fed cân nhắc kỹ lưỡng về hành động của mình.
“Dựa theo quy chế, Fed có nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ”, Seth Carpenter, Trưởng Bộ phận Kinh tế Mỹ tại UBS Group AG ở New York và từng là cố vấn cho Fed, cho hay. Những gì diễn ra trên thị trường tài chính đều quan trọng vì nó ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ và ngưỡng đó vẫn chưa vượt qua được, ông nói.
Ngân hàng Trung ương châu Âu
Cùng lúc đó, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cuối cùng cũng xem xét tới việc thoát khỏi chế độ “chống khủng hoảng” – vốn được triển khai sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Chuyên gia kinh tế trưởng của ECB, Peter Praet, lên tiếng báo hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tổ chức cuộc trao đổi chính thức đầu tiên về việc chấm dứt chương trình mua trái phiếu khi họp gặp mặt vào ngày thứ Năm (14/06).
Mặc dù ECB có thể trì hoãn đưa ra quyết định cuối cùng tới tháng 7/2018, nhưng họ có lý do để hành động ngay lúc này. Tháng 5/2018, lạm phát đã tăng trưởng ở tốc độ nhanh nhất trong hơn 1 năm – chủ yếu là do đà tăng của giá năng lượng và cũng có dấu hiệu cải thiện của giá hàng hóa cơ bản – và nền kinh tế vẫn còn trong quá trình tăng trưởng.
Yếu tố có thể gây ra sự rối loạn là sự trỗi dậy của Chính phủ dân túy ở Italy với các lời hứa hẹn gia tăng chi tiêu và sự mâu thuẫn trong tư tưởng về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ECB dường như không tỏ ra lúng túng và không muốn bị xem là bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị.
Chương trình mua tài sản của ECB bắt đầu trong năm 2015 với mục tiêu hồi sinh khối kinh tế 19 nước này và dự kiến triển khai ít nhất là đến tháng 9/2018. Thị trường hiện kỳ vọng chương trình mua tài sản (hiện ở mức 30 tỷ Euro mỗi tháng) sẽ giảm về 0 vào cuối năm nay.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
Trong khi đó, thắt chặt chính sách không nằm trong chương trình nghị sự của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) – vốn đã chuyển sang dùng chương trình mua tài sản còn trước cả Fed và ECB để giải quyết các yếu tố gây giảm phát tại Nhật Bản. Thậm chí khi có khả năng kiểm soát đường cong lợi suất của Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda, trong năm 2016, BoJ vẫn mua thêm một lượng lớn trái phiếu Chính phủ Nhật Bản và bảng cân đối kế toán của họ có thể sớm vượt qua tổng giá trị sản lượng kinh tế của xứ sở hoa anh đào.
Kể từ cuộc họp lần trước của BoJ trong tháng 4/2018, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng đã cho thấy rõ là Nhật Bản vẫn còn chặng đường khá dài trước khi đạt mục tiêu lạm phát 2%. Chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI) giảm xuống 0.7% và GDP chấm dứt chuỗi tăng trưởng dài nhất trong gần 3 thập kỷ.
GDP Nhật Bản suy giảm 0.6% (xét trên cơ sở 12 tháng) trong quý 1/2018, dựa trên số liệu điều chỉnh công bố trong ngày thứ Sáu (08/06), khi chỉ số tiêu thụ tư nhân yếu hơn tỏ ra lấn át đà tăng vốn đầu tư vào Nhật Bản.
Theo dự kiến, BoJ sẽ họp mặt vào ngày thứ Năm tuần tới (14/06).
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|