Các lãnh đạo cố gắng cứu vãn sự đồng thuận của nhóm G7
Các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế công nghiệp hóa giàu nhất trên thế giới hạ thấp kỳ vọng họ sẽ nhất trí về tuyên bố chính thức tại cuối cuộc họp G7, khi xung đột thương mại nhen nhóm và đe dọa làm đảo lộn các mối quan hệ giữa các đồng minh lâu năm.
Trao đổi với các phóng viên bên lề cuộc họp G7 kéo dài 2 ngày ở La Malbaie (Quebec – Canada), Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cho biết vẫn còn chưa biết liệu cuộc đàm phán có đưa ra thông cáo chung hay không. Thay vào đó, nhà lãnh đạo của nước chủ nhà lần này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau có thể đưa ra tuyên bố ít chính thức hơn trước.
“Tôi không thể nói được là có tuyên bố chung hay chỉ là một bản tóm tắt buổi họp”, bà Merkel cho biết trong ngày thứ Sáu (08/06).
Điều này sẽ đánh dấu một sự vụn vỡ hiếm hoi trong quy trình hoạt động của G7. Các tài liệu thể hiện sự đồng thuận cho thấy tầm nhìn chung về các vấn đề trên toàn cầu, nơi 7 quốc gia cùng nhau thực hiện cam kết về mọi thứ, từ tiền tệ, hỗ trợ phát triển và an ninh quốc tế.
Về phần mình, ông Donald Trump nói với các phóng viên tại cuộc họp song phương với Thủ tướng Canada Justin Trudeau rằng ông nghĩ sẽ có tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh G7, dù không nói rõ về việc ông muốn tuyên bố chung cuối cùng hay là tách biệt.
Tổng thống Mỹ đang hứng chịu làn sóng phản ứng dữ dội từ các lãnh đạo Canada và châu Âu về quyết định áp thuế nhập khẩu thép và nhôm của chính quyền Donald Trump hồi tuần trước, cũng như quyết định rút Mỹ khỏi các thỏa thuận quốc tế về vấn đề chương trình hạt nhân Iran và biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo cố gắng tìm cách để thuyết phục ông Trump thay đổi ý định.
“Điều này chắc cũng không bất ngờ gì đối với bất cứ ai”, Colin Robertson, Phó Chủ tịch tại Viện Vấn đề Toàn cầu Canada (CGAI) và từng là nhà ngoại giao Canada, cho hay.
Ông Robertson nói thêm còn có các vấn đề khác về việc có thỏa thuận hay không và ý nghĩa chính của những cuộc họp như thế này là các nhà lãnh đạo trao đổi thành thực với nhau.
Những bất đồng mạnh mẽ về thương mại đã khiến việc tuân thủ theo truyền thống của buổi họp G7 (đưa ra tuyên bố chung từ sự nhất trí của các nhà lãnh đạo) trở nên khó khăn hơn. Trước đó, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cho biết ông sẽ từ chối ký thông cáo chính thức nếu không có tiến triển về vấn đề hàng rào thuế quan Mỹ và các vấn đề khó nhằn khác.
Bà Merkel cho rằng giải pháp có thể là ông Trump không ký vào tài liệu cuối cùng.
“Với văn hóa trao đổi cởi mở, có khả năng là chúng tôi không đồng ý về tất cả vấn đề”, bà Merkel cho biết. “Sẽ thành thực hơn để giải quyết các cách nhìn khác nhau và tiếp tục công việc vượt qua những sự khác biệt này, thay vì giả vờ cho rằng mọi thứ đều trong trật tự”.
Trao đổi với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh G7, Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Chrystia Freeland, cho biết các quan chức vẫn trong quá trình đàm phán và “chúng ta sẽ thấy kết quả thôi”. Ngoài ra, các quốc gia G7 cũng đang đàm phán về các thỏa thuận đối với các vấn đề như giới tính và ủng hộ dân chủ.
“Những gì chúng tôi muốn chứng kiến là điều chỉnh mọi vấn đề cho đúng đắn và trong quá khứ đã được thực hiện bằng nhiều cách – tuyên bố của người chủ trì buổi họp chẳng hạn”, James Slack, Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May, cho hay.
Một quan chức Chính phủ cấp cao cho biết bà May cảnh báo rằng các biện pháp đáp trả từ EU sẽ là không thể tránh khỏi, trừ khi căng thẳng thương mại được xoa dịu nhanh chóng. Bà cũng sẽ nói với các nhà lãnh đạo khác là thay vì áp đặt hàng rào thuế quan lẫn nhau, thì nên gia tăng áp lực lên Trung Quốc để làm giảm bớt tình trạng dư thừa công suất thép ở nước này, vị quan chức này nói thêm.
Diễn đàn về thuế quan
Lo ngại về phương pháp tiếp cận tới thuế quan của ông Trump, trong ngày thứ Sáu (08/06) bà Merkel đề xuất tạo ra một cơ chế đánh giá chung về thương mại Mỹ, một diễn đàn nhằm xoa dịu căng thẳng giữa chính quyền Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đây là một ý tưởng có sự ủng hộ từ phía Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – Jean-Claude Juncker, một quan chức Pháp cho hay.
6 quốc gia khác đang kêu gọi nhóm G7 xác nhận về nguyên tắc thương mại chung trong thông cáo, quan chức Pháp này cho biết. Đi cùng với ông Trump là quan chức thương mại mang quan điểm “diều hâu”, Đại diện Thương mại Mỹ – Robert Lighthizer.
Căng thẳng thương mại là một vấn đề phức tạp đối với EU – mỗi quốc gia lại nhắm tới những lĩnh vực khác nhau và có thể chịu những tác động khác nhau khi căng thẳng ngày càng leo thang. Chẳng hạn, ông Trump cân nhắc áp thuế lên lượng xe hơi nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia – một động thái sẽ gây tổn thương cho nhiều nhà sản xuất xe hơi lớn ở nước ngoài, như Đức.
Bà Merkel liên lục kêu gọi củng cố nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thiết lập các cơ chế nhắm tới việc ngăn chặn xung đột thương mại trong tương lai. Vẫn chưa rõ là đề xuất của bà Merkel về diễn đàn thương mại tại G7 khác như thế nào với chức năng giải quyết bất đồng của WTO.
“Chúng ta lại cần một thỏa thuận thương mại đa phương”, bà Merkel phát biểu tại một hội nghị kinh doanh tháng trước. “Như chúng ta đều thấy tại thời điểm này, một điều gì đó đã trở nên bất ổn và tình hình khá khó khăn. Do đó, việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý và cơ chế chung đáng tin cậy để giải quyết bất đồng thương mại (đều được mọi bên đồng ý) là rất quan trọng”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|