Các triệu phú sở hữu 50% tài sản cá nhân trên toàn cầu
Giới giàu có lại trở nên giàu có hơn với tốc độ nhanh hơn
Tài sản cá nhân trên toàn cầu đạt mức 201.9 ngàn tỷ USD trong năm 2017, cao hơn 12% so với năm 2016 và mức tăng hàng năm mạnh nhất trong 5 năm vừa qua, Boston Consulting Group cho biết trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm (14/06).
Sự bùng nổ của thị trường cổ phiếu đang “thồi phồng” tài sản của các cá nhân và nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ còn được thêm “phần thưởng” từ tỷ giá hối đoái khi phần lớn đồng tiền chủ chốt đều tăng giá so với đồng bạc xanh.
Số lượng triệu phú và tỷ phú ngày càng gia tăng và hiện chiếm giữ gần 50% lượng tài sản cá nhân trên toàn cầu, cao hơn một chút so với mức 45% trong năm 2012, dựa trên báo cáo từ Boston Consulting. Ở Bắc Mỹ - vốn có tổng tài sản là 86.1 ngàn tỷ USD, những người có tài sản hơn 5 triệu USD đang sở hữu 42% lượng vốn có thể đầu tư. Các tài sản có thể đầu tư bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, tiền mặt và trái phiếu.
“Sự thật là tỷ lệ tài sản do các triệu phú nắm giữ ngày càng tăng không có nghĩa là người nghèo trở nên nghèo hơn”, Anna Zakrzewski, tác giả chính của báo cáo này, cho biết trong một tuyên bố gửi qua email. “Điều này có nghĩa là mọi người đều trở nên giàu có hơn. Đặc biệt, chúng tôi tin là giới giàu có đang trở nên giàu có hơn với tốc độ nhanh hơn”.
Quốc gia thắng lớn trong năm 2017 là Trung Quốc – hiện xếp hạng thứ hai trên toàn cầu về phương diện tài sản tài chính sau khi vượt qua Nhật Bản trong 5 năm qua, Zakrzewski cho hay. Mặc dù Trung Quốc chỉ xếp sau Mỹ về số lượng triệu phú và tỷ phú, nhưng yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh nhất ở Trung Quốc là phân khúc giàu có – được định nghĩa là những người có từ 250,000 USD cho tới 1 triệu USD tài sản có thể đầu tư.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế tương tự như trong quá khứ và điều này sẽ có nghĩa là trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tạo ra thêm nhiều tài sản hơn Mỹ”, bà cho hay, đồng thời nói thêm số lượng triệu phú ở Trung Quốc được dự báo tăng nhanh gấp 4 lần so với Mỹ.
Nếu không có cú hích từ đà suy yếu của đồng USD, tài sản toàn cầu có lẽ chỉ tăng trưởng 7%. Khu vực hưởng lợi nhiều nhất từ đà tăng giá của đồng nội tệ là Tây Âu.
Đông Âu và Trung Á là những khu vực có mức độ tập trung tài sản cao nhất, trong đó các tỷ phú chiếm gần 25% tài sản có thể đầu tư được. 28 tỷ phú ở Đông Âu góp mặt trong chỉ số Bloomberg Billionaires Index có tổng tài sản ròng là 294 tỷ USD – bao gồm cả đà tăng 3.4 tỷ USD tính tới thời điểm này trong năm 2018.
Ngoài ra, sự giàu có ở Hồng Kông cũng có dấu hiệu co cụm vào tay của những triệu phú, những cá nhân có tài sản hơn 20 triệu USD nắm giữ 47% tài sản có thể đầu tư được.
Lượng tiền trong các quỹ đầu tư và các cổ phiếu giao dịch công khai tăng mạnh nhất, trong khi trái phiếu là loại tài sản duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm ngoái, giảm 7%.
Sự phân bổ tài sản
Số lượng người có tài sản hơn 100 triệu USD ở Mỹ cao nhất trên thế giới. Tính trên toàn cầu, số lượng người trong giới siêu giàu được dự báo chạm mức 671,000 người vào năm 2022.
Trung Đông là khu vực có tỷ trọng tài sản được nắm giữ dưới dạng tài sản đầu tư cao nhất – 3.1 ngàn tỷ USD trong tổng số 3.8 ngàn tỷ USD. Tây Âu nắm giữ 56% dưới dạng tiền tệ và tiền gửi, còn Bắc Mỹ thể hiện điểm nhấn ở cổ phiếu và các quỹ đầu tư, trong đó 62% lượng tài sản có thể đầu tư ở dạng cổ phiếu và quỹ đầu tư.
Nếu việc tạo tài sản cá nhân cứ tiếp tục ở tốc độ của vài năm trước thì Boston Consulting dự phóng tăng trưởng tích lũy hàng năm sẽ là 7% từ năm 2017 cho tới năm 2022 (xét về phương diện đồng USD). Các sự kiện như điều chỉnh trên thị trường chứng khoán và bất ổn địa chính trị có thể làm giảm con số này xuống 4%.
Trong trường hợp tệ nhất, như xuất hiện một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tài sản toàn cầu có thể sản xuất với mức tăng trưởng chỉ 1% trong 5 năm tới, nghiên cứu của Boston Consulting cho thấy.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|