Bốc hơi 1.8 ngàn tỷ USD, TTCK Trung Quốc chính thức hóa gấu
Chứng khoán Trung Quốc suy giảm trong ngày thứ Ba (26/06), trong đó chỉ số chuẩn của nước này bước vào thị trường con gấu khi nhà đầu tư lo ngại về tình trạng xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chỉ số Shanghai Composite giảm 14.68 điểm (tương ứng 0.51%) xuống 2,844.66 điểm, qua đó chính thức bước vào thị trường con gấu vì đã lao dốc 20% so với mức đỉnh xác lập trong tháng 1/2018. Nhóm hàng không tiếp tục bị bán tháo khi đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ làm gia tăng chi phí trả nợ bằng đồng USD, và nhóm cổ phiếu bất động sản cũng lao dốc.
Nhà đầu tư phần lớn ngó lơ các biện pháp hỗ trợ tâm lý thị trường của Chính phủ Trung Quốc. Tuần trước, Trung Quốc đã thực hiện quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giám sát chặt chẽ việc bán cổ phiếu thế chấp trong lúc căng thẳng thương mại góp phần làm gia tăng thêm lo ngại của nhà đầu tư về chiến dịch giảm bớt đòn bẩy và dữ liệu kinh tế yếu hơn dự báo. Tính từ mức đỉnh tháng 1/2018, làn sóng bán tháo cổ phiếu gần đây đã thổi bay 1.8 ngàn tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc.
“Tâm lý bi quan tiếp tục gia tăng khi nhiều công ty đứng trước ngưỡng bị ‘call margin’ và vỡ nợ trái phiếu”, Sun Jianbo, Chủ tịch của China Vision Capital ở Bắc Kinh, cho hay. “Chỉ số Shanghai Composite sẽ giảm ít nhất 10% kể từ mức hiện tại”.
Đồng Nhân dân tệ suy giảm 0.3% xuống đáy 6 tháng, trong khi tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài trượt dốc 9 phiên liền, chuỗi dài nhất trong hơn 4 năm. Giá trái phiếu gia tăng, trong đó lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3.59%.
“Tôi không nhìn thấy đáy”, Qian Qimin, Chiến lược gia tại Shenwan Hongyuan Group Co. ở Thượng Hải, nhận định. “Đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ đang gây tổn thương tới các công ty có lượng nợ bằng đồng USD cao”.
Hồng Kông cũng đang chịu tình cảnh tương tự, 26 cổ phiếu thuộc chỉ số Hang Seng China Enterprises Index rơi xuống mức đáy 1 năm mới trong ngày thứ Hai (25/06).
Chỉ số Shanghai Composite hiện đã giảm 14% trong năm 2018, thành quả tồi tệ nhất trong số các chỉ số chuẩn. Do đó, mức định giá cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm. Căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng vào thời điểm Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch giảm bớt đòn bẩy trên thị trường tài chính – một yếu tố làm thu hẹp thanh khoản và đe dọa tới tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 5/2018, thước đo tín dụng mới của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm.
“Các yếu tố cơ bản ở Trung Quốc hiện rất xấu”, ông Hao Hong, Trưởng Bộ phận Chiến lược tại Bocom International Holdings, cho hay. “Thị trường chứng khoán đã bắt đầu điều chỉnh trước khi xung đột thương mại dâng cao”.
Trong ngày thứ Hai (25/06), Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Trên danh nghĩa của @realDonaldTrump (tài khoản twitter của Donald Trump), các câu chuyện về giới hạn đầu tư trên Bloomberg và WSJ đều là thông tin sai và giả mạo. Người tiết lộ thông tin không hề tồn tại hoặc không biết rõ về vấn đề này. Tuyên bố sẽ được đưa ra không nhắm cụ thể tới Trung Quốc, mà tới tất cả quốc gia cố gắng đánh cắp công nghệ của chúng tôi”.
Tuy nhiên, sau đó Peter Navarro, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, lại nói rằng chính quyền Mỹ không hề có kế hoạch áp giới hạn lên các khoản đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán Mỹ xóa bớt đà sụt giảm sau nhận định của ông Navarro.
Nhà đầu tư cho biết những nhận định của ông Navarro đã phần nào làm dịu tâm lý lo ngại của họ nhưng vẫn bày tỏ sự không chắc chắn về vấn đề thương mại.
Căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và các đối tác thương mại đã khiến nhà đầu tư nhiều phen hoảng hồn. Thị trường lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|