Startup Trung Quốc triển khai giao đồ ăn bằng máy bay không người lái
Việc đưa vào sử dụng máy bay không người lái sẽ giúp nhân viên giao hàng của Ele.me tăng gấp 5 lần thu nhập...
Máy bay không người lái của Ele.em.
|
Ele.me - một trong những ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc, vừa được cấp phép vận hành các lộ trình giao hàng bằng máy bay không người lái đầu tiên tại nước này, tờ South China Morning Post cho biết.
Ele.me cho biết 17 lộ trình mà công ty mới được cấp phép tại khu công nghiệp Jinshan Thượng Hải cho phép khách hàng ở đây nhận được các món ăn đã đặt chỉ trong vòng 20 phút sau khi xác nhận đơn hàng qua ứng dụng di động.
Ele.me cho rằng việc giao đồ ăn tại khu công nghiệp Jinshan Thượng Hải - có diện tích khoảng 58m2, sẽ mang lại lợi ích lớn cho hơn 100 nhà hàng đang kinh doanh ở đây.
Máy bay không người lái của Ele.me được phép vận chuyển đồ ăn qua lại 2 điểm cố định thuộc các lộ trình trên. Nhân viên giao vận tại điểm bắt đầu có nhiệm vụ tập hợp các đơn hàng và đặt vào bên trong các máy bay không người lái. Còn nhân viên tại điểm nhận có nhiệm vụ lấy hàng và giao tới địa chỉ của khách. Khách hàng không phải trả thêm phí cho các đơn vận chuyển bằng máy bay không người lái.
Nhân viên giao hàng của Ele.me tại điểm đầu - nơi các đơn hàng đồ ăn được tập hợp để đưa vào máy bay không người lái.
|
Ele.me cho biết việc dùng máy bay không người lái sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vận hành của công ty, so với giao hàng theo hình thức thông thường trên đường bộ và mỗi nhân viên chỉ phải chạy khoảng 15% của lộ trình. Công ty này ước tính việc sử dụng máy bay không người lái sẽ giúp tăng gấp 5 lần thu nhập cho nhân viên giao hàng.
Việc khai trương lộ trình giao hàng bằng máy bay không người lái của Ele.me - thuộc sở hữu của Alibaba Group Holding, làm nóng thêm cuộc chiến cạnh tranh của startup này với Meituan Waimai - ứng dụng giao đồ ăn thuộc Meituan Dianping (công ty được Tencent đầu tư).
Trong khi Ele.me và Meituan Waimai đang thống trị thị trường giao đồ ăn tại Trung Quốc, đầu tháng 3, startup gọi xe khổng lồ Didi Chuxing cũng tuyên bố sẽ gia nhập thị trường này khi quảng cáo dịch vụ tới hành khách đi xe tại một số thành phố tại đại lục.
Với đủ loại dịch vụ có mặt trong đời sống của người dùng, Alibaba, Tencent và Didi đã thu thập được lượng lớn dữ liệu về khách hàng. Nền tảng giao đồ ăn sẽ giúp các "ông lớn" này có thêm thông tin chi tiết về sức chi tiêu, thói quen ăn uống và hồ sơ thanh toán của khách hàng.
Tháng 9 năm ngoái, Ele.me đã công bố dàn máy bay không người lái E7 để tiến hành vận hành thử nghiệm ở Thượng Hải. Các máy bay này có thể mang tới 6kg thực phẩm và bay khoảng 20 km với tốc độ tối đa 65 km/h.
Một tháng sau đó, công ty này công bố robot giao hàng để giải quyết khâu cuối khi giao hàng tới các tòa nhà văn phòng.
"Chúng tôi muốn giới thiệu robot giao đồ ăn thế hệ thứ 2, hoạt động tại hơn 500 tòa nhà văn phòng ở các thành phố lớn tại Thượng Hải trong năm nay", Giám đốc Điều hành của Ele.me - Kang Jia cho biết trong thông cáo ngày 29/5.
Trong khi đó, 2 năm qua, Meituan Waimai cũng đang phát triển hình thức giao hàng bằng robot, CEO của Meituan Dianping - Wang Xing cho biết tại một diễn dàn hồi tháng 3.
Wang cho biết công ty này sẽ bắt đầu triển khai giao hàng bằng máy bay không người lái và ôtô tự lái vào năm tới.
PHƯƠNG LINH
VNECONOMY
|