'Vua bánh mì' Sài Gòn Kao Siêu Lực và cuộc ly hôn cao thượng
Những mâu thuẫn cá nhân trong nội bộ gia đình, sự bất đồng trong quyền sở hữu luôn là một thách thức lớn.
Trong các mô hình doanh nghiệp gia đình, rủi ro lớn nhất có lẽ là mối quan hệ vợ chồng. Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều cặp vợ chông đồng hành khởi nghiệp, có nhiều cặp gắn bó với nhau trên chặng đường phát triển doanh nghiệp nhưng có những cặp bất đồng dẵn đến ly hôn.
Thời gian gần đây, vụ ly hôn và tố nhau, kiện nhau ra tòa của vợ chồng đại gia cà phê Trung Nguyên đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông. Đằng sau những tổn thất nhiều ngàn tỷ đồng là sự tổn thương uy tín thương hiệu mà họ đã dày công tạo dựng suốt bao nhiêu năm trời.
Nhìn lại những vụ ly hôn của giới doanh nhân, người ta không thể không nhắc đến cuộc chia tay cao thượng của “vua bánh mì” Kao Siêu Lực, nay là Tổng giám đốc Doanh nghiệp tư nhân bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery). Cuộc ly hôn kéo dài 2 năm, với những tổn thất to lớn mà ông gánh hết và chấp nhận cùng các con gầy dựng lại từ số không!
Khởi nghiệp lần thứ hai với ABC từ tay trắng
Vẫn biết là mọi cuộc chia tay, việc phân chia tài sản bao giờ cũng là thách thức lớn, nhất là khi số tài sản ấy quá lớn. Nhưng cho đến nay, giới kinh doanh vẫn thán phục cách cư xử nhân hậu, cao thượng của ông Kao Siêu Lực trong cuộc ly hôn “không tiền khoáng hậu”.
Góc làm việc của ông Kao Siêu Lực
|
Đang trên đỉnh cao sự nghiệp bỗng dưng trắng tay, mất luôn thương hiệu Đức Phát vì ông chấp nhận để lại cho vợ, người đã gắn bó với ông suốt 20 năm trời.
Phải gầy dựng lại từ đầu với cái tên ABC hoàn toàn mới, cùng trách nhiệm nuôi ba đứa con đang học ở nước ngoài, ông đã vượt lên từ điểm rơi thấp nhất để làm vẻ vang cho ngành bánh Việt Nam, ghi dấu trên bản đồ thế giới.
Nhớ lại giai đoạn buồn đau nhất của đời mình, ông không khỏi ngậm ngùi: “Năm 2005, lúc đó hai vợ chồng tôi phát triển rất tốt thương hiệu Đức Phát, tôi lo sản xuất, vợ lo quản lý sổ sách, văn võ song toàn.
Nhưng gia đình tôi lại phát sinh không may mắn, ngoài ý muốn, tôi chia tay vợ, đề xuất ly dị, cuối cùng tòa án đồng ý. Tôi lại trở thành hai bàn tay trắng một lần nữa, mất thêm thương hiệu, mình rơi nước mắt chia tay đứa con tinh thần. Ba đứa con theo mình đang học nước ngoài. Tôi lấy tên con để xây dựng thành ABC Bakery, làm lại từ đầu thương hiệu mới”.
Khởi nghiệp lần thứ hai với số vốn chỉ 400 USD, 10 cửa hàng với một cái xưởng ở vị trí không thuận lợi, ông khó khăn vô cùng. Dòm các con theo mình, phải làm sao có tiền cho con tiếp tục ăn học? Dòm xung quanh, những người công nhân lâu năm theo mình, sẵn sàng chia sẻ không cần lương, mình không thể nói lời chia tay với họ, đó cũng là áp lực lớn nữa.
Thị trường thức ăn nhanh thì bị nhầm lẫn, không biết ai là Đức Phát, ai là ACB, chỉ biết Kao Siêu Lực. Ông có thương hiệu riêng, trở thành một người có uy tín trên thị trường, áp lực chung buộc ông phải đứng lên, biến áp lực trở thành động lực.
Không những thế, ông còn “chơi đẹp” khi vẫn cung cấp bánh cho hệ thống cửa hàng của vợ cũ, đợi cho đến khi bà xây dựng xưởng mới, ổn định nhân sự xong mới ngừng cung cấp bánh.
Bên cạnh những nhân viên trung thành, ông còn nhận được sự tương thân tương ái của cộng đồng người Hoa trong làm ăn với nhau, nhất là sự chia sẻ của ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Kinh Đô, dù hai người cùng làm trong nghề bánh.
Ông tâm sự: “Lúc đó tôi có ăn sáng với anh Thành, kể lại chuyện gia đình, anh Thành tôi coi như anh hai. Dù hai người cùng là làm ngành bánh, nhưng đồng hành chung để xây dựng thị trường bánh. Anh Thành kinh nghiệm hơn tôi, câu đầu tiên anh nói phải dành lại thương hiệu, nhưng tôi đấu tranh không lại, nên rất đau lòng. Một lần nữa đứng lên, ý chí của tôi rất mạnh. Tôi nghĩ thương hiệu Đức Phát cũng một tay tôi dựng lên, tại sao mình không tạo dựng được ABC, hai anh em đã chia sẻ lối đi thế nào cho ABC, tôi đã học hỏi anh Thành nhiều cái hay”.
Khó nhất với ông lúc này là xoay xở dòng vốn: “Xoay xở tiền bột mì không kịp vì khách hàng mua nguyên liệu đâu có trả tiền ngay, bánh trái giao đi đâu lấy được tiền liền, 2 năm đầu rất khó khăn, bí luôn. Nhưng nhờ nhà máy bột mì cũng gia hạn cho tôi, mình phải thế chấp nhà cửa để xoay xở, nhanh chóng kiếm lại tiền để khắc phục hậu quả.
Nhưng tôi không dừng bước, vẫn phát triển thêm xưởng mới, nhập thêm máy móc thiết bị, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, vì thấy được tương lai. Bây giờ xưởng ABC tự động hóa nhiều. Khách hàng nước ngoài qua đánh giá cao về sự sắp xếp, tôi đã trở thành chuyên gia của ngành bánh rồi”, ông cho biết
Không ngừng cải cách, khi các thương hiệu nước ngoài nhảy vô ào ạt chiếm lĩnh thị trường nội địa, thay vì đối đầu, ông lại biến họ thành đối tác và trở thành nhà cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng như chuỗi thức ăn nhanh quốc tế McDonalds, Carls Jr., Burger King, Dunkin Donuts; các chuỗi cà phê như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf và cả những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng như Aeon, FamilyMart, Circle K; gia công cho các khách sạn 5 sao.
Nhờ cải cách hàng ngày, theo kịp khẩu vị khách hàng, coi trọng an toàn thực phẩm, nghiêm ngặt trong quản lý, đồng thời chuẩn bị trước cho tương lai, ông đã mang lại cho ABC một sức sống mới đa dạng và hiện đại hơn, làm chủ cuộc chơi trong một thị trường đầy biến động. Hiện 98% thị phần thức ăn nhanh tại Việt Nam là khách hàng của ABC, đó cũng là động lực để ông say mê nghề bánh nhiều hơn.
Trời đã phú cho ông đôi bàn tay cảm nhận được từng hơi thở của bột mì, một khối óc luôn sáng tạo đổi mới và một trái tim hết lòng với người tiêu dùng, để tạo ra một thế giới bánh đầy quyến rũ. Hai lần tay trắng tạo dựng cơ đồ, từ phu kéo xe, bán gạo, bột mì con đường trở thành “vua bánh” Sài Gòn của ông là một khát vọng không ngừng nghỉ để hoàn thiện giá trị của nghề bánh và giá trị của bản thân
Bí quyết chuyển giao thế hệ thành công: Hoàn thiện mọi quy trình
ABC là mẫu tự mang tính quốc tế hóa, được dịch thành Asia Bakery Confectionery. Nhưng đây cũng là một sự ngẫu nhiên trời định, bởi ba chữ ABC cũng là tên tiếng Anh viết tắt của ba con ông: Angiela (con gái thứ Kao Huy Minh), Bruch (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái đầu Kao Huy Phương).
Ông Kao Siêu Lực cùng các con
|
Trong các quản trị công ty, ông luôn chú ý truyền cho các con động lực để tiếp nối sự nghiệp của cha mình, và cho con đi học ngành nào phù hợp nhất với tính cách. Các con ông giờ đã đảm nhận những vị trí quan trọng của công ty.
Hạnh phúc lớn nhất với ông là thấy các con trưởng thành. “Mỗi lần nhận giải thưởng quốc tế tôi đều đưa các con đi chung để chia sẻ nhiềm vui gia đình. Các con luôn cảm thấy tự hào về cha mình. Ba đứa con tính cách khác nhau: Christine học chuyên gia thực phẩm, từng đoạt huy chương vàng, rất nổi tiếng ở Singapore. Cháu là người bản lĩnh, giỏi đối ngoại, khách hàng nào gặp rồi bỏ đi cũng khó. Angiela lại giỏi đối nội, mạnh dạn cải cách, tôi không tham gia vô, cho con độc lập để triển khai ý tưởng của mình. Bruch cũng đang nối gót các chị để tiếp tục theo nghiệp của ba”, ông Lực mỉm cười đầy mãn nguyện.
Từng phải trả giá vô cùng đắt cho lần khởi nghiệp đầu tiên nên ông rất coi trọng việc chuyển giao thế hệ cho các con, bởi đó là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy sức mạnh thương hiệu.
Để cuộc chuyển giao thế hệ của ABC êm đẹp, thành công, ông Lực cho biết: “Tôi sống trước hết vì các con rồi mới đến thiên hạ. Để các con tiếp tay nghề của mình, nếu không chuẩn bị đàng hoàng họ sẽ chịu không nổi, sẽ buông thôi, làm sao cho con không bị áp lực là cả thách thức lớn. Lớp trẻ có ăn học theo kiểu nước ngoài, tôi rất tán thành. Họ quản lý nhẹ nhàng hơn mình. Trước đây mình làm theo kiểu gia đình, cái gì cũng dễ dãi, giờ tiếp quản hơi khó. Mình lớn rồi, các cháu mới vô, có đầu óc suy nghĩ theo lối mới cũng có nhiều cải cách, đổi mới. Tuy nhiên phải cần quá trình để nội bộ công ty đều đồng lòng, đó là quan trọng nhất, mình phải bỏ công sức để dàn xếp rất nhiều”.
Trong cách giáo dục con, ông thường xuyên kể lại 4 kinh nghiệm kinh doanh cho con nghe: “Thứ nhất làm gì cũng lấy lương tâm làm đầu, dứt khoát không cho hóa chất vào bánh. Thứ hai làm việc phải biết người biết ta, đừng coi lao động là công nhân, nên coi là anh em đồng lòng hơn, dễ nói chuyện hơn, để tạo đoàn kết nội bộ. Thứ ba trong làm ăn phải đối mặt với hiện thực, thận trọng, đối với khách hàng phải khiêm tốn, giữ uy tín chung. Thứ tư cố gắng thu xếp phần sản xuất, hạn chế tiêu hao, chi phí thấp nhất”.
Quanh năm suốt tháng phải xem xét từng con số để tìm ra chi phí hợp lý, ông thường xuyên chia xẻ các con làm sao để tạo ra giá cả hợp lý. “Làm ra cái bánh lời bao nhiêu phải thẳng thắn công khai cho khách hàng biết. Trước khi bàn giao cho các con, tôi phải hoàn thiện mọi quy trình để ai dòm vô cũng biết. Trồng cái cây lớn khỏe, các con cứ theo đó chăm sóc để hái quả thành lẽ tự nhiên rồi”, ông Lực chia sẻ.
ABC Bakery là một câu chuyện hiếm hoi liên quan đến mô hình quản trị gia đình nhưng không phải cuộc ly hôn nào cũng nhẹ nhàng như vậy. Những mâu thuẫn cá nhân trong nội bộ gia đình, sự bất đồng trong quyền sở hữu luôn là một thách thức lớn nếu hơn 50% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn giữ nguyên mô hình quản trị gia đình.
Những vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn cho thấy mặt trái của mô hình gia đình. Để giảm thiểu rủi ro, nhất là khi có tranh chấp xảy ra, các công ty gia đình cần thực hiện chuyển đổi mô hình sang quản trị khoa học, xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa các thành viên.
Ngoài ra, họ cần thừa nhận vai trò của một HĐQT độc lập, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của chủ sở hữu giữa người vợ và người chồng, con cái với HĐQT và bộ máy điều hành. Có như vậy thì khi mâu thuẫn xảy ra, bộ máy điều hành vẫn chạy và thương hiệu không bị tổn thương.
KIM YẾN
THE LEADER
|