Thứ Ba, 22/05/2018 14:53

Sở Giao dịch Chứng khoán lớn nhất Ấn Độ khởi kiện sàn SGX của Singapore

Sở Giao dịch Chứng khoán Ấn Độ (NSE) đã khởi kiện Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) tại một tòa án ở Mumbai (Ấn Độ), qua đó làm gia tăng xung đột và có khả năng khiến nhà đầu tư quốc tế không thể giao dịch một trong những hợp đồng tương lai được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. 

NSE đang cố gắng ngăn chặn SGX phát hành các sản phẩm phái sinh có khả năng thay thế các hợp đồng Nifty 50 – vốn đã giao dịch ở Ấn Độ trong vòng 18 năm qua. Các quỹ toàn cầu sử dụng các công cụ này để phòng ngừa vị thế của họ ở Ấn Độ – một trong những thị trường cổ phiếu lớn nhất của châu Á. Trong tháng 2/2018, các sàn giao dịch Ấn Độ đã chấm dứt tất cả thỏa thuận cấp phép với các sàn nước ngoài và ngừng cung cấp giá trực tuyến cho các sàn nước ngoài. Động thái này khiến SGX không thể duy trì các hợp đồng phái sinh của mình dựa trên chỉ số chuẩn Ấn Độ, Nifty 50 Index.

"Đây quả là một mớ hỗn độn”, ông David Shin, Trưởng Bộ phận Kinh doanh sản phẩm phái sinh cổ phiếu toàn cầu ở khu vực châu Á của TD Securities, cho hay. “Tôi không nhận thấy cách SGX có thể thông qua đợt phát hành hợp đồng phái sinh trong lúc tình hình như thế này. Có nhiều vấn đề mơ hồ ở đây, vì nếu nhà đầu tư giao dịch các hợp đồng mới biết được trường hợp kiện tụng đang diễn ra, liệu có trách nhiệm pháp lý nào có thể tác động tới các nhà đầu tư sử dụng các hợp đồng mới này hay không?”.

SGX đã thông báo về động thái kiện tụng của NSE trong một tuyên bố ngày thứ Ba (22/05), cho biết họ hoàn toàn tự tin vào quan điểm pháp lý của họ và sẽ nỗ lực bảo vệ vị thế của sàn này.

Cổ phiếu của SGX giảm mạnh sau thông tin về vụ kiện tụng, lao dốc mạnh nhất kể từ ngày 04/04/2018. Tòa án Mumbai được cho là sẽ lắng nghe về trường hợp trên vào ngày mai (23/04), dựa theo nguồn thạo tin.

Tác động tới nhà đầu tư

"Nhà đầu tư đã có vị thế ở SGX sẽ bị tác động nếu tòa án Mumbai ngăn chặn việc phát hành hợp đồng phái sinh mới”, Devansh Lakhani, Giám đốc tại Lakhani Financial Services ở Mumbai, cho hay. “Nhà đầu tư đã có vị thế có thể phải cắt lỗ nếu không có khả năng chuyển vị thế sang hợp đồng mới”.

Phát ngôn viên của NSE, Debojyoti Chatterjee, từ chối bình luận. Động thái của sàn NSE đang làm gia tăng sự căng thẳng giữa các sàn giao dịch ở Ấn Độ và Singapore.

Trung Quốc và Malaysia là hai trong số những nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực đã thực hiện các bước đi để kiểm soát dòng vốn, ngay cả khi họ thúc đẩy hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Trong trường hợp của Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đang đẩy mạnh một khu vực giao dịch phi thuế quan, được biết tới là Gift City, như là một giải pháp thay thế cho các trung tâm giao dịch nước ngoài.

“Mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn doanh thu của Ấn Độ bị tác động bởi các sàn nước ngoài”, ông Gopalan Sridhar, nhà quản lý quỹ tại Aquarius Investment Advisors, cho hay. Cùng lúc đó, “NSE đang cố gắng tăng cường sự tiếp cận tới các nhà đầu tư quốc tế bằng cách gia tăng giờ giao dịch và cho phép các khách hàng Mỹ giao dịch”.

Tuần trước, các cơ quan quản lý tại Mỹ đã cho phép các thành viên của NSE chấp nhận các quỹ của Mỹ giao dịch hợp đồng tương lai và quyền chọn ở sàn NSE tại Mumbai.

Tuyên bố gây chấn động

Trong một tuyên bố đầy bất ngờ trong tháng 2/2018, các sàn giao dịch quốc gia của Ấn Độ cho biết họ sẽ chấm dứt tất cả hợp đồng cấp phép với các sàn nước ngoài, đồng thời ngừng cung cấp giá trực tuyến. Trước thông tin trên, cộng đồng quốc tế tỏ ra sợ hãi và nhà cung cấp chỉ số MSCI cũng lên tiếng chỉ trích, gọi động thái này là chống lại luật cạnh tranh.

Singapore đã trở thành trung tâm giao dịch nước ngoài đối với nhiều thị trường, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia. Đáp trả lại động thái của Ấn Độ trong tháng 2/2018, nhiều chuyên gia phân tích đã hạ bớt đánh giá xếp loại về cổ phiếu của SGX. Cổ phiếu của sàn này có lúc giảm 2.4% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/05).

Có khoảng 1.65 triệu hợp đồng tương lai chỉ số Nifty 50 Index được giao dịch trên SGX trong tháng 4/2018. Mặc dù đã giảm 14% so với tháng trước, nhưng đây vẫn là hợp đồng được giao dịch nhiều thứ 3 trên sàn SGX, chỉ sau hợp đồng FTSE China A50 và MSCI Taiwan.

Tháng trước, SGX cho biết họ sẽ tung ra hợp đồng phái sinh dựa trên chỉ số Ấn Độ của riêng họ vào tháng 6/2018, ngay cả khi họ tiếp tục xem xét tới việc liên doanh với NSE ở Gift City. Trong tuyên bố ngày thứ Ba (22/05), SGX cho hay điều quan trọng là duy trì thanh khoản ở thị trường nước ngoài để kết nối các nhà đầu tư quốc tế đến với Gift City.

“Trường hợp trên có thể gây tác động tiêu cực trong nhiều năm, nhưng cũng là quyết định tác động nhiều nhất trong ngắn hạn”, Sandeep Parekh, nhà sáng lập của Finsec Law Advisors, cho biết qua điện thoại. “SGX sẽ gặp rắc rối nếu tòa án ngăn chặn đợt phát hành; nếu họ không ngăn chặn thì NSE sẽ bị ràng buộc – có khả năng cao là NSE sẽ chấm dứt toàn bộ quan hệ đối tác với SGX, bao gồm cả đề xuất liên doanh ở Gift City”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   IPO "bom tấn" Xiaomi và chuyện về nhóm triệu phú Lucky 56 (22/05/2018)

>   Dow Jones vọt gần 300 điểm và vượt ngưỡng 25,000 điểm lần đầu tiên kể từ giữa tháng 3 (22/05/2018)

>   Nhảy vọt gần 350 điểm, Dow Jones vượt ngưỡng 25,000 điểm (21/05/2018)

>   Vì sao Warren Buffett không tin các nhà kinh tế? (21/05/2018)

>   Một dấu hiệu cảnh báo cho TTCK toàn cầu đang manh nha ở Nhật Bản (21/05/2018)

>   Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi TTCK Malaysia (21/05/2018)

>   Hang Seng tăng gần 400 điểm sau khi Mỹ tuyên bố tạm ngưng chiến tranh thương mại với Trung Quốc (21/05/2018)

>   Dow Jones và S&P 500 có tuần giảm điểm thứ 3 trong một tháng (19/05/2018)

>   Warren Buffett: Lãi suất là yếu tố quan trọng nhất để xác định giá trị cổ phiếu (18/05/2018)

>   Phố Wall nhuốm sắc đỏ khi căng thẳng thương mại tăng (18/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật