Hang Seng tăng gần 400 điểm sau khi Mỹ tuyên bố tạm ngưng chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong ngày thứ Hai (21/05), khi diễn biến tích cực trong cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý của thị trường.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 375.13 điểm (tương ứng 1.21%) nhờ thông tin tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc hồi cuối tuần trước.
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tiến 17.16 điểm (tương ứng 0.54%) và chỉ số Shenzhen Composite cộng 0.74%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 10h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 112.18 điểm (tương ứng 0.49%) vào phiên giao dịch buổi sáng ngày thứ Hai (21/05), sau khi rơi vào trạng thái giảm điểm vì đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu bảo hiểm và thép.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi xóa sạch đà suy giảm đầu phiên và quay đầu tăng 5.53 điểm (tương ứng 0.22%). Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia lùi 3.7 điểm (tương ứng 0.06%).
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tiến 0.5%.
Diễn biến về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang được nhà đầu tư “thẩm thấu” dần. Cụ thể, nỗi lo sợ về chiến tranh thương mại đã giảm mạnh sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho biết trong ngày Chủ nhật (20/05) rằng hai bên đang “tạm dừng” cuộc chiến tranh thương mại vì họ đã nhất trí về thỏa thuận ban đầu.
“Chúng tôi đã tạm ngưng chiến tranh thương mại. Tại thời điểm này, chúng tôi đã nhất trí tạm ngưng các hàng rào thuế quan, đồng thời cố gắng thực thi khuôn khổ đã nhất trí trong thỏa thuận”, ông Mnuchin cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình "Fox News Sunday”.
Cả hai quốc gia cho biết họ đã nhất trí giảm bớt đáng kể thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong một tuyên bố chung hôm thứ Bảy (19/05). Theo tuyên bố chung này, Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể việc mua hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ, dù rằng vẫn còn chưa rõ giá trị mua thêm cụ thể là bao nhiêu.
“Nhìn chung, thị trường có thể xem xét diễn biến này một cách tích cực tại đầu tuần này, nhưng sẽ tiếp tục chú ý đến diễn biến tiếp theo của cuộc đàm phán Mỹ - Trung”, các chuyên gia phân tích ANZ cho biết trong báo cáo buổi sáng ngày thứ Hai (21/05).
Mặc dù tuyên bố của ông Mnuchin được xem là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán, nhưng vẫn còn những yếu tố khác tác động tới thị trường chung, ông Jonathan Garner, Trưởng Bộ phận Chiến lược cổ phiếu thị trường châu Á và mới nổi tại Morgan Stanley, cho hay.
“Đà tăng của giá dầu là yếu tố tiêu cực đối với hầu hết các quốc gia châu Á – vốn là nơi nhập khẩu rất nhiều dầu… Chúng ta cũng đối mặt với tình huống chính sách tiền tệ tại Mỹ và Trung Quốc thắt chặt cùng lúc, và đó là vấn đề đang gây áp lực lên giá tài sản, đặc biệt là cổ phiếu”, ông Garner cho biết trong chương trình “Squawk Box" của hãng tin CNBC.
Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tăng giá vào phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/05) sau các nhận định của ông Mnuchin. Theo các hợp đồng này, chỉ số Dow Jones có thể tăng hơn 200 điểm vào thời điểm mở cửa phiên ngày thứ Hai (21/05) tính tại lúc 9h05 (giờ HK/SIN). Ngoài ra, hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tăng.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều suy yếu trong ngày thứ Sáu (18/05), khi nhà đầu tư tập trung xem xét các tiêu đề báo chí liên quan tới thương mại trước khi tuyên bố chung được đưa ra vào ngày thứ Bảy (19/05).
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng leo lên mức đỉnh nhiều năm trong tuần trước, mặc dù đã giảm bớt phần nào trong ngày thứ Sáu (18/05). Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 3.06% sau khi vượt ngưỡng 3.1% lần đầu tiên trong 7 năm.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 93.776.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|