Dow Jones và S&P 500 có tuần giảm điểm thứ 3 trong một tháng
Tuần qua, Dow Jones lùi 0.5%, S&P 500 mất 0.5% và Nasdaq Composite giảm 0.7%
S&P 500 giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Sáu (18/05), khi đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng và sản xuất con chip gây sức ép lên chỉ số này cùng với việc nhà đầu tư tiếp nhận thông tin từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, Reuters đưa tin.
Cả 3 chỉ số chứng khoán chính đều suy yếu trong tuần qua khi các thị trường phản ứng lại với các báo cáo từ hội nghị thượng đỉnh thương mại Mỹ - Trung, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng và giá dầu nhảy vọt.
Oliver Pursche, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc chiến lược thị trường tại Bruderman Asset Management, nhận định: “Tôi nghĩ mọi người đang chờ đợi một số hướng đi của cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra ngay lúc này, và cũng có những lo ngại về giá dầu”.
Trung Quốc đã phủ nhận phát biểu từ một số quan chức Mỹ rằng nước này có đề xuất một gói các nhượng bộ thương mại nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại Mỹ - Trung lên tới 200 tỷ USD, nhưng cho biết những lời tham vấn là mang tính xây dựng, trong các thông tin mới nhất xuất hiện từ cuộc họp cấp cao.
Cổ phiếu Boeing nhảy vọt nhờ hi vọng vào việc giảm thâm hụt thương mại Mỹ - Trung, sau khi một nguồn tin của Mỹ cho biết Công ty này có thể sẽ là đối tượng được hưởng lợi chính của việc thu hẹp chênh lệch thương mại. Boeing đã bán 25% số máy bay thương mại của mình cho các khách hàng Trung Quốc. Cổ phiếu Boeing vọt 2.1% trong ngày thứ Sáu, qua đó giúp Dow Jones chuyển từ sắc đỏ sang sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ tiếp tục có thành quả vượt trội, trong đó chỉ số Russell 2000 đóng cửa tại mức cao kỷ lục phiên thứ 3 liên tiếp.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm suy giảm từ đỉnh gần 7 năm khi những người mua xuất hiện sau đợt bán tháo trái phiếu hồi đầu tuần do lo ngại lạm phát gia tăng.
Mặc dù các ngân hàng thường được hưởng lợi khi lãi suất tăng cao, nhưng cổ phiếu JPMorgan Chase, Citigroup, Bank of America và Wells Fargo đồng loạt sụt giảm, kéo chỉ số tài chính thuộc S&P 500 mất 0.9%.
Một số nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi rằng lĩnh vực ngân hàng có thể leo dốc nhiều hơn trừ khi gia tăng cho vay hoặc các quy định được nới lỏng đáng kể.
Cổ phiếu Applied Materials sụt 8.2% sau khi dự báo doanh thu lợi nhuận trong năm 2019 của nhà sản xuất thiết bị chip đã làm tăng lo ngại về sự suy yếu của nhu cầu điện thoại thông minh.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia giảm 1.4%, đồng thời ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/04/2018.
Chỉ số năng lượng thuộc S&P 500 mất 0.8% khi giá dầu thô suy yếu. Mặc dù giảm giá trong phiên, dầu vẫn có tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones gần như đi ngang tại mức 24,715.09 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 hạ 7.16 điểm (tương đương 0.26%) xuống 2,712.97 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 28.13 điểm (tương đương 0.38%) còn 7,354.34 điểm.
Tuần qua, cả Dow Jones và S&P 500 đều giảm 0.5%. Đây cũng là tuần giảm điểm thứ 3 trong 4 tuần vừa qua của 2 chỉ số này. Nasdaq Composite lùi 0.7%.
Số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng trên sàn New York theo tỷ lệ 1.01:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1.03:1.
Khoảng 6.18 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, thấp hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 6.64 tỷ, dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy.
An Trần
Fili
|