Thứ Sáu, 25/05/2018 07:45

NÓI THẲNG: Ông Nguyễn Đức Kiên quyết bảo vệ "trạm thu giá"?!

Khi câu chuyện "trạm thu giá BOT" đang nóng hôi hổi, ông nghị Nguyễn Đức Kiên lại một lần nữa gây sốc dư luận và cử tri khi cho rằng đây là vấn đề đã được "luật hóa".

Qua trả lời của ông Kiên với báo giới bên hành lang Quốc hội, có thể hiểu nôm na rằng: "thu giá" là khái niệm đã được luật định, cứ thế mà thi hành, dư luận bức xúc là việc của dư luận.

Nói thẳng: Là Đại biểu Nhân dân, xin ông đừng xem thường người dân chúng tôi như thế!

Trong lúc nổ ra lùm xùm BOT giao thông, ông Kiên chính là người đã mạnh miệng bênh vực BOT và cho rằng người nghèo chả bị ảnh hưởng gì. Nay, khi dư luận đang bức xúc về một khái niệm mơ hồ, vô nghĩa thì lại nhận được từ ông một phản hồi đanh thép: "luật là luật". Xin hỏi ông Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân ở đâu và được tôn trọng như thế nào?!

Thượng tôn pháp luật là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, điều đó ai cũng rõ. Nhưng, luật và các khái niệm được luật định phải làm sao cho dân hiểu, và khi dân hiểu thì mới thi hành được chứ? Là một Đại biểu Quốc hội, tham gia xây dựng pháp luật, việc tối thiểu là ông phải giải thích cho dân rõ khái niệm được luật định, ở đây là "thu giá" hay "trạm thu giá", là cái gì. Ông đâu thể ví von một khái niệm được luật định theo kiểu nói chuyện dân gian như thế. Đó là chưa nói đến trách nhiệm của ông và những người xây dựng pháp luật phải phổ biến, giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật.

Từ sự ví von của ông Kiên còn cho thấy dường như không hề có sự khác biệt về bản chất giữa "thu giá" và "thu phí", vì: "ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H..., là Cà, thì cái chuyện ấy nó không quan trọng, bởi vẫn là em". Thưa ông Kiên, đây chính là một trong những mấu chốt làm dư luận dậy sóng, đặt vấn đề với lập luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Và như vậy, dư luận cho rằng ở đây có sự đánh tráo khái niệm để bảo vệ quyền lợi, bao che cho những khuất tất của BOT giao thông là hoàn toàn chính xác, chẳng có gì sai. Một vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của người dân như thế mà ông ví von nhẹ như không thì đúng thật là không thể hiểu nổi!

Cũng xin nói thêm, cái "trạm thu giá BOT" tới đây nếu ra đời "theo luật", không hiểu chúng ta sẽ "dịch" và giải thích làm sao với bạn bè, khách du lịch nước ngoài khi họ sử dụng cái "sản phẩm" hay "dịch vụ" này nhỉ?!

Câu chuyện BOT giao thông còn dài, chưa có hồi kết, người dân đang trông chờ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan sẽ sớm đưa ra những giải pháp khả dĩ, minh bạch. Trước khi có được điều đó, xin các vị có thẩm quyền hãy cẩn ngôn và đừng "tra tấn" người dân bằng những phát biểu vô lối.

NLD

Các tin tức khác

>   Bà Phạm Chi Lan: Đất đặc khu thuê 99 năm sẽ ra sao nếu 10 năm doanh nghiệp đã phá sản? (24/05/2018)

>   'Thu giá': Sai rồi thì nên sửa (23/05/2018)

>   TP HCM báo cáo gì với Chính phủ về Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao? (23/05/2018)

>   Khó thu hồi đất công (23/05/2018)

>   Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 8 tỉnh (22/05/2018)

>   Đất công ở Bình Thạnh: Đất rộng 1.200 m2 sao coi là đất nhỏ lẻ? (21/05/2018)

>   Kiểm toán Nhà nước: Dự án BT chiếm dụng vốn ngân sách (21/05/2018)

>   Điều gì đã xảy ra ở bán đảo Sơn Trà? (21/05/2018)

>   Địa phương nói gì về việc Bộ Quốc phòng từ chối bàn giao 35 ha đất sân bay Khâm Đức? (17/05/2018)

>   Làm tổ cho “đại bàng” (17/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật