Thứ Năm, 17/05/2018 06:05

Làm tổ cho “đại bàng”

LTS: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21/5/2018 với một trong những nội dung quan trọng là bàn về Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

DĐDN giới thiệu quan điểm của LS Trần Hữu Huỳnh về dự án Luật này.

Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ( Dự án) là một trong số ít các dự án vẫn thu hút được sự góp ý, phản biện sôi nổi ngay cả khi đang cận kề ngày bấm nút và hơn thế, đang được giới đầu cơ bất động sản ồn ào sốt sắng săn đón đến mức buộc chính quyền các đơn vị này phải ra tay “hạ nhiệt”.

Tại bản báo cáo thị trường bất động sản quí 1-2018 vừa được công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (thuộc Hiệp hội bất động sản Việt Nam) cho biết, đất nền tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc có nơi đã chạm mốc 60 triệu đồng/m2 bởi kỳ vọng trở thành đặc khu. Ảnh: đặc khu kinh tế Vân Đồn

Thực tiễn chung của thế giới cho thấy có trên 3.500 khu kinh tế, thương mại tự do theo mô hình “đặc khu” đang tồn tại ở nhiều nước, riêng trường hợp Trung Quốc có thêm khu hành chính đặc biệt theo kiểu “một nước hai chế độ” là Hồng Kông và Macau. Các đặc khu được thiết lập với mục tiêu rõ ràng, chủ yếu để khuyến khích đầu tư vào các vùng chậm phát triển, hỗ trợ giao thương hàng hóa hoặc thử nghiệm các chính sách mới trước khi áp dụng đại trà. Tuy nhiên, mô hình đặc khu đã trở nên ít ý nghĩa hơn trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, đặc biệt là khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo đó các nước đều phải cải cách hướng tới các tiêu chuẩn toàn diện chung.

Đặc khu hay đặc cách?

Không phải ngẫu nhiên mà một làng chài bé nhỏ, nghèo khó như ngàn làng chài khác ở Trung Quốc lại được lựa chọn để thành đặc khu cách đây 30 năm trước, để nay biến Thẩm Quyến thành “thủ đô công nghệ” của Trung Quốc, góp phần làm nên kỳ tích phát triển của cả vùng này. Thẩm Quyến, tuy không là của hiếm nhưng cũng không phải là nhiều cho thành công của hơn 4.500 đặc khu tại 140 quốc gia từ hơn vài tram năm qua, với tỉ lệ sống sót, theo các chuyên gia, chỉ khiêm tốn trong khoảng 20 – 30%. Nguyên nhân đầu tiên là ở chọn địa điểm:

Khen cho con mắt tinh đời

Đặc khu đoán giữa trần ai mới già”.

Địa điểm chọn đặc khu phải là vùng có tiềm năng phát triển để từ đó các ngành nghề trong đặc khu phải là mũi nhọn, là quả đấm kích thích, tạo điều kiện cho phát triển toàn vùng. Tìm được “chỗ công chúa ngủ trong rừng sâu” là rất khó, còn một khi đã tìm được thì việc đánh thức công chúa dậy sẽ không còn là vấn đề. Vân Đồn, Bắc Văn Phong, Phú Quốc có thực sự là những “công chúa đang ngủ” để khi được đánh thức ba “nàng” này có thể làm sáng lên các khu vực xung quanh, tạo điều kiện cho cả ba tỉnh thuộc ba miền ở đất nước này cất cánh? Trong một thế giới đang “vạn vật kết nối”, một thế giới đang chuyển tất cả thành “kỹ thuật số” (có chăng trừ tình yêu, lý tưởng...) thì cách đặt vấn đề về vai trò phát triển của đặc khu liệu đã tính đến xu hướng này? Đặc khu phải có vai trò lan tỏa cả về “cảm hứng” phát triển nhờ vào cải cách thể chế đặc biệt khác hẳn lẫn về sức mạnh phát triển kinh tế. Ở vế sau, phát triển theo qui luật chuỗi lấy đặc khu làm trung tâm hoặc phát triển tự thân nhờ một vài ngành nghề chiến lược với các nhà đầu tư chiến lược, có thể “sang trọng” như thung lũng Silicon, nơi ươm mầm bao nhiêu ý tưởng công nghệ hoặc đời thường như Las Vegas, biến đất sa mạc thành “thủ phủ đánh bạc”!

Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2018), sau đó sẽ xem xét thông qua nghị quyết thành lập đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Nếu không có con mắt tinh đời để phát hiện tiềm năng của một vùng nào đó thì rất dễ ngộ nhận, dẫn đến đặc cách chính sách cho một cô gái vốn dĩ chỉ là “thường thường bậc trung”.

Nổi trội và cạnh tranh

Một trong những quan điểm khi xây dựng Dự án là phải tạo ra một thể chế nổi trội và cạnh tranh. Điều đó đúng, nhất là khi thế giới đang “thừa” các đặc khu thất bại và không ít quốc gia ngậm ngùi với giấc mơ đặc khu tan vỡ.

“Nổi trội” được hiểu là tạo ra một thể chế “dưới” Hiến pháp và “trên” nhiều qui định hiện hành, với mục tiêu rất rõ ràng: tạo không gian kinh tế - hành chính đặc biệt phục vụ cho phát triển vượt bậc. Có hai điều mà các chuyên gia vẫn còn tranh cãi khá gay gắt, một là Việt Nam đã hội nhập rất sâu, rất rộng, đã “là phẳng” các điều kiện ưu đãi, nhất là trong lĩnh vực thuế phí, mở cửa thị trường và nay, không còn nhiều không gian ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn là đối tượng cần hướng tới của Dự án này. Hai là, một số “nổi trội” khác về môi trường kinh doanh, bao gồm các điều kiện kinh doanh, giấy phép, thủ tục, khiếu nại, tố cáo... sẽ thiết kế theo kiểu “thuận lợi” hơn so với phần còn lại của đất nước không phải là cách tiếp cận hiệu quả nhất , nếu không nói là kém an toàn. Thay vì tiếp cận “nổi trội” hơn có khả năng gây “hiệu ứng phụ”, nguy cơ “thẩm lậu” hàng hóa, dịch vụ vào thị trường nội địa, có thể làm tổn hại đến môi trường cạnh tranh thì cách tiếp cận tốt hơn là Nhà nước phải đẩy nhanh việc cải cách thể chế toàn diện, triệt để trong toàn quốc để cả quốc gia là một đặc khu nổi trội lên trong khu vực.

Cần nhắc lại năng lực cạnh tranh của Việt Nam, tuy đã được cải thiện khá tốt trong mấy năm gần đây, hiện vẫn đang đứng ở mức trung bình, việc ban hành các qui định có vẻ như “nổi trội” hơn so với trong nước, chắc gì đã là nổi trội hơn so với các nơi khác trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan hay Malaysia... nơi mà cải cách còn quyết liệt, mạnh mẽ và toàn diện hơn, nơi mà các ngành ưu tiên trong Dự án cũng là các ngành mà các khu vực này đang rất cạnh tranh? Nhìn ở góc độ này, mục tiêu cạnh tranh khu vực vẫn còn đang là câu hỏi lớn.

“Đại bàng” và “chim sẻ”

Thế giới đang biến đổi rất mạnh và rất nhanh, “kinh nghiệm không bằng tư duy, qui mô không bằng tốc độ”. Trong khi đã có quốc gia đang bàn chuyện cấp qui chế công dân cho robot, quốc gia khác bàn về xử lý trách nhiệm của “trí tuệ nhân tạo AI”... thì, muốn xây dựng một đặc khu nào đó, điều quan trọng không kém là thể chế này có gọi được “đại bàng” đến hay chỉ là “chim sẻ”, tệ hại hơn, chỉ có kền kền bay về?

Tạo ra một thể chế kinh doanh tự do nhất tại một vùng có tiềm năng ngay trong một quốc gia có môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh cao và biết thực thi tốt nhất sự tự do đó sẽ là tín hiệu tốt nhất để kéo “đại bàng” về. Tiếp cận theo kiểu ban hành ưu đãi, rải một ít “thóc” thuế, phí, đất, điều kiện kinh doanh… chưa phải là cách tiếp cận hiệu quả. Lựa chọn quá nhiều ngành nghề ưu tiên, mà một số chuyên gia hóm hỉnh nhắc lại bài học một thời về “chiến lược gai mít” sẽ gây nguy hại, thay vì xây tổ “đại bàng” lại lo lót ổ “chim sẻ”.

Và tất nhiên, một môi trường ríu rít toàn “chim sẻ” với các ưu đãi ấm áp, mượt mà sẽ không bao giờ là khí quyển cho “đại bàng”, vốn khát khao bầu trời cao rộng của thảo nguyên lộng gió, cần cánh rừng xanh chứ không chịu mấy bụi cây nhỏ! Thực tế nhỡn tiền về các cơn sốt đất ở ba địa điểm này vừa qua đã cho thấy điều mà ông bà từng cảnh báo “chợ chưa họp, kẻ đầu cơ đã đến”. Những kẻ đầu cơ đang nhanh chân hơn chính sách!

Đặc khu - quan trọng là gọi được “đại bàng”

Đặc khu, nếu không gọi được “đại bàng” về, thì có lẽ nên gọi nó là khu kinh tế, khu công nghiệp.

Việt Nam đang khát vọng phát triển, không thể tiếp cận phát triển theo kiểu tiểu tiết. Vẫn biết “dục tốc bất đạt” nhưng không có đột phát, cơ hội “sánh vai với các cường quốc năm châu” sẽ ngày càng xa.

Đây có thể là thời cơ chăng khi cuộc cách mạng kỹ thuật số, gọi nôm na là cách mạng 4.0, đang thách thức mọi quốc gia và đòi hỏi cách đặt vấn đề của chúng ta sẽ phải là: “đại bàng” ơi, các ngươi muốn gì?

Chúng ta không chỉ nên hỏi các FDI Việt Nam muốn gì mà cần phải hỏi các tập đoàn đa quốc gia chưa có ở Việt Nam, rằng họ muốn đâu là đặc khu và muốn xây đặc khu đó như thế nào . Việt Nam có chủ quyền, có Hiến pháp, chúng ta dùng hai thứ này để nghe họ nói.

“Ngày hội cho các đại bàng”! Tại sao không? Ở đó, chúng ta sẽ biết “tổ” mà đại bàng cần là gì, nếu không rất dễ sa vào cảnh “dở cười dở khóc” là người nuôi “chim sẻ” lại đi xây tổ đại bàng. Băn khoăn vừa qua của một số đại biểu Quốc hội, rồi đây khi đất nước phải “cắn răng” chi hàng triệu tỉ đồng cho các đặc khu mà chưa rõ sẽ thu được gì không phải là không đáng chia sẻ.

Việt Nam dân đông nhưng đất ít, tài nguyên ngày càng khan hiếm, do đó, hãy thận trọng trong các quyết sách đầu tư.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh

DĐDN

Các tin tức khác

>   Cần công khai tình hình, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công (16/05/2018)

>   5.000 m2 đất vàng Sài Gòn bán cho tư nhân thế nào (16/05/2018)

>   Tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Phú Quốc (15/05/2018)

>   Thủ tướng yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân Thủ Thiêm (15/05/2018)

>   Đà Nẵng lấy 6.000 m2 đất vàng mở rộng công viên APEC (15/05/2018)

>   Hải Phòng khởi công hai dự án tổng gần 3.000 tỉ (14/05/2018)

>   Kiến nghị thu hồi gần 5.000 m2 "đất vàng" ở Sài Gòn bị bán rẻ (14/05/2018)

>   Cử tri Bình Chánh kiến nghị bí thư TP.HCM về dự án Sing Việt (14/05/2018)

>   Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hứa gặp dân Thủ Thiêm sau họp Quốc hội (14/05/2018)

>   Nghệ An kiểm tra vụ ‘giao đất vàng giá bèo cho doanh nghiệp’ (11/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật