Điều gì đã xảy ra ở bán đảo Sơn Trà?
Gần đây, câu chuyện Sơn Trà đã trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Sơn Trà trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Vậy điều gì đã xảy ra ở bán đảo này?
Dự án du lịch sinh thái khiến một góc Sơn Trà bị loang lổ - Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN
|
Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vào tháng 7-2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói rằng nhiều năm trước ai cũng ao ước thắp sáng Sơn Trà như Hong Kong.
Từng "mơ" Sơn Trà như... Hong Kong!
Ông Thơ cũng nói quan điểm, cách nghĩ về Sơn Trà trước đây và bây giờ đã có sự thay đổi, khác biệt rất lớn.
Nếu 5, 10 năm trước nặng về tư duy khai thác Sơn Trà để phát triển kinh tế nên tập trung thu hút nhiều dự án đầu tư vào Sơn Trà. Còn nay nhận thức, tư duy đã khác nên người dân và cán bộ đã thay đổi quan điểm, gìn giữ bảo vệ Sơn Trà theo hướng sinh thái, tự nhiên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dự án tại bán đảo Sơn Trà đều được hình thành trong giai đoạn 2003-2012.
Tính đến thời điểm tháng 12-2012, tại bán đảo Sơn Trà UBND TP Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương cho 18 dự án đầu tư phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Tổng diện tích quy hoạch hơn 1.222ha.
Trong đó, đất giao có thu tiền gần 94ha, đất thuê gần 274ha và phần còn lại giao quản lý không thu tiền. Tổng số tiền sử dụng đất đã thu - phần diện tích đất giao từ năm 2003-2012 là hơn 698 tỉ đồng.
Về quy mô lưu trú của các dự án theo quy hoạch có 1.920 lô biệt thự, 24 bungalow và 306 buồng khách sạn.
Trong số 18 dự án tại bán đảo Sơn Trà thực tế chỉ có 3 dự án đã đầu tư gồm dự án Khu du lịch (KDL) sinh thái biển Bãi Bắc, KDL Sơn Trà Resort - Spa và Khu nhà nghỉ, KDL sinh thái Bãi Trẹm.
Có một dự án đang triển khai nhưng bị "tuýt còi" là KDL nghỉ dưỡng sinh thái biển Tiên Sa. Có ba dự án triển khai một phần nhưng đã "đứng bánh" là dự án KDL Bãi Trẹm, KDL biển Bãi Bụt, KDL sinh thái nhà nghỉ, dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà.
11 dự án còn lại chưa triển khai gồm: KDL biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa, Mũi Nghê; Khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá; KDL sinh thái biển Ghềnh Bàn, Bãi Đa; KDL ven biển và biệt thự sinh thái cao cấp Hồ Xanh; KDL ven biển và biệt thự sinh thái cao cấp Hồ Xanh mở rộng; KDL sinh thái biển kết hợp nuôi trồng hải sản; dự án KDL sinh thái biển Bãi Bắc mở rộng; KDL sinh thái biển Tiên Sa mở rộng; KDL biển Đông mở rộng; KDL Bãi Rạng và Khu biệt thự bán đảo Sơn Trà.
"UBND TP đã rà soát có sáu dự án không phù hợp nên kiến nghị điều chỉnh chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, cộng đồng. Xem xét cắt giảm quy mô 10 dự án và giữ nguyên hai dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư phù hợp các tiêu chí về an ninh quốc phòng, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học..." - đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết.
Một dự án du lịch nghỉ dưỡng triển khai dở dang ở Sơn Trà - Ảnh: Đ.CƯỜNG
|
Những dự án phá nát Sơn Trà
Cho đến nay, nhiều dự án đã bộc lộ sự bất cập. Điển hình nhất là dự án KDL sinh thái biển Tiên Sa của Công ty CP biển Tiên Sa. Những ngày này, người ta có thể thấy những vết cày xới loang lổ trên bán đảo Sơn Trà của dự án sinh thái này.
Dự án KDL sinh thái biển Tiên Sa được dư luận chú ý tới không phải bởi sự "sinh thái", khi một người dân ghi lại hình ảnh cày xới Sơn Trà của dự án này vào tháng 3-2017.
Sự việc "lộ" ra, cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành kiểm tra thì phát hiện chủ đầu tư đã cho thi công 40 móng biệt thự không phép. Sau đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt và đình chỉ việc xây dựng tại dự án này.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng liên quan đến việc đầu tư xây dựng tại dự án.
Theo Sở KH-ĐT Đà Nẵng, Công ty Tiên Sa được TP Đà Nẵng giao 26,3ha đất làm dự án (thu tiền sử dụng đất là 2,26ha, thuê thời hạn 50 năm hơn 24ha) vào năm 2003.
Năm 2011, thành phố Đà Nẵng lại điều chỉnh tăng diện tích đất giao cho công ty này lên 30,35ha. Đến tháng 2-2016, Đà Nẵng cho phép chủ đầu tư được xây 86 biệt thự cao hai tầng và một số bungalow.
Theo quy định thời điểm đó thì đất sản xuất kinh doanh chỉ được Nhà nước giao quyền sử dụng 50 năm chứ không được chuyển quyền sử dụng lâu dài như đất ở. Thế nhưng Đà Nẵng đã chuyển quyền, thu tiền sử dụng đất 8ha của dự án và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài.
Tương tự là dự án KDL Bãi Trẹm, Mercure Sơn Trà. Ngày 24-8-2012, giữa Trung tâm phát triển quỹ đất Đà Nẵng và Công ty Savico, chủ đầu tư, đã có hợp đồng về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở trong khi đây là dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.
Sơn Trà còn có dự án KDL sinh thái biển Ghềnh Bàn, Bãi Đa do Vũ Nhôm làm chủ đầu tư. Công ty này được UBND TP Đà Nẵng giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng dự án KDL sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn, Bãi Đa với diện tích 314.968m2, với thời hạn 50 năm kể từ tháng 8-2014.
Tháng 11-2015, UBND TP Đà Nẵng đã cấp 33 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Sau đó UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị cắt giảm diện tích, biệt thự, khách sạn do có một số diện tích ở cao độ trên 100m và nằm trong đất quốc phòng.
Dự án trên được UBND TP cấp đất trực tiếp cho doanh nghiệp, không có dự án đầu tư, không thông qua đấu thầu dự án sử dụng đất hoặc đấu giá đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003.
42% diện tích san hô biến mất
Theo TS Nguyễn Xuân Hòa, Viện Hải dương học Nha Trang, năm 2016 viện thực hiện đề tài độc lập nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Sự suy giảm các rạn san hô ở ven bờ Sơn Trà rất đáng báo động.
Kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy diện tích các rạn san hô ven bờ bán đảo Sơn Trà chỉ còn 46,9ha, giảm đi 34ha so với diện tích đã được báo cáo năm 2006 là 80,9ha, tức có đến 42% diện tích rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà đã bị biến mất trong vòng 10 năm gần đây.
|
ĐOÀN CƯỜNG
TUỔI TRẺ
|