Lãi suất Argentina chạm mức 40% vì nhà đầu tư tháo chạy sang Mỹ
Gần 3 ngàn tỷ USD đã được rót vào các quỹ tài sản có thu nhập cố định và quỹ ETF của Mỹ
Nhà đầu tư đang tháo chạy sang Mỹ – một diễn biến đang tạo ra nỗi đau thật sự một số thị trường mới nổi.
Lãi suất thị trường chạm mốc 40% tại Argentina trong ngày thứ Sáu (04/05), sau khi đà sụt giảm của đồng nội tệ đã buộc Ngân hàng Trung ương Argentina phải thực hiện đợt nâng lãi suất lần thứ 3 chỉ sau 8 ngày. Ngoài ra, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lao dốc mạnh trong vài ngày gần đây khi nhà đầu tư bắt đầu bán đổ bán tháo đồng tiền này.
Dòng tiền chuyển hướng sang Mỹ cũng tạo ra cú sốc đến các thị trường. Ngân hàng Thụy Điển SEB cho biết rằng chỉ số thị trường mới nổi của quốc gia này đã rớt 10% so với thời điểm tháng 1/2018.
Nhà đầu tư cảm thấy cuốn hút bởi thị trường Mỹ, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ngày càng tăng và đồng USD trở lại mạnh mẽ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã nhảy vọt trong năm nay từ 2.4% lên 3%, còn đồng USD leo dốc 4% so với các đồng tiền chủ chốt khác so với thời điểm giữa tháng 4/2018.
Dữ liệu từ Morningstar cho thấy gần 3 ngàn tỷ USD đã được rót vào các quỹ tài sản có thu nhập cố định và quỹ ETF của Mỹ, mức hút vốn mạnh nhất trong 5 năm.
“Đà tăng mạnh của đồng bạc xanh đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo cổ phiếu thị trường mới nổi ở mọi khu vực”, các chiến lược gia tiền tệ tại Bank of America Merrill Lynch (BoAML), cho hay. BoAML cho biết các quỹ đầu cơ, nhà quản lý tài sản và nhà đầu tư khác đã chen nhau đổ vốn vào đồng USD trong 2 tuần qua.
Dù vậy, diễn biến trên vẫn chưa tới mức kịch tính như hiện tượng "taper tantrum” năm 2013, khi nhà đầu tư vốn đang lo lắng đã tháo chạy nhanh chóng ra khỏi các thị trường đang phát triển, Athanasios Vamvakidis, Chiến lược gia tiền tệ tại BoAML, cho hay. Sự kiện “taper tantrum” vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Đồng tiền của các quốc gia thị trường mới nổi đã biến động mạnh sau khi Chủ tịch Fed khi đó là Ben Bernanke cho biết trong tháng 5/2013 rằng Fed sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu.
“Chúng tôi không nhận thấy sự điều chỉnh gây rối loạn nào”, ông cho hay, đồng thời lưu ý rằng nhiều thị trường mới nổi trên toàn cầu đang trong vị thế mạnh hơn so với 5 năm về trước – thời điểm xảy ra hiện tượng taper tantrum.
Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Cả hai nền kinh tế này hiện đang có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, hay nói cách khác họ đang chi nhiều hơn cho nhập khẩu hơn là lượng tiền có được từ xuất khẩu. Nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng tạo tiền để trả hết nợ trong những lúc khó khăn.
Ở Argentina, lãi suất thị trường ở mức 27.25% trước nhiều đợt nâng lãi suất nhanh chóng. Đồng Peso của Argentina lao dốc 15% so với đồng USD trong năm 2018, và Ngân hàng Trung ương nước này đang nỗ lực ngăn chặn đồng nội tệ giảm thêm.
“Bất ngờ thực sự ở đây là mọi thứ dường như trở nên căng thẳng rất nhanh chóng và đột ngột”, Edward Glossop, Chuyên gia kinh tế Mỹ Latinh tại Capital Economics, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu trong ngày thứ Năm (03/05).
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira đã sụt 11% so với đồng bạc xanh trong năm 2018, và chỉ số chứng khoán chuẩn của quốc gia này cũng trượt dốc 11% trong cùng kỳ.
Jameel Ahmad, Trưởng Bộ phận Chiến lược Tiền tệ tại FXTM, cho hay tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng cao, lạm phát cao và rủi ro chính trị có thể đã khiến nhà đầu tư sợ hãi và né xa đồng Lira.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|