Chốt an toàn tiền gửi nằm ở ngân hàng
Dư luận vô cùng băn khoăn, lo lắng đối với cách giải quyết thực tế cũng như việc tranh cãi về lỗi và trách nhiệm bồi thường trước một loạt vụ mất tiền gửi tại ngân hàng xảy ra trong thời gian qua.
Gần như không có sự tranh cãi về trách nhiệm trong việc xảy ra chuyện mất tiền gửi ngân hàng đối với những trường hợp chỉ có lỗi của một bên. Đó là những trường hợp hoàn toàn do lỗi của khách hàng, như làm mất thẻ ngân hàng, đồng thời để lộ mật khẩu, dẫn đến bị kẻ gian rút mất tiền. Hoặc là những trường hợp hoàn toàn do lỗi của ngân hàng, như tội phạm gian lận lệnh hay giấy tờ rút tiền. Còn trường hợp khách hàng rút tiền hay ủy quyền hợp pháp, hợp lệ cho người khác rút tiền gửi ngân hàng, thì không thể gọi là bị mất tiền, vì hoàn toàn do khách hàng tự định đoạt tiền gửi.
Vấn đề gây tranh cãi là các trường hợp mất tiền gửi do lỗi hỗn hợp của cả hai bên ngân hàng và khách hàng.
Quy định về an toàn tiền gửi
Người rút tiền gửi phải bảo đảm sự khớp đúng về thẻ tiết kiệm, chứng minh nhân dân, chữ ký. Vì vậy, dù ai đó có cầm tất cả các giấy tờ của người gửi tiền và ký như mẫu thì cũng không thể rút được tiền, nếu như không có mặt chủ thẻ tiết kiệm. Nếu chủ thẻ vắng mặt thì buộc phải có giấy ủy quyền hợp pháp, hợp lệ.
Có thể phân thành ba loại chính về ủy quyền hợp pháp, hợp lệ. Thứ nhất là có văn bản ủy quyền có công chứng hoặc chứng thực hợp pháp, để khẳng định đúng là chữ ký của khách hàng. Thứ hai là có văn bản xác nhận chữ ký hợp lệ của cả người ủy quyền và người nhận ủy quyền ký trước mặt nhân viên có thẩm quyền của ngân hàng. Thứ ba là không bằng văn bản, mà người ủy quyền chỉ cần đưa thẻ ngân hàng, mật khẩu và có thể là cả điện thoại (tùy theo yêu cầu của từng loại giao dịch) cho người khác để thực hiện giao dịch điện tử (không cần có sự can thiệp của nhân viên ngân hàng).
Trường hợp chi trả tiền theo giấy ủy quyền, ngân hàng còn phải bảo đảm xác định được chắc chắn người rút tiền thông qua chữ ký trên các giấy tờ và chứng minh nhân dân của họ, chứ không thể có chuyện là chẳng biết ai rút tiền như một số vụ việc đã xảy ra.
Điều 10, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) quy định ngân hàng có trách nhiệm “bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi”.
Trong chín nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán theo quy định tại khoản 2, điều 5, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN cũng như các văn bản pháp luật khác, không có quy định nào về trách nhiệm của khách hàng trong việc kiểm tra thông tin tài khoản tiền gửi.
Một trong bốn trách nhiệm của người gửi tiền tiết kiệm theo điều 25, “Quy chế về tiền gửi tiết kiệm” ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN là thông báo kịp thời việc mất thẻ tiết kiệm, “để tránh bị lợi dụng làm tổn thất tài sản”.
Việc mất thẻ xe hay mất thẻ ATM, nếu không trình báo kịp thời thì có thể bị mất xe hay mất tiền mà không bắt đền được người giữ xe hay ngân hàng. Tuy nhiên, việc mất thẻ tiết kiệm, dù không thông báo kịp thời, thì cũng không thể mất tiền, nếu như ngân hàng làm đúng các nguyên tắc đã nêu. Thậm chí, ngay cả với quy định khách hàng gửi tiền tiết kiệm phải “chịu trách nhiệm về những thiệt hại do không khai báo kịp thời việc mất thẻ tiết kiệm” theo quy chế nói trên, cũng sẽ là thừa, nếu ngân hàng thực hiện đúng quy định, quy trình.
Điều quan trọng nhất là, nếu khách hàng có dùng mọi cách thức để kiểm tra tài khoản thì cũng không có tác dụng gì trong việc bảo đảm an toàn tiền gửi, mà chỉ để nhanh chóng phát hiện và xử lý hậu quả đã xảy ra.
Trách nhiệm đôi bên
Khách hàng tin tưởng khi giao dịch với ngân hàng, thì cũng đồng nghĩa với việc tin vào những nhân viên thay mặt cho ngân hàng. Người gửi tiền có thể mù chữ hay rất lớ ngớ, nên hoàn toàn có thể nhầm lẫn, như ký giấy rút tiền, giấy ủy quyền... theo yêu cầu của nhân viên ngân hàng. Nhưng nhân viên ngân hàng thì phải nắm vững và làm đúng quy định.
Yêu cầu về sự chính xác và đặc biệt là sự an toàn trong hoạt động ngân hàng có thể coi là nguyên tắc kép quan trọng nhất, đã được quy định trong nhiều văn bản.
Vì vậy, khách hàng dù có lỗi sai đến đâu, nếu ngân hàng làm đúng nguyên tắc, quy định, quy trình thì cũng không mất được tiền gửi. Do đó, trong các trường hợp mất tiền gửi có lỗi hỗn hợp của hai bên, thì ngân hàng phải chịu ít nhất 90% trách nhiệm. Nếu như nhân viên ngân hàng lại còn tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi, thì gần như 100% lỗi mất tiền phải là của ngân hàng.
Cái chốt an toàn tiền gửi nằm trong tay ngân hàng. Khách hàng bị mất tiền oan là vì ngân hàng đã không hành xử đúng pháp luật và bảo đảm an toàn tiền gửi trên thực tế.
Luật sư Trương Thanh Đức
TBKTSG
|