Chi phí dự phòng hơn 6,000 tỷ đồng, “ăn mòn” 70% lợi nhuận của BIDV trong quý 1
Lợi nhuận trước dự phòng trong quý 1/2018 tăng đến 85% so với cùng kỳ năm trước, nhưng gánh nặng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quá lớn khiến lợi nhuận sau thuế của BIDV chỉ nhích nhẹ lên khoảng 2,000 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 1/2018, tổng tài sản có của BIDV đạt gần 1.23 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 867,300 tỷ đồng, tăng trưởng 1.4%. Tiền gửi của khách hàng tăng gần 6%, đạt hơn 910,000 tỷ đồng.
|
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2018. Lãi từ các hoạt động trong quý đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, cụ thể: thu nhập lãi thuần đạt hơn 9,100 tỷ đồng (tăng 35%), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hơn 745 tỷ đồng (tăng 30%), lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh gần 530 tỷ đồng (gấp 5 lần), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối gần 215 tỷ đồng (tăng 75%), các hoạt động khác cũng mang về gần 600 tỷ đồng lãi thuần (gấp 3 lần).
Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng ghi nhận gần 8,500 tỷ đồng, tăng mạnh 85% so với quý 1/2017. Đây là con số lợi nhuận trước dự phòng lớn nhất tính theo quý của BIDV từ trước tới nay.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng trong quý 1/2018 đạt hơn 6,000 tỷ đồng cũng là con số cao kỷ lục, tăng 156% và ăn mòn tới 70% lợi nhuận của Ngân hàng. Kết thúc quý đầu tiên của năm, lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2,000 tỷ đồng; chỉ tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cán mốc 9,300 tỷ đồng trong năm 2018, BIDV đã đi được 1/4 quãng đường cho cả năm.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong tổng số lợi nhuận thuần trước dự phòng theo quý từ năm 2015 đến nay
|
Có thể thấy, áp lực nợ xấu kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao vẫn đè nặng BIDV suốt những năm qua.
Quay trở về thời điểm cuối năm 2015, nợ xấu của BIDV ở mức gần 9,600 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ nợ xấu chiếm 1.61% tổng dư nợ) và là nhà băng có khối lượng nợ xấu thuộc hàng cao nhất hệ thống thời điểm đó. Tính đến cuối quý 1/2018, tổng nợ xấu tuyệt đối của BIDV đã đạt hơn 14,200 tỷ đồng (chiếm 1.62% tổng dư nợ cho vay).
Mặc dù dư nợ cho vay không quá lớn so với VietinBank hay Vietcombank nhưng nợ xấu của BIDV thì cao hơn nhiều so với 2 ngân hàng này. Cán cân nợ VMAC ròng trên lợi nhuận trước dự phòng trong 3 năm qua của BIDV cũng cao hơn khá nhiều so với các nhà băng khác trong hệ thống.
Cán cân nợ VAMC ròng trên lợi nhuận trước dự phòng (2015-2017)
Nguồn: Báo cáo ngành ngân hàng 2017-2018 của VCSC
|
Trước đó, các công ty chứng khoán như VCSC hay SSI đều đánh giá rằng việc phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng quá nhiều đã khiến lãi ròng của BIDV tăng trưởng chậm hơn so với thu nhập chung và nhiều khả năng Ngân hàng sẽ tăng chi phí dự phòng cho trái phiếu đặc biệt của VAMC để có thể hoàn tất trích lập dự phòng cho trái phiếu này vào năm 2019.
Bên cạnh nợ xấu, bài toán tăng vốn cũng là một trong những vấn đề nóng kéo dài suốt những năm qua của BIDV. Ba năm gần đây nhất, HĐQT nhà băng này đều trình và được thông qua hàng loạt phương án tăng vốn nhưng kết quả thực tế đều không thực hiện được. Năm 2017, BIDV dự kiến tăng vốn thông qua 4 phương án, bao gồm phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước, trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cho cổ đông nước ngoài nhưng cũng không thành công.
Vốn điều lệ tăng thêm quá ít, trong khi tỷ lệ an toàn vốn của BIDV đã gần chạm ngưỡng theo quy định của NHNN. Ngoài ra, thời gian áp dụng tiêu chuẩn quản trị theo Basel II đang đến gần cũng tạo áp lực lớn cho ban lãnh đạo. Năm 2018, BIDV tiếp tục đặt mục tiêu tham vọng tăng vốn thêm 28%, lên hơn 43,600 tỷ đồng. Trong đó, trọng tâm là phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho CBCNV với quy mô 171 triệu cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ 171 triệu cổ phiếu và phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài hơn 600 triệu cổ phiếu.
Thu Phong
FILI
|