Thứ Sáu, 27/04/2018 08:30

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ Eximbank phải kiểm lại phiếu bầu do lỗi kỹ thuật, Nguyên TGĐ NamABank được bầu vào HĐQT

Sau 1 giờ kiểm phiếu, đến 13h45, Eximbank công bố do có sai sót nên muốn kiểm lại phiếu bầu. Sau khi làm việc lại, đại diện Ban kiểm phiếu Eximbank cho biết sai sót xảy ra là do lỗi kỹ thuật, các tỷ lệ biểu quyết còn lại không có gì thay đổi. Kết quả bà Lương Thị Cẩm Tú – nguyên Tổng giám đốc NamABank đã được bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào HĐQT

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) (vừa được bổ sung ngay sáng ngày tổ chức 27/04), bà Lương Thị Cẩm Tú – nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) là ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020. Được biết bà Lương Thị Cẩm Tú chỉ mới rút khỏi HĐQT NamABank cách đây không lâu, từ ngày 04/03/2018.

Còn nhớ tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Eximbank cũng "nóng" câu chuyện nhân sự bầu vào HĐQT liên quan đến NamABank. Trong đó có sự xuất hiện của ông Trần Ngọc Tâm và ông Trần Ngô Phúc Vũ (nhân sự tại NamABank) nhưng sau đó đã rút khỏi danh sách ứng cử.

Trước đó, vào đầu năm 2018, Eximbank thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc đề cử, ứng cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020. Đến ngày 07/03/2018, Eximbank nhận được 4 hồ sơ, trong đó có 1 hồ sơ ứng viên cập nhật thông tin đã nộp năm 2017.

Ngày 20/03/2018, HĐQT Eximbank thông qua 4 nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT. Tuy nhiên đến ngày 26/04/2018 (chỉ 1 ngày sát trước thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ), Eximbank đã nhận được 3 đơn đề nghị của 3 ứng viên về việc xin không tiếp tục tham gia ứng cử làm thành viên HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân. Như vậy, ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank chỉ còn bà Lương Thị Cẩm Tú.

Sau hơn một tiếng đồng hồ tiến hành lấy phiếu biểu quyết và kiểm phiếu, đại diện Ban kiểm phiếu đọc kết quả các nội dung biểu quyết trước đại hội.

Các nội dung tờ trình được đại hội thông qua bao gồm: Báo cáo hoạt động của HĐQT, hoạt động của các Hội đồng, Ủy ban trực thuộc HĐQT năm 2017 và phương hướng hoạt động HĐQT năm 2018; Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2017 và kế hoạch kinh doanh năm 2018; Báo cáo của Ban kiểm soát về hoạt động năm 2017 và định hướng năm 2018; BCTC hợp nhất đã được kiểm toán năm 2017; Báo cáo kết quả kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2017; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát Eximbank.

Các cổ đông cũng thông qua việc bầu bổ sung bà Lương Thị Cẩm Tú làm thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) với tỷ lệ 69.98%.

Hai tờ trình về việc ban hành Quy chế quản trị nội bộ Eximbank và tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức, hoạt động của HĐQT Eximbank chỉ được đồng ý với tỷ lệ 56.61%.

Đáng chú ý, sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, đại diện Ban kiểm phiếu cho biết các số liệu giữa kết quả trung gian và kết quả cuối cùng không giống nhau. Đại diện Eximbank đề xuất với các cổ đông và đề nghị Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm lại

Sau khi làm việc lại, đại diện Ban kiểm phiếu Eximbank cho biết sai sót xảy ra là do lỗi kỹ thuật, trang cuối cùng bị thiếu nội dung thông qua. Tức là, toàn bộ biên bản kiểm phiếu đã đúng hết, nhưng chỉ có trang các nội dung cuối cùng được đại hội thông qua lại bị thiếu 3 nội dung; các tỷ lệ biểu quyết còn lại không có gì thay đổi. Ban kiểm phiếu Eximbank đã công nhận khiếm khuyết và nhận lỗi với các cổ đông.

Theo đó, Ban kiểm phiếu và Tổ giám sát sẽ có biên bản thống nhất nội dung và công bố trên website của Eximbank. Kết quả cuối cùng, đại hội đã thông qua 11 nội dung, chứ không phải 8 nội dung như lúc đầu.

Bà Lương Thị Cẩm Tú

Eximbank nói gì về sự cố mất tiền của khách hàng?

Trong năm 2017, Eximbank có phát sinh 2 vụ rủi ro tiền gửi lớn là vụ việc 6 khách hàng gửi hơn 50 tỷ đồng vào Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, tỉnh Nghệ An và khách hàng Chu Thị Bình gửi tiền 245 tỷ đồng vào Chi nhánh Eximbank Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, từ cuối tháng 02/2017, Eximbank phát hiện số dư tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình trên hệ thống ngân hàng có sự chênh lệch so với số dư thể hiện trên các sổ tiết kiệm bà Bình đang giữ. Ngay khi phát hiện vụ việc, Eximbank đã có Đơn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra để xác minh làm rõ. Ngày 12/6/2017, C44 thông báo cho Eximbank là chữ ký của bà Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật và ngày 07/12/2017, CQ CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời có quyết định truy nã đối với ông Hưng.

Eximbank cho biết xét thấy các chứng từ rút tiền có chữ ký thật của bà Bình, trong khi vụ án chưa có kết luận của CQ CSĐT nên Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền tiết kiệm theo yêu cầu của bà Bình, nên hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi chờ phán quyết của Tòa án, Eximbank cho biết vẫn có thiện chí để có thể cùng bà Bình đi đến một thỏa thuận thấu tình đạt lý, đúng quy định pháp luật.

Sau sự việc, Eximbank đã tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác huy động vốn trong toàn hệ thống, kết quả không có dấu hiệu bất thường ngoài trường họp của bà Bình và vụ việc ở Đô Lương - Nghệ An (Eximbank đã phát hiện vào tháng 9/2016). Đồng thời, Eximbank cũng đã rà soát và cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro hệ thống, đặc biệt là khách hàng có thể kiểm tra tiền gửi của mình qua Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking; xác thực việc ủy quyền bàng dấu vân tay; luân chuyển cán bộ...

Cổ đông bức xúc về cách điều hành của Ban lãnh đạo về hai sự cố tiền gửi

Tại đại hội, cổ đông bức xúc về cách điều hành của Ban điều hành về hai sự cố tiền gửi, và Ban Tổng Giám đốc Eximbank có từ chức hay không?

Cổ đông bức xúc tại đại hội

Một cổ đông cho biết ông đã nghe những chia sẻ của nhiều cổ đông khác bên lề đại hội, đa số cổ đông rất bức xúc và thất vọng về cách điều hành của Ban lãnh đạo Eximbank về hai sự cố mất tiền gửi của khách hàng thời gian qua. Gần đây nhất là vụ khiếu nại của khách hàng Chu Thị Bình bị rút mất sổ tiết kiệm 245 tỷ đồng có liên quan đến hành vi lừa đảo của ông Lê Nguyễn Hưng – Nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM. Một trường hợp nữa là vụ 6 khách hàng bị rút mất số tiền gửi tiết kiệm 50 tỷ đồng tại PGD Đô Lương – Chi nhánh Eximbank Vinh. Vị này đề nghị các lãnh đạo Eximbank phải giải trình rõ về vụ việc này, giá cổ phiếu sẽ biến động ra sao và Ban Giám đốc Eximbank có nghỉ việc hay không?

Một cổ đông cao tuổi khác cho biết là cổ đông sáng lập của Ngân hàng, bà khá xúc động và bày tỏ sự thất vọng của mình với bộ máy lãnh đạo của Eximbank. “Tại sao làm tốt mà lại để xảy ra nội bộ ăn cắp tiền? Tôi đề nghị phải quản lý tốt. Chính người của mình phá của mình, chứ không phải người ngoài. Các anh xem lại, phải giải thích thích hợp”, bà nói.

Trần tình trước các cổ đông, Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết cho hay, vụ án tại PGD Đô Lương đã xảy ra từ năm 2013 kéo dài cho đến thời điểm đầu năm 2016. Còn vụ xảy ra ở tại Chi nhánh TP.HCM thực ra đã bắt đầu từ năm 2010 và đầu năm 2016 mới bộc lộ ra; đây là một vụ án phức tạp và thời gian kéo dài. Theo ông Quốc, các vụ án này được phát giác trong nhiệm kỳ HĐQT giai đoạn hiện nay, nên HĐQT có trách nhiệm giải quyết, bảo vệ quyền lợi của cổ đông và hình ảnh của Ngân hàng.

Sau hai sự cố này, Eximbank đã rà soát đối chiếu tất cả các khách hàng có số dư tiền gửi lớn, bổ sung thêm các cảnh báo, bổ sung thêm các hình thức nhận diện, luân chuyển cán bộ trong chi nhánh để phát hiện lỗ hổng quản trị. Ngân hàng đã triển khai các nội dung nói trên và thực hiện từ giữa năm 2017 đến nay.

Trả lời trước ý kiến các cổ đông liên quan đến vai trò của Tổng Giám đốc về các sự cố tiền gửi xảy ra và ông có từ nhiệm hay không, ông Lê Văn Quyết - Tổng Giám đốc Eximbank cho hay, HĐQT đã ký với ông một hợp đồng nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc trong thời gian hai năm. Và trong vòng hai năm qua, ông đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ mà HĐQT giao, cũng như xử lý những tồn đọng trong quá khứ. Thời gian hai năm cũng đã qua rồi và ông nhận thấy trong giai đoạn mới Eximbank sẽ có những mục tiêu phát triển mới. HĐQT Eximbank có thể tìm một nhân sự phù hợp với mục tiêu mới của Ngân hàng.

Như vậy đi cùng với câu chuyện biến động nhân sự, nhiều khả năng Eximbank sẽ tiến hành “thay Tổng” thời gian tới đây?

Phải đến năm 2020 Eximbank mới trở lại mặt bằng hoạt động ổn định

Về kết quả kinh doanh năm 2017, vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư của Ngân hàng đạt 117,540 tỷ đồng, tăng 14.8% so năm trước; tổng dư nợ tín dụng 101,399 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), tăng 14.6%. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2.27% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Eximbank đạt 1,018 tỷ đồng, gấp 1.7 lần kế hoạch. Với kết quả này, Eximbank đã hạch toán 483 tỷ đồng để bù đắp lỗ lũy kế của các năm trước. Do đó, lợi nhuận còn lại không nhiều (chỉ hơn 158 tỷ đồng) nên Eximbank quyết định không thực hiện chia cổ tức cho năm 2017.

Tại đại hội, vấn đề cổ tức cũng được cổ đông chất vấn Ban lãnh đạo khá nhiều với tâm trạng bức xúc và thất vọng.

Ông Lê Văn Quyết cho biết Ngân hàng rất hiểu suy nghĩ của các cổ đông rằng từ năm 2013 tới nay không được chia cổ tức. Tuy nhiên, trong đề án tái cấu trúc, phải đến năm 2020 Eximbank mới trở lại mặt bằng hoạt động ổn định. Ngân hàng sẽ phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng nợ xấu thực (bao gồm cả nợ xấu bán cho VAMC, nợ xấu nội bảng,…) về dưới 3%. Nếu đi theo phương án này, nợ xấu bán cho VAMC vào cuối năm 2018 sẽ giảm xuống 2,400 tỷ đồng và đưa về dưới 1,000 tỷ đồng vào cuối năm 2019 - khi đó chia lợi tức mới bền vững.

Hiện tại HĐQT Eximbank chưa bàn bạc về vấn đề cổ tức, nhưng nếu năm 2018 hoàn thành tốt thì Ngân hàng có thể nghĩ đến điều này và xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trước câu trả lời này của đại diện Eximbank, cổ đông cho rằng vẫn chưa rõ ràng, cụ thể. “Cổ tức năm 2018 hết sức mờ mịt”, cổ đông nói.

Kết quả thực hiện kết luận thanh tra tại Eximbank đến đâu?

Eximbank cho biết đang tập trung chỉnh sửa 3 kết luận thanh tra. Tính đến ngày 31/03/2018, Eximbank đã thực hiện chỉnh sửa được 391/418 kiến nghị (tỷ lệ hoàn thành 93.54%), còn lại 27/418 kiến nghị (tỷ lệ 6.46%) đang tích cực chỉnh sửa.

Cụ thể, với các khoản phải thu hồi liên quan đến Eximland, khoản thu nhập do bán tài sản cố định không đúng quy định đã được điều chỉnh hồi tố tại ngày 31/12/2014, dẫn đến khoản lỗ lũy kế là 835 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã được bù đắp bằng lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỳ qua các năm từ 2015 đến 2017. Đến nay, Eximbank đã xử lý hết lỗ lũy kế.

Ngoài ra, Eximbank đã thu hồi một phần từ các quỹ đã trích với tổng số tiền là 101 tỷ đồng, trong đó, quỹ dự trữ bố sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính là 91 tỷ đồng; quỹ khen thưởng phúc lợi là 10 tỷ đồng.

Về các khoản thuế, phí đã nộp liên quan đến hồ sơ Eximland, sau khi Eximbank kiến nghị xin được khấu trừ số thuế đã nộp nhưng không được Tổng Cục thuế chấp thuận, Eximbank đã hạch toán ngoại bảng để theo dõi thu hồi.

Với việc thu hồi thù lao HĐQT, BKS đã chi thừa qua các năm từ 2013 - 2015, theo kiến nghị của Thanh tra, Eximbank phải thu hồi tổng số tiền là 80.78 tỷ đồng, đến nay đã thu được 17 tỷ đồng và đang tiếp tục thực hiện việc thu hồi.

Với tiến độ triển khai dự án số 07 Lê Thị Hồng Gấm, theo tư vấn của Công ty Savills Việt Nam, Eximbank đã rà soát dự án số này và chọn phương án đầu tư Tòa tháp văn phòng 40 tầng, hình thức đầu tư là Eximbank chỉ góp vốn là giá trị đất và không góp tiền. Eximbank đã ký kết họp đồng dịch vụ để thuê Công ty Savills Việt Nam tư vấn và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án. Hiện nay đã có 16 nhà đầu tư lớn của Việt Nam và nước ngoài quan tâm đến dự án.

Eximbank thoái vốn tại Sacombank thu về gần 650 tỷ đồng

Vào đầu năm 2017, Eximbank sở hữu hơn 165 triệu cổ phiếu tại Sacombank, chiếm 8.76% vốn điều lệ. Theo Báo cáo của Ban kiểm soát trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, tính đến ngày 31/12/2017, Eximbank còn sở hữu hơn 12 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, tương đương 0.637% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, đến 31/01/2018, Eximbank đã thoái toàn bộ vốn tại Sacombank.

Đại diện Ban kiểm soát Eximbank cho biết, Ngân hàng đã tiến hành thoái vốn đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB từ 29/11/2017 - 19/1/2018 theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Giá bán bình quân là 14,064 đồng/cổ phiếu, giá cao nhất là 15,600 đồng/cổ phiếu và giá thấp nhất là 12,300 đồng/cổ phiếu.

Thu nhập từ thoái vốn đối với khoản đầu tư này đóng góp vào lợi nhuận kinh doanh của Eximbank là gần 648 tỷ đồng, trong đó năm 2017 ghi nhận hơn 126 tỷ đồng vào lãi thuần và quý 1/2018 ghi nhận hơn 521 tỷ.

Được biết, Eximbank bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu Sacombank hồi cuối năm 2012. Cùng khoảng thời gian này, đại diện vốn của Eximbank tại Sacombank là ông Phạm Hữu Phú được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank thay cho ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Sacombank lúc bấy giờ. Ông Phạm Hữu Phú ngồi “ghế nóng” Sacombank được 2 năm rồi quay về làm Tổng Giám đốc Eximbank và rời Eximbank vào năm 2016.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2018 đạt 1,600 tỷ đồng có thấp hay không?

Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 19% lên mức 178,000 tỷ đồng; huy động vốn 148,000 tỷ đồng, tăng 26%; dự nợ cấp tín dụng ở mức 113,560 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế là 1,600 tỷ đồng, tăng 57% so năm 2017. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 12%, trong điều kiện thuận lợi thì Eximbank sẽ xin phép điều chỉnh tăng lên. Eximbank cho biết sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược để triển khai dự án số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM.

* Thảo luận

Lợi nhuận quý 1/2018 của Ngân hàng?

Kết quả hoạt động quý 1/2018, Eximbank đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Lợi nhuận trước dự phòng của Ngân hàng trong quý 1 đạt 721 tỷ đồng, trong đó trích dự phòng rủi ro 152 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận còn lại khoảng 560 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 có quá thấp vì quý 1 đã thu về gần 650 tỷ đồng từ thoái vốn Sacombank?

Kế hoạch đưa ra với lợi nhuận trước thuế đạt 1,600 tỷ đồng trong năm 2018 là một kế hoạch khá cao và cần sự nỗ lực toàn hệ thống.

Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Eximbank là 1,018 tỷ đồng, trong đó có 121 tỷ đồng từ thoái vốn Sacombank và thu hồi nợ không có đảm bảo là 230 tỷ đồng. Sau khi trừ đi hai khoản này, thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính khoảng 650 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 1,600 tỷ, trong đó có hơn 650 tỷ thoái vốn Sacombank. Lợi nhuận còn lại sau khi trừ ra lợi nhuận từ thoái vốn thì tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017.

Ban điều hành Eximbank làm gì để đưa Ngân hàng về Top 10?

Eximbank từng giữ vị trí thứ 5, 6 trong hệ thống ngân hàng và xuống vị trí thấp nhất là 15 trong 2015-2016. Năm 2017, Eximbank nâng được hai bậc lên vị trí thứ 13.

Ban lãnh đạo Eximbank đang triển khai chiến lược New Eximbank trong tầm nhìn đến năm 2020, tập trung xử lý tồn đọng đưa về Eximbank về chuẩn của một ngân hàng bình thường, cải thiện thị phần vào top 10 cho đến năm 2020.

Dự kiến đến năm 2020, nếu tăng trưởng tổng tài sản trung bình của Ngân hàng đạt 24-25% thì hoàn toàn có thể nằm trong top 10 và thậm chí cao hơn. Đây là mục tiêu khó khăn và tham vọng, tuy nhiên có thể đạt được.

* Vẫn còn nhiều vấn đề tại Eximbank, không chia cổ tức 2017

Thu Phong

FilI

Các tin tức khác

>   Đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM dịp lễ 30/4 và 1/5 (26/04/2018)

>   400 tài khoản Agribank bị hack, nhiều người mất tiền trong đêm (26/04/2018)

>   Đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5,000 tỷ đồng, NamABank dự định lên UPCoM trong 2018 (26/04/2018)

>   Ngân hàng đồng loạt tăng vốn “khủng” (26/04/2018)

>   VKS Cấp cao đề nghị bác tất cả kháng cáo của ông Hà Văn Thắm (26/04/2018)

>   Nhìn từ “trường hợp hiếm có” tại VietinBank (26/04/2018)

>   Mua bán hàng online có thể phải thanh toán qua ngân hàng (25/04/2018)

>   Vì sao Eximbank đề nghị hoãn phiên tòa vụ mất 50 tỷ tiết kiệm tại chi nhánh Nghệ An? (25/04/2018)

>   Bán hớ cổ phiếu ngân hàng? (26/04/2018)

>   Việt Nam thuộc top nhận kiều hối lớn nhất thế giới (24/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật