Bán hớ cổ phiếu ngân hàng?
Nếu so với mức giá mà các tổ chức đã thoái vốn các ngân hàng trong vài tháng trước đây, thì giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng trên thị trường đã tăng mạnh gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn. Phải chăng các tổ chức trong nước lẫn nước ngoài đã bán hớ, hay định giá của các ngân hàng đã tăng quá nhanh trước triển vọng kinh doanh tăng trưởng cao trở lại?
Bán hớ?
Hôm 13/4, Ngân hàng Techcombank vừa khởi động đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với giá dự kiến 120,000 - 128,000 đồng/cp. Dù giá chào bán ở mức cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay, Techcombank vẫn thu hút khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tham gia, từ Quỹ Warburg Pincus của Mỹ đã đồng ý đầu tư hơn 370 triệu USD hồi tháng 3 năm nay, cho đến gần đây là Công ty Quản lý quỹ của Chính phủ Singapore (GIC) cũng sẵn sàng trở thành nhà đầu tư chủ chốt khi đang tiến hành đàm phán để mua gần 100 triệu USD, trong khi Dragon Capital cũng đang đàm phán tham gia để trở thành nhà đầu tư của Techcombank.
Hiện tại giá giao dịch trên sàn OTC của Techcombank cũng đang quanh mức 115,000 đồng/cp. Nếu so với mức giá chưa tới 24,000 đồng mà HSBC thoái vốn tại Techcombank cách đây nửa năm, thì giá trị của Techcombank đã tăng gấp 5 lần chỉ trong thời gian ngắn và HSBC dường như đã bán hớ khi chọn không đúng thời điểm để thoái vốn.
Cũng vào cuối năm ngoái, BNP Paribas đã thoái sạch hơn 74.7 triệu cổ phần tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), thời điểm này giá cổ phiếu của OCB cũng chỉ xoay quanh 13,000 đồng/cp, gần với mức giá mà Vietcombank đã thoái vốn tại OCB lần đầu vào ngày 29/12/2017. Gần đây hơn vào hôm 17/4, Vietcombank tiếp tục thoái 6.67 triệu cổ phần còn lại với giá 13,000 đồng/cp, tuy nhiên giá thoái thành công cao gấp đôi lên đến 25,700 đồng/cp. Hiện tại giá trên sàn OTC của OCB cũng đang giao dịch ở mức 27,000 đồng/cp, như vậy có thể thấy đợt thoái vốn vào cuối năm ngoái của cả BNP Paribas lẫn Vietcombank đã bị thất thu đáng kể.
Không chỉ ngân hàng ngoại, mà các nhà đầu tư tổ chức trong nước gần đây dường như cũng đã bán hớ khi thoái vốn các ngân hàng trong nước. Hồi tháng 2 năm nay, Mobifone đã thoái 33.42 triệu cổ phiếu SeABank với giá 9,978 đồng/cp, trong khi hiện tại trên sàn OTC giá của ngân hàng này đang giao dịch từ 17,000 - 18,000, tức gấp đôi so với mức giá Mobifone thoái cách đây 2 tháng.
Mobifone cũng có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại TPBank vào đầu năm nay, tuy nhiên “may mắn” với Mobifone là việc thoái vốn sau đó đã bị hủy để làm rõ thông tin về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TPBank và được hoãn lại chờ làm thủ tục theo kế hoạch lên sàn chứng khoán của ngân hàng này. Và hôm 19/4, cổ phiếu của TPBank (TPB) đã chính thức lên sàn HOSE với giá đóng cửa trong phiên giao dịch đầu tiên ở mức 32,500 đồng/cp. Nếu so với những ngân hàng lớn đã lên sàn lâu đời như Sacombank, Eximbank hay Quân đội thì TPB đã chào sàn khá thành công. Và nhờ chưa kịp thoái vốn nên Mobifone có khả năng sẽ bán được giá hơn nhiều so với mức giá định chào bán hồi đầu năm nay.
Vì sao định giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh?
Theo diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán nói chung và nhóm ngành ngân hàng nói riêng, định giá của cổ phiếu các ngân hàng niêm yết lẫn chưa niêm yết đã tăng rất mạnh kể từ đầu năm đến nay. Ngành ngân hàng cũng trở nên hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài trở lại, với hàng loạt thương vụ mua vào của các quỹ vừa qua cũng như hứa hẹn trong giai đoạn sắp tới, càng đẩy giá cổ phiếu của các ngân hàng tăng mạnh.
Các công ty chứng khoán, nhà đầu tư tổ chức cũng liên tiếp nâng định giá của các ngân hàng, dựa trên bối cảnh kinh tế vĩ mô tích cực và kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã khởi sắc trở lại. Cần biết rằng với kết quả lợi nhuận năm 2017 tăng trưởng mạnh mẽ, từ đó đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân lên cao hơn dẫn đến dự báo tăng trưởng cho những năm sau càng lên cao trong các mô hình định giá, do đó định giá của các ngân hàng cũng tăng mạnh là điều tất yếu.
Đáng lưu ý là trong cơ cấu thu nhập giai đoạn gần đây của các ngân hàng, thì tỷ trọng thu nhập ngoài lãi ngày càng cao hơn, nhờ vào việc thoái vốn các khoản mục đầu tư thành công khi tận dụng diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, thu nhập từ hoạt động xử lý, thu hồi nợ tích cực hơn, cũng như lãi từ hoạt động chứng khoán đầu tư tăng mạnh trong bối cảnh lợi suất trên thị trường trái phiếu liên tiếp giảm xuống mức thấp trong thời gian qua.
Ngoài ra, với việc định giá theo mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF), trong đó chi phí vốn bình quân được tính toán dựa trên một phần là lãi suất phi rủi ro hiện đang lấy theo lãi suất trái phiếu Chính phủ, thì rõ ràng trong bối cảnh lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ liên tiếp giảm về mức thấp kỷ lục trong những tháng đầu năm nay đã giúp đẩy giá trị của các ngân hàng tăng lên là điều có thể hiểu được.
Tuy nhiên, vấn đề là mức lợi suất thấp trên thị trường trái phiếu Chính phủ như trên khó có thể duy trì được trong dài hạn, ngoài ra những khoản thu nhập bất thường từ xử lý nợ hay thoái vốn như thời gian qua cũng khó có thể tiếp tục ở mức cao, trong khi lãi từ hoạt động chứng khoán đầu tư cũng sẽ giảm đi khi lãi suất thị trường đi lên trở lại, khi đó định giá cổ phiếu của các ngân hàng khó có thể tiếp tục nhận được những yếu tố cơ sở đầu vào thuận lợi như hiện nay.
Ngoài ra, với chính sách nới lỏng tiền tệ đang tiến dần đến điểm tới hạn, NHNN trong năm nay cũng không chịu nhiều áp lực điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, thì dự báo hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ bị kiểm soát theo mục tiêu đã đề ra, trong khi những lĩnh vực mang lại biên lợi nhuận cao như cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng cũng đang bị hạn chế và thắt chặt, điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của các ngân hàng.
Thực tế trong những ngày gần đây cũng đã xuất hiện liên tiếp những cảnh báo về việc định giá của các ngân hàng đã tăng quá cao và thị trường nói chung lẫn giá cổ phiếu của các ngân hàng nói riêng đã điều chỉnh giảm mạnh trở lại trong những phiên giao dịch gần đây.
Tuy nhiên, vấn đề là mức lợi suất thấp trên thị trường trái phiếu Chính phủ như trên khó có thể duy trì được trong dài hạn, ngoài ra những khoản thu nhập bất thường từ xử lý nợ hay thoái vốn như thời gian qua cũng khó có thể tiếp tục ở mức cao, trong khi lãi từ hoạt động chứng khoán đầu tư cũng sẽ giảm đi khi lãi suất thị trường đi lên trở lại, khi đó định giá cổ phiếu của các ngân hàng khó có thể tiếp tục nhận được những yếu tố cơ sở đầu vào thuận lợi như hiện nay.
|
Phan Thụy
FILI
|