TPBank lần đầu trả cổ tức sau 6 năm tái cơ cấu, dự kiến tăng vốn lên hơn 8,500 tỷ đồng
Năm 2018 có thể coi là một năm với nhiều mục tiêu lớn của TPBank. Đầu tiên là hoàn tất việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào ngày 19/04 vừa qua. Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng lợi nhuận hơn 82% lên 2,200 tỷ đồng và tăng vốn 46% lên hơn 8,500 tỷ đồng trong năm 2018.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) vừa công bố nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 với tỷ lệ thông qua cao ở hầu hết các kết quả đạt được trong năm 2017; cũng như những định hướng hoạt động, kế hoạch kinh doanh đặt ra cho năm 2018.
Năm 2017, TPBank ghi nhận sự tăng trưởng khả quan trong nhiều chỉ tiêu tài chính. Huy động thị trường 1 tại thời điểm cuối năm 2017 tăng gần 34%, cho vay thị trường 1 tăng 35%. Nợ xấu 1.08%, tuy nhiên theo Ban lãnh đạo Ngân hàng thì thực chất tỷ lệ nợ xấu chỉ đạt 0.86%, còn lại là nợ xấu kéo theo do phân loại lại theo nhóm nợ cao nhất của khách hàng tại ngân hàng khác. Số lượng khách hàng mở mới trong năm của TPBank là 197,755 khách, đạt trên 1.7 triệu khách hàng.
Bảng xu hướng huy động, dư nợ thị trường 2 và số lượng khách hàng qua các năm
Kết thúc năm 2017, tổng tài sản đạt trên 124 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng 17% nhưng lợi nhuận đã tăng hơn 70% so với năm 2016 và vượt gần 55% kế hoạch đề ra, đạt trên 1,200 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này đã giúp TPBank tích lũy thêm đáng kể nguồn lợi nhuận chưa phân phối, qua đó Ngân hàng công bố tỷ lệ chia cổ tức khá cao so với mặt bằng chung các nhà băng trong hệ thống. Đây cũng là lần đầu tiên ngân hàng này chi trả cổ tức trở lại sau 6 năm tái cơ cấu.
Cụ thể, căn cứ trên phương án phát hành đã được phê duyệt và phương án phân phối lợi nhuận 2017, các cổ đông của TPBank đã đồng ý phương án tăng vốn năm 2018 mà HĐQT Ngân hàng đưa ra thông qua phát hành thêm gần 185 triệu cp, tương đương tỷ lệ phát hành 28.37%. Trong đó, chi cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận để lại 8.37% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20%.
Nguồn phát hành cổ phiếu thưởng này lấy từ thặng dư từ đợt phát hành 15%. Được biết, đầu tháng 12/2017, ĐHĐCĐ của TPBank đã thông qua phương án tăng 15% vốn điều lệ lên 6,426 tỷ đồng. Hiện tại, phương án này đang được trình cơ quan quản lý để thực hiện tăng vốn trong nửa đầu năm 2018.
Vốn điều lệ sau khi thực hiện kế hoạch tăng vốn 2018 nêu trên dự kiến tăng 46% lên gần 8,567 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo TPBank cho biết, nhu cầu bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của TPBank thông qua việc tăng vốn điều lệ là một yêu cầu cấp thiết. Việc tăng vốn sẽ đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, an toàn hoạt động của TPBank theo yêu cầu của NHNN, đồng thời giúp đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động kinh doanh của TPBank trong thời gian tới.
Nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh năm 2018 của TPBank bao gồm: tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ tăng trưởng tín dụng, dự phòng nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh doanh khác, đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu phát triển của Hội sở và mạng lưới chi nhánh.
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn, TPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cao gần gấp đôi so với thực hiện năm 2017, đạt 2,200 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 11% lên gần 140,000 tỷ đồng. Dự kiến huy động từ khách hàng đến cuối năm 2018 là 96,447 tỷ đồng và dư nợ cho khách hàng dự kiến trình NHNN cho phép là 85,555 tỷ đồng. Dài hơi hơn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 5 năm tới ước đạt 32%, cán mốc 5,060 tỷ đồng vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến giai đoạn này đạt khoảng 20%.
Theo báo cáo mới nhất, tính đến hết tháng 3/2018, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt hơn 513 tỷ đồng, cao gấp 2.4 lần so với cùng kỳ; tổng huy động đạt trên 110 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0.95%.
Kế hoạch kinh doanh năm 2018
Chọn “ghế nóng” TPBank, ông Đỗ Minh Phú sẽ thôi vị trí Chủ tịch DOJI ngay sau đại hội
Tại đại hội vừa qua của TPBank, các cổ đông cũng đã thông qua danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2018-2023) gồm 8 người, bao gồm: ông Đỗ Minh Phú, ông Lê Quang Tiến, Đỗ Anh Tú, ông Phạm Công Tứ, ông Shuzo Shikata, ông Eiichiro So, bà Nguyễn Thu Hà và bà Đỗ Thị Nhung (thành viên HĐQT độc lập).
Trong đó, ông Đỗ Minh Phú tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Quang Tiến, ông Đỗ Anh Tú và ông Shuzo Shikata giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, ông Phú đã quyết định thôi vị trí Chủ tịch tại DOJI. Theo kế hoạch, ông sẽ không còn làm Chủ tịch DOJI sau đại hội ngày 22/04/2018 của TPBank.
Thu Phong
FILI
|