ĐHĐCĐ NCB: Đang đàm phán với đối tác chiến lược, sẽ tăng vốn lên 5,000 tỷ đồng
Ban lãnh đạo Ngân hàng kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ vượt qua mệnh giá để thuận lợi cho việc phát hành.
Ngân hàng Quốc Dân (NCB) vừa tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 vào ngày 26/04 với hai trọng tâm chính là phương án tăng vốn vốn điều lệ và phát hành cho cổ đông chiến lược.
ĐHĐCĐ thường niên 2018 của NCB diễn ra ngày 26/04 tại Hà Nội
|
Với mức vốn điều lệ đạt 3,010 tỷ đồng tính tới cuối năm 2017, tương đương quy định tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước, HĐQT NCB đã trình và được thông qua việc tăng vốn thêm gần 2,000 tỷ đồng trong năm 2018.
Theo đó, nhà băng này dự kiến phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với quy mô 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành (tương đương gần 15 triệu cổ phiếu) và phát hành cho cổ đông hiện hữu với quy mô 184 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 100:62). Mức giá phát hành dự kiến là 10,000 đồng/cp, tương đương mệnh giá cổ phần.
Sau khi tăng vốn, NCB dự kiến sẽ đàm phán để bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Quy mô của đợt chào bán chưa được tiết lộ, tuy nhiên theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT, Ban lãnh đạo nhà băng này sẽ cân nhắc việc bán cho một số nhà đầu tư. “NCB có thể chào bán cho 2 đến 3 nhà đầu tư với sở hữu tối đa 10% mỗi nhà đầu tư, hoặc có thể bán cho một nhà đầu tư với sở hữu 20%. Việc đàm phán vẫn đang trong quá trình thực hiện và NCB sẽ công bố khi được thông qua”, Chủ tịch NCB chia sẻ.
Theo Tổng giám đốc Lê Hồng Phương, cũng đã có một số định chế tài chính thể hiện sự quan tâm và tìm hiểu hoạt động của NCB. Ngân hàng này cũng đang làm việc với một đơn vị tư vấn từ Mỹ để xúc tiến việc thực hiện. Tuy nhiên thông tin chi tiết vẫn chưa thể công bố do nhà băng này hiện vẫn đang xin ý kiến chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước.
Trước lo ngại của cổ đông về vấn đề thị giá cổ phiếu trên thị trường chỉ hơn 9,000 đồng/cp, Ban lãnh đạo nhà băng này kỳ vọng đến thời điểm phát hành, giá cổ phiếu NCB trên thị trường sẽ vượt mệnh giá và việc phát hành sẽ hấp dẫn với nhà đầu tư. "Khi tình hình hoạt động trở nên tích cực và việc đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được thông qua, ngân hàng này sẽ thu hút được sự quan tâm”, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên HĐQT độc lập đánh giá.
Ngoài vấn đề tăng vốn, ĐHĐCĐ NCB vừa tổ chức cũng thông qua việc bầu bổ sung một nhân sự vào HĐQT và một nhân sự vào BKS nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Theo đó, ông Lê Hồng Phương đã trở thành thành viên HĐQT thứ 8 của NCB, còn bà Trần Thị Hà Giang được bầu bổ sung vào BKS sau khi Trưởng BKS Dương Thị Lệ Hà có đơn xin từ nhiệm. Ông Phương được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc NCB từ cuối tháng 10/2017, trước đó ông là Phó trưởng ban Chiến lược và Phát triển Ngân hàng.
Phát biểu tại Đại hội, ông Trần Quốc Hùng – Phó cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội cho biết: “Tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của NCB trong việc chú trọng hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, tuân thủ chính sách của NHNN, phát huy thế mạnh về văn hóa doanh nghiệp, đào tạo phát triển nhân sự, định hướng phát triển ngân hàng số... Sự nỗ lực này đã mang lại kết quả kinh doanh tích cực cho ngân hàng trong năm qua. Đó là một tín hiệu mừng. Đặc biệt, với sự có mặt của đại diện nhóm đối tác nước ngoài đang quan tâm đến NCB trong đại hội ngày hôm nay, điều này chứng tỏ sức hấp dẫn lớn của Ngân hàng với các đối tác. Từ đó, tôi tin tưởng về một sự phát triển mạnh mẽ của NCB trong thời gian tới và cho rằng NCB cần thúc đẩy việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược, để mang lại kết quả tốt đẹp, gia tăng giá trị không chỉ cho Ngân hàng Quốc Dân mà còn cho cổ đông, đối tác, khách hàng và đóng góp cho nền kinh tế.”
Về kế hoạch 2018, NCB dự kiến đạt 327 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và 35 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2017. Theo ban lãnh đạo NCB, nhà băng này sẽ ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro để xử lý dứt điểm các tồn đọng. Năm 2017, toàn bộ lợi nhuận sau thuế của NCB cũng được dùng để trích bổ sung chi phí theo đề án tái cơ cấu.
Nhã Tâm
FILI
|