Thứ Năm, 31/05/2018 15:29

Bộ trưởng Tài chính Latvia: Khủng hoảng của Italy sẽ là “quá nhiều” để châu Âu xử lý

Bất ổn chính trị của Italy có thể tác động tới châu Âu còn nặng nề hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp và cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Đây là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Latvia.

Một tuần đầy xáo trộn về chính trị ở Italy đã dẫn tới việc đánh giá lại các tài sản ở nước này và làm dấy lên nỗi lo sợ về khả năng lây lan ra toàn châu Âu.

Tại cuộc thảo luận ở Paris hôm thứ Tư (30/05), khi được hỏi liệu diễn biến thị trường gần đây có tác thể tác động tới tăng trưởng hay không, Bộ trưởng Tài chính Latvia –Dana Reizniece-Ozola – tỏ ra rất dứt khoát: “Chắc chắn rồi”.

Bà cho hay: “Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy sự kiện Brexit đã tác động như thế nào tới Liên minh châu Âu (EU) nói chung, và nếu Italy không thể tạo lập một Chính phủ vẫn giữ được quan điểm ủng hộ châu Âu, vẫn muốn cải cách và vực dậy nền kinh tế thì điều này có thể tác động tới cả châu Âu còn mạnh hơn cả Brexit nữa”.

Tình hình tài chính của Italy đang là một mối lo ngại lớn đối với khối 28 thành viên EU. Tăng trưởng kinh tế thì ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp thì cao (11%) và nợ công thì bằng 132% GDP, cao hơn nhiều so với mức 87% của Eurozone. Italy hiện là quốc gia mắc nợ nhiều thứ 5 trên thế giới và nợ nhiều thứ 2 ở châu Âu (chỉ sau Hy Lạp).

Phát biểu tại cuộc thảo luận của Tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh tế (OECD), bà Reizniece-Ozola cho biết: “Chúng tôi có thể xử lý rắc rối của Hy Lạp, chúng tôi có thể và sẽ giải quyết Brexit… Nhưng theo tôi, Italy sẽ là quá nhiều để giải quyết”.

“Quá nhiều” để giải quyết

Hoảng loạn của thị trường trong ngày thứ Ba (29/05) đã làm gia tăng nỗi lo sợ rằng cuộc suy thoái tài chính có thể lây lan ra phần còn lại của khu vực 19 thành viên Eurozone, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế châu Âu và thậm chí buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thay đổi lộ trình nâng lãi suất. Trong ngày thứ Ba (29/05), lợi suất trái phiếu Italy nhảy vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm và tất cả chỉ số chính đều lao dốc, bao gồm cả Dow Jones và S&P 500. Chưa hết, đồng Euro còn rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng.

Bất ổn tiếp tục làm chao đảo cả thị trường trong ngày thứ Tư (30/05), mặc dù cổ phiếu và trái phiếu Italy đã hồi phục trở lại sau khi xuất hiện thông tin đảng dân túy Phong trào Năm sao của Italy đã thực hiện nỗ lực mới để thành lập một Chính phủ liên minh, qua đó giảm bớt khả năng xảy ra một cuộc bầu cử sớm (snap election).

Dù vậy, nỗi lo sợ về khả năng lây lan ra cả khu vực châu Âu lại ngày càng gia tăng. Khả năng lây lan ở đây ám chỉ tới sự lan truyền những rối loạn thị trường từ một khu vực sang các khu vực khác và thường đi liền với một cuộc khủng hoảng tài chính. Sự lan truyền của cuộc khủng hoảng tài chính và nợ Italy sang các quốc gia khác có thể làm tê liệt khả năng trả nợ của Chính phủ mà không có sự trợ giúp của bên thứ ba.

Ví dụ gần đây nhất là Hy Lạp, cuộc khủng hoảng nợ của nước này trong vài năm trước đã mang sự hỗn loạn vào châu Âu và vẫn còn là một vấn đề đáng lo đối với cả châu Âu cho tới thời điểm này.

Latvia đã chấp nhận sử dụng đồng tiền chung châu Âu trong năm 2014. Trong năm 2017, nước này tăng trưởng mạnh 4.5% nhờ các quỹ EU như Quỹ Xã hội châu Âu (ESF), Quỹ Phát triển Khu vực châu Âu (ERDF) và Quỹ Gắn kết (CF).

Mặc dù sự hoảng loạn thị trường có thể minh chứng cho quan điểm của bà Reizniece-Ozola, nhưng nhiều chuyên gia phân tích nhận thấy xác suất lây lan khủng hoảng là khá nhỏ và xác suất Italy rời khỏi Eurozone còn thấp hơn. Tuần này, Olivier Blanchard, từng là Chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết ông tin châu Âu sẽ vẫn ổn, nhưng lại tỏ ra rất lo ngại về Italy.

Quan điểm chống Euro đang chiếm ưu thế

Một số nhà phân tích chính trị tin rằng sự bế tắc hiện nay có thể củng cố thêm sự ủng hộ của cử tri Italy đối với hai đảng trên, khiến tương lai của Italy với tư cách là một thành viên của EU và một nước sử dụng đồng tiền chung càng trở nên bấp bênh hơn.

"Italy sẽ rơi vào một cuộc tranh cãi mệt mỏi, kéo dài, mà đặc điểm chính sẽ là quan điểm hoài nghi về các chính đảng truyền thống và về đồng Euro ngày càng lớn", nhà phân tích chính trị Wolfango Piccola nói với hãng thông tấn AP.

Cho dù các chính đảng dân túy không kêu gọi Italy rút khỏi Eurozone, thì sức mạnh của các đảng này cũng làm gia tăng sự chia rẽ chính trị giữa Rome với các quan chức EU.

Tương tự như cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, bất ổn chính trị ở Italy hiện nay cũng khoét sâu thêm vết rạn nứt chính trị giữa Đức và những nền kinh tế gặp trục trặc trong Eurozone là Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha. Sự chia rẽ này được cho là sẽ gây trở ngại cho những nỗ lực nhằm giải quyết khối nợ khổng lồ của Italy.

Hôm thứ Ba, các quan chức EU hứa sẽ tôn trọng quyền của cử tri Italy về lựa chọn chính phủ của mình, sau khi cao ủy viên của Đức tại EU nói người Italy không nên bỏ phiếu cho các đảng dân túy.

"Nỗi lo của tôi, dự báo của tôi, là vài tuần tới đây sẽ cho thấy rằng các thị trường, trái phiếu chính phủ, nền kinh tế Italy có thể chịu ảnh hưởng mạnh đến nỗi gửi đi một tín hiệu tới các cử tri rằng họ không nên bỏ phiếu cho các chính trị gia dân túy, dù ở phe tả hay phe hữu", cao ủy viên Guenther Oettinger của Đức, người đứng đầu ủy ban ngân sách của EU, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình Đức.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Italy có thể là Hy Lạp tiếp theo, chỉ có điều tệ hơn (31/05/2018)

>   CNBC: Chính quyền Donald Trump chuẩn bị áp thuế nhập khẩu thép và nhôm lên EU (31/05/2018)

>   Indonesia “như ngồi trên lửa” vì đồng Rupiah rớt giá (30/05/2018)

>   Trung Quốc cấp phép cho hàng chục nhãn hàng của con gái ông Trump (30/05/2018)

>   Những thành phố trả lương cao nhất thế giới (30/05/2018)

>   Vì sao thị trường lại sợ khủng hoảng chính trị ở Italy đến thế? (30/05/2018)

>   Nhà Trắng sẽ tiến hành các biện pháp thương mại cứng rắn với Trung Quốc? (29/05/2018)

>   Qatar cấm bán sản phẩm của Ả Rập Xê Út (29/05/2018)

>   Coca Cola chính thức bán đồ uống có cồn (28/05/2018)

>   3 hãng công nghệ lớn Trung Quốc cùng rót vốn cho công ty con Foxconn (28/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật