Vì sao thị trường lại sợ khủng hoảng chính trị ở Italy đến thế?
Bất ổn chính trị ở Italy đã làm chao đảo cả thị trường thế giới, đồng thời gia tăng xác suất xảy ra khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau đó có thể lan rộng ra cả nền kinh tế thế giới và thậm chí buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thay đổi kế hoạch nâng lãi suất theo hướng chậm hơn.
Carlo Cottarelli (ở trung tâm), từng là quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
|
Một vài chiến lược gia cho biết vẫn có khả năng Italy – nền kinh tế lớn thứ 3 ở Eurozone – sẽ rời khỏi khu vực đồng tiền chung, qua đó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng trên diện rộng ở châu lục này. Tuy nhiên những xáo trộn bên trong và một cuộc bầu cử mới tại Italy có thể khiến thị trường lao đao trong cả mùa hè năm nay và thậm chí còn gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế châu Âu.
Italy nhanh chóng trở thành nguồn hứng chịu sự giận dữ mới nhất của thị trường, sau khi Tổng thống Italy Sergio Mattarella ngăn chặn việc thành lập một chính quyền chống lại đồng Euro trong ngày Chủ nhật (27/05).
Đồng Euro giảm 0.7% xuống 1.154 USD trong ngày thứ Ba (29/05) và nhà đầu tư bán tháo trái phiếu Italy để tìm kiềm kênh trú ẩn an toàn, như trái phiếu Chính phủ Mỹ và Đức. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Italy tích tắc vượt ngưỡng 2.73%, tăng quá nhanh từ mức 0.48% hôm thứ Sáu (25/05) và lợi suất âm trước đó trong tháng này.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu cũng lao dốc, trong đó chỉ số Dow Jones sụt gần 400 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà bán tháo và lĩnh vực tài chính thuộc S&P 500 tụt hơn 3%. Ở châu Âu, lợi suất trên nợ ngân hàng Italy nhảy vọt khi cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo.
* Thị trường toàn cầu lao đao vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy
* Sụt gần 400 điểm, Dow Jones giảm mạnh nhất trong 1 tháng
Chris Rupkey, Trưởng Bộ phận Kinh tế tài chính tại MUFG Union Bank, cho biết, một loạt dữ liệu gần đây đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế châu Âu. “Đây có thể là ‘cọng rơm làm gãy lưng con lạc đà’ trong trường hợp triển vọng của châu Âu. Nó sẽ lan sang Mỹ”, ông Rupkey cho hay.
“Khi tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa trong 3 năm vừa qua, nó chỉ là một mối lo ngại. Nó làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Mỹ”, ông nói rõ. “Xét tới những gì chúng tôi biết tại thời điểm này, tôi sẽ không thoải mái tháo chạy và dự báo một đợt nâng lãi suất vào tháng 9/2018”.
Tuy nhiên, ông Rupkey cũng nói rằng thị trường đang phản ứng với thông tin đã diễn ra trong giai đoạn 3 ngày nghỉ ở Mỹ và có thể không quá biến động trong vài phiên tới. “Đây vẫn chưa phải là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hoàn toàn. Lý do là lợi suất trái phiếu Chính phủ Italy kỳ hạn 10 năm chỉ mới hơn 3% một chút. Trong năm 2012, nó ở mức 8%. Đây chưa phải là tình huống tương tự lúc đó”.
“Tôi chắc là nhiều trader Mỹ muốn châu Âu (nói chung) ngừng những cuộc trưng cầu dân ý nhỏ về việc đồng Euro có tồn tại hay không”, ông Rupkey cho hay. “Nó sẽ trải dài ra. Tôi không nghĩ chúng ta có thể giao dịch dựa trên điều này mỗi ngày. Tôi không nghĩ lợi suất trái phiếu Italy kỳ hạn 10 năm cứ tăng ngày qua ngày, chờ đợi cuộc bỏ phiếu đó. Trọng tâm sẽ nhanh chóng trở về phía Mỹ – nơi sắp công bố dữ liệu việc làm và tiền lương trong ngày thứ Sáu (25/05)”.
Đối với một số trader, cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy tạo cảm giác quen thuộc đến lạ kỳ với cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp – vốn giảm từ 3 năm trước sau khi làm dấy lên nỗi lo sợ rằng khối kinh tế và tài chính của Eurozone có thể tan vỡ.
“Hỗn loạn ở châu Âu đang làm lãi suất Mỹ giảm xuống, vì vậy dòng tiền chảy sang Mỹ và rời khỏi châu Âu. Điều này khiến người ta nghĩ rằng lãi suất thị trường ngày càng giảm cùng với đà tăng của đồng USD, thì Fed chắc sẽ có suy nghĩ lại về lộ trình chính sách tiền tệ”, Marc Chandler, Trưởng Bộ phận Chiến lược ngoại hối tại Brown Brothers Harriman, cho hay. “Ngoài ra, đây cũng là một rủi ro đến nền kinh tế thực vì đây là đối tác thương mại lớn của châu Âu”.
Khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn, Fed nhiều khả năng nâng lãi suất lần thứ 2 tại cuộc họp tháng 6 tới. Fed đã dự báo 3 đợt nâng lãi suất trong năm nay, nhưng thị trường đang kỳ vọng có thêm một đợt nâng lãi suất vào tháng 9/2018, bên cạnh đợt nâng vào tháng 12/2018.
“Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 6/2018, tháng 9/2018 và sau đó họ sẽ lắng nghe thị trường để quyết định”, Peter Boockvar, CIO tại Bleakley Advisory Group, cho hay.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm – tài sản nhạy cảm nhất với các đợt nâng lãi suất của Fed – giảm xuống 2.38%, sau khi chạm mức 2.6% trong thời gian gần đây. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.12% xuống còn 2.82%.
Ông Chandler không hy vọng Chính phủ mới của Italy sẽ thúc đẩy việc thoát khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Italy là quốc gia nợ nhiều nhất trong Eurozone với khoản nợ 2.3 ngàn tỷ Euro (tương đương với 132% GDP của năm 2017). Con số này cao gấp đôi so với Đức và trên mức 87% của Eurozone.
“Chiến thuật của họ sẽ là tạo một số yếu cầu như: ‘Hãy cắt giảm thuế. Hãy sử dụng trái phiếu Chính phủ để trả bớt nợ… Hãy tiếp tục thách thức EU”, ông Chandler cho hay.
Ông nói thêm Chính phủ liên minh kế tiếp có thể đưa ra một danh sách đề xuất để thách thức những quy tắc hiện tại của EU.
Tuy nhiên, khả năng Italy rời Eurozone là rất thấp hoặc bằng 0, ông Chandler nhấn mạnh.
Tây Ban Nha là mối lo ngại khác cho thị trường. Tây Ban Nha có thể buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử mới
“Kết quả ở Italy khó mà được xem là kết quả thuận lợi cho việc đầu tư. Xác suất Tây Ban Nha có kết quả thuận lợi cho nhà đầu tư là cao hơn nhiều so với Italy. Tây Ban Nha đang trong tình thế khó khăn, nhưng Italy còn khó khăn hơn nhiều”, ông cho hay.
Ông Chandler nhận định một kết quả khả thi trong cuộc bầu cử tiếp theo là Silvio Berlusconi – cựu Thủ tướng Italy – có thể tranh cử một lần nữa.
Ngoài ra, một điều vẫn còn chưa rõ là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đối phó như thế nào trước tình trạng rối rắm từ Italy, và một số chiến lược gia cho rằng Chủ tịch ECB, Mario Draghi, chắc sẽ tiếp tục các biện pháp kích thích nếu cần thiết. ECB dự định tuyên bố trong tháng 9/2018 rằng họ sẽ từ bỏ chương trình mua tài sản. Thế nhưng, nếu “mối tai ương” của Italy lan rộng ra cả châu Âu thì điều này còn chưa chắc xảy ra.
“Ông ấy (Chủ tịch ECB) hoàn toàn đánh mất quyền kiểm soát thị trường trái phiếu Italy chỉ trong 2 tuần”, ông Boockvar cho hay. “Tôi nghĩ ông ấy sẽ cố gắng hết sức để xoa dịu nỗi lo bằng tiếng nói của mình. Nhưng xét về việc sử dụng bảng cân đối kế toàn của mình để giúp đỡ nền kinh tế một cách hợp pháp thì tôi không nhận thấy ông ấy có thể làm gì được”.
Tuy nhiên, một số chuyên viên giao dịch (trader) dường như nhận thấy tình huống ở Italy đã đủ sức ảnh hưởng đến Fed, nhất là khi sự kiện Brexit đã từng một lần làm điên đảo thị trường.
“Thị trường vẫn tiếp tục tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng tới. Xác suất xảy ra là khá cao. Tại sao Fed lại không nâng lãi suất cơ chứ”, ông Chandler cho hay. “Những gì tôi cảm thấy tình trạng rối loạn ở Italy có ảnh hưởng tới là lộ trình sau này, cuộc họp Fed tháng 9/2018”.
“Tôi nghĩ là sẽ có nhiều tín hiệu nhiễu trong thời gian tới, nhưng tôi đã chứng kiến câu chuyện như thế này 3 hoặc 4 lần trước đây. Italy sẽ ở lại Eurozone và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mức độ bất ổn sẽ gia tăng một chút trong mùa hè này. Họ nhận ra rằng đây là lý do họ tổ chức bầu cử vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2018”, ông cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|