Thị trường toàn cầu lao đao vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy
Cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng nghiêm trọng ở Italy – nền kinh tế lớn thứ 3 tại Eurozone – đang gây xáo trộn thị trường toàn cầu trong ngày thứ Ba (29/05) khi các tài sản đồng loạt suy giảm vì nỗi lo sợ về những bất ổn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trái phiếu Chính phủ Italy – được biết tới là BTP – là thị trường chịu tác động nặng nề nhất từ tình trạng bất ổn chính trị ở Italy. Làn sóng bán tháo trái phiếu BTP diễn ra quá mạnh khi nhà đầu tư muốn rút vốn ra khỏi một quốc gia lắm rắc rối và chuyển sang các tài sản an toàn hơn. Trái phiếu BTP kỳ hạn 10 năm có lợi suất tăng 16% lên mức 3.118% trong ngày thứ Ba (29/05). Đây là mức cao chưa từng thấy kể năm 2014.
Hãy nhớ là lợi suất trái phiếu dịch chuyển ngược chiều với giá trái phiếu, vì vậy lợi suất gia tăng trong lúc trái phiếu bị bán tháo khi nhà đầu tư đòi hỏi tỷ suất sinh lợi cao hơn để bù đắp cho phần rủi ro gia tăng.
Lợi suất trái phiếu BTP kỳ hạn 2 năm tăng gần 50 điểm cơ bản trong đêm qua – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2012, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Eurozone. Chúng vẫn tiếp tục tăng, và vào lúc 8h ngày thứ Ba (29/05 – giờ ET), lợi suất trái phiếu BTP kỳ hạn 2 năm ở mức 2.274%, cao nhất kể từ năm 2013.
Bên ngoài Italy, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ – thị trường trái phiếu căng thẳng và có thanh khoản cao nhất trên thế giới – giảm mạnh khi nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm tài sản an toàn hơn như trái phiếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 2.87%.
Trong khi đó, một kênh trú ẩn an toàn là trái phiếu châu Âu cũng có lợi suất giảm, trong đó trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm lao dốc 14% xuống 0.29%.
Thị trường trái phiếu không phải là nơi duy nhất thể hiện rõ những diễn biến tiêu cực, mà còn có thị trường chứng khoán. Phần lớn các chỉ số chứng khoán châu Âu lớn đồng loạt giảm hơn 1%, trong đó chỉ số FTSE MIB lao dốc gần 3%.
Đáng chú ý nhất là lĩnh vực ngân hàng châu Âu – nơi các nhà cho vay bị tác động nặng nề nhất. Chỉ số ngành ngân hàng thuộc Euro Stoxx tụt 4.6%, trong đó nhiều ngân hàng giảm mạnh.
Sau đây là một vài cổ phiếu nổi bật:
- Deutsche Bank — lao dốc 4.5%
- Commerzbank — giảm 3.9%
- Unicredit — sụt 6.6%
- BNP Paribas — giảm 4.3%
- Credit Agricole — giảm 4.2%
- RBS — giảm 3.7%
- Barclays — giảm 3%
Trước tình trạng bất ổn trong ngày thứ Ba (29/05), đồng Euro cũng giảm hơn 0.5% so với đồng USD vào phiên chiều tại châu Âu. Tính trong cả năm 2018, đồng Euro lao dốc gần 4% so với đồng bạc xanh.
Các thị trường thường rất nhạy cảm với những diễn biến liên quan tới việc tách rời với Eurozone, vì vậy một số diễn biến trong ngày thứ Ba (29/05) có thể chỉ là phản ứng tức thời, nhưng chắc chắn là có cảm giác như một cuộc khủng hoảng đang nhen nhóm về cả chính trị lẫn kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Australia, Macquarie, đã kêu gọi nhà đầu tư bình tĩnh trở lại trong lúc này.
“Mặc dù nhận thấy các áp lực thị trường trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi không nghĩ là các sự kiện trong ngày hôm nay sẽ đủ để triệt phá đà hồi phục kinh tế ở châu Âu (hoạt động kinh tế dường như bớt nhạy với các cú sốc chính trị trong thập kỷ này), qua đó cho thấy thị trường sẽ sớm đem lại cơ hội mua vào”, một nhóm nhà phân tích tại Macquarie, do ông Ric Deverell dẫn dắt, cho hay.
Tuy nhiên, ông Deverell và các công sự cũng nói rõ rằng căng thẳng có thể leo thang. “Một chiến thắng của các đảng chủ nghĩa dân túy trong một cuộc bầu cử mới (dù vẫn chưa chắc) có thể khiến nhà đầu tư né tránh các tài sản rủi ro”, họ viết.
Vũ Hạo (Theo Business Insider)
FiLi
|