Đẳng cấp nền kinh tế nhìn từ các cường quốc công nghệ
Nguy cơ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng nhỏ đi đã được biết đến từ thời điểm 2009 với các điều tra khảo sát của nhiều cơ quan chức năng. Vậy mà đến nay, gần 10 năm trôi qua, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
Các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh như thủ tục hành chính, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai... đã được chỉ mặt đặt tên từ rất lâu, thậm chí từ thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã khởi xương phong trào cải cách hành chính.
Có lẽ người Việt thiếu ước mơ hoài bão lớn, sợ thuyền to sóng cả? Biểu tượng kinh doanh trên thế giới có nhiều nhưng không nơi nào đặc sắc bằng dân tộc Do Thái, nơi chỉ chiếm 0,2% dân số nhưng sở hữu đến 22% giải Nobel tính đến thời điểm hiện tại.
Chuyện kể rằng: Ở một ngã tư giao cắt giữa hai con đường lớn vừa xây mới băng qua sa mạc Negev cách đây vài chục năm. Thoạt đầu chỉ có trơ trọi một trạm xăng phục vụ những đoàn thám hiểm, sức hấp dẫn của thiên nhiên hoang dã kéo du khách đến ngày một đông hơn, trạm xăng làm ăn phát đạt.
Người khác thấy tiềm năng liền mở ra một cửa hàng ăn, dần dần mọc lên đủ thứ từ cà phê đến giải trí, thậm chí cả công nghệ nông nghiệp. Ngày nay Negev đã trở thành trung tâm nông nghiệp trù phú, hiệu quả bậc nhất thế giới. Israel là nơi khai sinh ra hai loại hình cộng đồng nông nghiệp độc đáo, cộng đồng hợp tác xã Kibbutz và Moshav, hình thành từ những người Do Thái hồi hương từ khắp nơi trên thế giới.
Đặt lại vấn đề, giả sử cũng với ngã tư đó người ta không tư duy ra được cái gọi là “ngành nghề hỗ trợ” thì cuối cùng sẽ có một cuộc khủng hoảng thừa xăng dầu. Thành công ở Negev nói riêng và Israel nói chung đó là sự “dị biệt tương đối”, có nghĩa vừa khác biệt vừa có tác dụng tương hỗ nhau trong kinh doanh. Ngày nay nguyên lý kinh doanh này sinh viên kinh tế nào cũng có thể thuộc lòng, nhưng áp dụng là câu chuyện khác.
Nền nông nghiệp Việt Nam không phải dạng vừa, điểm chung giữa hai quốc gia Việt Nam và Israel là phát triển nông nghiệp để giải quyết an ninh lương thực. Trong khi đó, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo có thứ hạng phần lớn nhờ thiên nhiên ưu đãi, còn Israel khẳng định vị thế nông nghiệp bằng công nghệ tiên phong.
Lại nói chuyện những tỉ phú Việt Nam, người giàu nhất trong 93 triệu dân cũng chỉ mới 4,3 tỷ USD. Phần lớn giàu lên từ bất động sản, kinh doanh dịch vụ. Hiển nhiên họ có ảnh hưởng lớn đến số đông còn lại, nhưng suy đến cùng những ngành nghề đó không giúp ích nhiều cho sự ổn định và đẳng cấp của một nền kinh tế.
Nước Mỹ, ngoài tính từ cường quốc kinh tế, quân sự thì nền nông nghiệp của Mỹ thuộc tốp thế giới. Nhưng vì sao nhắc đến kinh tế Mỹ người ta chỉ hay nói đến Google, Microsoft, Intel, Facebook, Apple…, hay Nhật Bản, nền nông nghiệp có những “quả dưa nghìn đô” mà thiên hạ chỉ biết Toyota, Honda, Canon, Sony…?
Không phải tự nhiên có lý thuyết “trọng nông” trong kinh tế học, người Phương Đông sau mấy nghìn năm làm nông nghiệp đã nhận ra yếu tố tích cực nhất của lĩnh vực này đó là “phi nông bất ổn”. Nông nghiệp cùng lắm chỉ đảm bảo “no cái bụng”, còn muốn giàu có phải kinh doanh, “phi thương bất phú”.
Sở dĩ người ta hay ví nông nghiệp Israel như một hình mẫu là vì điều kiện tự nhiên quốc gia này quá khắc nghiệt, tuyệt nhiên không thể so sánh với bất kỳ nước nào vì đó không phải là nền nông nghiệp bình thường, đó là công nghệ nông nghiệp, sánh ngang tầm với những sản phẩm công nghệ tầm cỡ khác, mấu chốt ở chỗ đó.
Đẳng cấp nền kinh tế là gì? Điều đó trước hết được tạo ra bởi những doanh nghiệp tư nhân (mang bản sắc dân tộc) hùng mạnh, dù muốn hay không, phải thừa nhận doanh nghiệp tư nhân phản chiếu năng lực xã hội, trí tuệ toàn dân. Nhưng mấu chốt vẫn nằm ở hàm lượng chất xám trong sản phẩm làm ra.
Trương Khắc Trà
DĐDN
|