Căng băng rôn tố cáo đường dây tiền ảo đa cấp lừa 15.000 tỉ đồng
Ngày 8-4, nhiều người đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần M.T tại đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) căng băng rôn tố cáo bị lừa đảo khi tham gia vào dự án đầu tư tiền ảo. Số tiền lừa đảo được cho là lên đến 15.000 tỉ đồng.
Nhiều nạn nhân chăng băng rôn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tố đường dây lừa đảo tiền ảo đa cấp. Ảnh: Huy Hùng.
|
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, vụ việc tố cáo lừa đảo trên diễn ra đã nhiều tháng nay trên mạng xã hội. Theo tố cáo của người dân, họ biết đến đồng tiền ảo Ifan và Pincoin qua sự giới thiệu của các thành viên nhóm kinh doanh, gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính.
Ifan được giới thiệu là 1 dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo Luật pháp Singapore, được thành lập dựa trên ý tưởng là dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và fan hâm mộ. Người đầu tư được cam kết rằng giá trị Ifan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sỹ nổi tiếng tại VN.
Còn Pincoin được gắn mác là dự án đến từ Dubai. Nhóm kinh doanh còn cho người người đầu tư xem các video cũng như hình ảnh chủ của đồng Pincoin và khẳng định rằng đó là một dự án nghiêm túc và tiềm năng cao, thậm chí tổ chức gặp người được cho là ông chủ thật sự của đồng tiền này.
Ifan, Pincoin ủy quyền cho Công ty M.T làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Công ty này đã tổ chức nhiều sự kiện lớn tại TP.HCM và Hà Nội, thậm chí về tận vùng quê để chào mời đầu tư vào đồng tiền ảo Ifan với cam kết hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu kêu gọi được người chơi mới thì sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Số tiền lừa đảo được cho là lên đến 15.000 tỉ đồng - Ảnh: Huy Hùng.
|
Nhiều người ham lãi suất khủng đã rót vốn đầu tư. Tuy nhiên sau đó khi thu được số tiền khủng thì nhóm điều hành các đồng tiền ảo này đã đổi từ hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Lúc này nhiều người mới biết bị lừa vì những dự án này được nhóm người trên dựng lên chứ không có ông chủ nước ngoài nào cả.
Thực chất, đây là mô hình tiền số đa cấp hoạt động dựa trên hình thức lấy tiền người sau để trả cho người trước. Nhiều người tham gia đầu tư vào các đồng tiền này đã ôm nợ, thậm chí tán gia bại sản.
Trên các diễn đàn tiền ảo nhiều nạn nhân đã tố cáo về việc mình bị nhóm người trên lừa đảo, kêu gọi những người bị lừa khác cùng ký tên. Mới đây, vào đầu tháng 3, những người này đã tổ chức gặp mặt nhau và thu thập các đơn kiện của những nạn nhân khác nhằm mục tiêu đòi lại số tiền bị lừa đảo.
Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, mô hình tiền ảo đa cấp nở rộ trên thị trường, đặc biệt là trong năm 2017 khi đi đến đâu cũng nghe bàn tán về tiền ảo.
"Chiêu thức của mô hình này là đưa ra lãi suất khủng để kích thích lòng tham và trả hoa hồng cao cho người giới thiệu. Chúng cũng liên tục đánh bóng hình ảnh bằng cách đưa những hình ảnh người tậu xe, tậu nhà nhờ đầu tư vào đồng tiền này để lôi kéo thêm người chơi. Từ đó người chơi trước lôi kéo người sau, trở thành người tiếp tay cho những kẻ lừa đảo" - ông Tín nói.
Theo ông Tín, trên thực tế đã có rất nhiều lời cảnh báo về mô hình này nhưng nhiều người vẫn lao vào như thiêu thân vì bị mức lợi nhuận làm mờ mắt. Họ cũng không quan tâm đến dự án họ đầu tư là gì mà chỉ quan tâm đến mức lãi bao nhiêu.
Kết cục nhiều người không những không nhận được lãi mà còn mất trắng số tiền dành dụm, thậm chí là vay mượn, bán nhà cửa để có.
Minh Thành
TTO
|