Cắt liên lạc nếu không nộp hình chân dung?
Nếu không nộp hình chân dung chính chủ, khách hàng có thể bị cắt liên lạc. Đó là nội dung mà nhiều khách hàng của Viettel bị nhà mạng này hối liên tục trong hai ngày 4 và 5.4 vừa qua.
*Viettel yêu cầu chủ thuê bao nộp hình chân dung trước 24/4
Khách hàng chụp ảnh lưu thông tin cá nhân tại cửa hàng Viettel chiều 6.4
Ảnh: Đ.N.Thạch
|
Thực hiện trước ngày 24.4
Sở dĩ nhà mạng này “hăm dọa” khách hàng bởi theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ, thông tin thuê bao di động cần phải chính xác, bổ sung ảnh chụp chân dung.
Vì thế, “để đảm bảo quyền lợi, quý khách vui lòng soạn TTTB gửi 1414 để kiểm tra, đồng thời mang CMND hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đến cửa hàng giao dịch của Viettel để xác nhận hoặc bổ sung thông tin. Nếu quý khách đã thực hiện, vui lòng bỏ qua tin nhắn này”.
Bà Lê Thị Kim, chủ thuê bao số 09855... (ngụ TP.HCM), chia sẻ: Bỗng nhiên nhận được tin nhắn này gửi tới điện thoại vào ngày 5.4 khiến bà hoảng hồn. Sau đó bà phải gọi tổng đài Viettel để hỏi vì sao phải bổ sung thông tin dù số điện thoại của bà đã sử dụng hơn 12 năm và đã khai đúng thông tin từ lâu theo chứng minh nhân dân. Không ngoại lệ, anh Nguyễn Văn Trung, chủ thuê bao số 09670... (ngụ TP.HCM), cho biết: “Đợt này chắc tôi cũng phải tranh thủ ra cửa hàng để chụp hình vì nghe bảo nếu không có hình thì không dùng điện thoại được nữa. Thật là mất thời gian và công sức”.
Chưa biết mục tiêu thông qua việc quản lý hình ảnh chính chủ để quản lý sim rác có tác dụng hay không nhưng trước mắt tốn thêm quá nhiều chi phí cho xã hội. Khi áp dụng quản lý chặt thì cần có thêm quy định các nhà mạng phải cam kết đền bù cho khách hàng nếu làm lộ thông tin, tránh trường hợp người dùng luôn luôn bị thiệt hại dù sử dụng dịch vụ và trả phí đầy đủ.
Ông Võ Đỗ Thắng, chuyên gia an ninh mạng
|
Trong thông báo của mình, nhà mạng Viettel không nêu rõ thời gian thực hiện. Tuy nhiên, theo Nghị định số 49, với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24.4.2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, quy định nêu rõ sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Như vậy, đến ngày 24.4 tới, các thuê bao di động không đảm bảo thông tin sẽ có nguy cơ bị cắt liên lạc. Phía nhà mạng Viettel cho rằng họ chỉ đang khuyến khích khách hàng tới các điểm giao dịch để bổ sung thông tin và ảnh chụp theo đúng quy định. Giải pháp có thực hiện việc tạm dừng dịch vụ sau ngày 24.4 hay không còn phải chờ hướng dẫn từ cơ quan quản lý.
Trong khi đó, các nhà mạng còn lại như MobiFone, Vinaphone vẫn chưa có thông báo mới. Tuy nhiên thời gian qua, các đơn vị này vẫn đang triển khai việc thay đổi thông tin, bổ sung ảnh chụp chân dung của khách hàng như quy định.
Cần cam kết bảo vệ thông tin cá nhân
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 3, tổng số thuê bao điện thoại di động của cả nước là 118,7 triệu khách hàng. Do quy định trước đây không yêu cầu nộp ảnh chân dung nên số khách hàng sử dụng di động trước tháng 4.2017 đều rơi vào tình trạng không có hình.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Kinh tế - Luật (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM), phân tích: Từ khi ban hành, quy định này đã không nhận được sự đồng tình của đông đảo người dùng. Hiện nay, tất cả thông tin về nhận dạng người dùng đã có đủ qua CMND. Khi cơ quan quản lý nhà nước cần thì đưa số CMND ở cơ quan công an sẽ có đầy đủ hình ảnh. Đặc biệt trong tình trạng thông tin cá nhân dễ bị rò rỉ khắp nơi trên mạng thì không ai đảm bảo được tính bảo mật cho hàng trăm triệu khách hàng đang sử dụng điện thoại di động. Trên thực tế, không ai dám chắc các nhà mạng có thể bảo vệ tốt dữ liệu của khách hàng.
“Thông tin đầy đủ đi kèm ảnh chân dung nếu bị lộ vào tay kẻ gian thì càng nguy hiểm hơn cho khách hàng. Trách nhiệm của nhà mạng có được nêu rõ hay không? Nếu có vấn đề gì người dùng có thể kiện yêu cầu bồi thường hay không? Quyết định này tôi cho rằng không đúng với bản chất của giao dịch thương mại thông thường và nếu thực hiện cần có thêm những quy định rõ về trách nhiệm của các bên có liên quan”, TS Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.
Mai Phương
THANH NIÊN
|