HSBC lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam!
Nền kinh tế Việt Nam chưa một lần tăng trưởng vượt ngưỡng 7% kể từ năm 2010, và mãi đến quý 3/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế mới chạm tới mức này.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 7% trong 3 quý liên tiếp. Các báo cáo về số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần đây nhất báo hiệu Việt Nam lần nữa trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Điều này phần lớn là nhờ mức tăng trưởng bền vững của hoạt động sản xuất và ngành dịch vụ ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, HSBC cũng lưu ý không nên kỳ vọng mức tăng trưởng trên 7% sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới. Thật vậy, đây có lẽ đã là mức tăng trưởng cao nhất mà nền kinh tế Việt Nam có thể chạm tới trong năm 2018, khi HSBC dự báo hoạt động sản xuất sẽ giảm tốc phần nào trong 3 quý kế tiếp, qua đó có thể khiến tăng trưởng GDP giảm xuống còn 6.5% vào thời điểm cuối năm 2018.
Các dấu hiệu của sự giảm tốc: HSBC kỳ vọng hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng vẫn còn đó một số dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc. Đầu tiên, Việt Nam có lẽ không miễn nhiễm với một số hàng rào thuế quan do Chính phủ Mỹ áp đặt (chẳng hạn như máy giặt, thép và nhôm), và việc tăng cường áp thuế bổ sung từ phía Mỹ có thể tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong vài tháng tới. Sự giảm tốc mang tính chu kỳ của lĩnh vực thiết bị điện tử cũng đang lờ mờ xuất hiện, xét tới việc chỉ số sản xuất công nghiệp PMI và kim ngạch xuất khẩu các linh kiện điện tử có phần suy giảm trong thời gian gần đây. Nếu đây là một năm ấn tượng đối với chu kỳ điện thoại thông tin thì mọi chuyện sẽ khác. Tuy nhiên, đó không phải là kịch bản nền tảng của HSBC tại thời điểm này.
Quan điểm dài hạn: Dù xuất hiện một số rủi ro trong ngắn hạn, nhưng nhìn chung triển vọng của Việt Nam vẫn được HSBC đánh giá là tích cực. Điểm nhấn gần đây là việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể mang lại một số yếu tố làm giảm bớt rủi ro ngắn hạn từ bên ngoài và có khả năng tác động tích cực tới triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Hơn nữa, lĩnh vực du lịch ngày càng phát triển của Việt Nam là một điểm sáng đối với lĩnh vực dịch vụ và có thể góp phần củng cố khoản thặng dư của cán cân tài khoản vãng lai.
Tăng trưởng đạt đỉnh, nhưng trong bao lâu?
Sản xuất công nghiệp dẫn đầu
Trong quý 1/2018, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mức kỳ vọng của thị trường với 7.4% so với cùng kỳ năm trước, qua đó đánh dấu 3 quý liên tiếp đạt tăng trưởng hơn 7%. Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam đang dần trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng hàng đầu châu Á. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Điều này có thể kéo dài bao lâu?
HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại một chút, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong 3 quý kế tiếp. Bên cạnh sự giảm tốc mang tính chu kỳ của hoạt động sản xuất công nghiệp, những nhận định mang hơi hướng bảo hộ thương mại đã gây ra sự xáo trộn trong thời gian gần đây, và Việt Nam cũng không miễn nhiễm với một số hàng rào thuế quan do Mỹ áp đặt. Chẳng hạn như, quyết định áp đặt thuế nhập khẩu 15%-50% lên máy giặt và tấm năng lượng mặt trời của Mỹ hồi tháng 1/2018 có thể tác động tiêu cực tới Việt Nam – vốn là đất nước xuất khẩu máy giặt tới Mỹ nhiều nhất. Ngoài ra, lệnh áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm gần đây của Donald Trump cũng ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sắt và thép tới Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ. Với những rủi ro mang tính chu kỳ và rủi ro liên quan tới chính sách, HSBC kỳ vọng đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ giảm bớt một chút trong vài quý tới.
Dẫu vậy, vẫn còn đó những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh như năm 2017. Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2 con số trong quý 4/2017, và liên tục là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất tới tăng trưởng GDP. Điều này là nhờ sự gia tăng kéo dài của hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp, nhất là các sản phẩm điện tử.
Việc ký kết CPTPP gần đây cũng mang lại các yếu tố làm giảm bớt tác động tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ thương mại ở bên ngoài, nhưng có khả năng cũng không hỗ trợ quá nhiều trong năm nay. Dù khả năng cao là sẽ thông qua CPTPP trong năm nay, nhưng mãi đến đầu năm 2019, thỏa thuận này mới bắt đầu có hiệu lực. Dẫu vậy, triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn là tích cực. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhờ có CPTPP, thu nhập quốc gia của Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 2% vào năm 2030 (biểu đồ 1). Việc mở rộng thêm thỏa thuận CPTPP cũng sẽ tạo lợi ích cho Việt Nam và những nước thành viên khác. Theo quan điểm của HSBC, điều may mắn trong môi trường bảo hộ thương mại hiện nay là nó có khả năng đẩy nhanh quá trình khu vực hóa các thỏa thận thương mại và đầu tư – một điều mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Dịch vụ không cách quá xa với sản xuất công nghiệp
Bên cạnh hoạt động sản xuất, lĩnh vực dịch vụ cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, phần lớn là nhờ lượng tiêu thụ trong nước gia tăng và lĩnh vực du lịch ngày càng phát triển. HSBC dự báo điều này sẽ tiếp tục trong năm nay, đồng thời trở thành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam. Trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đón hơn 10 triệu khách du lịch mỗi năm, và năm nay có lẽ cũng không khác mấy. Trong quý 1/2018, số lượng khách du lịch tới Việt Nam tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là khách du lịch từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hơn nữa, HSBC còn lưu ý khách du lịch tới Việt Nam một phần là bị thu hút bởi hoạt động đầu tư, một điều cũng truyền tải tín hiệu tốt về tăng trưởng tương lai của Việt Nam.
Do đó, tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ trong quý 1/2018 xuất phát từ sự tăng trưởng của ngành bán lẻ, vận tải, khách sạn và bất động sản.
Tăng trưởng của ngành du lịch cũng đóng góp rất nhiều vào tài khoản vãng lai của Việt Nam.
Vũ Hạo
FiLi
|