Thứ Sáu, 09/03/2018 15:12

VPBank hé lộ nhiều kế hoạch “khủng” năm 2018

VPBank vừa công bố các tài liệu cho ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, trong đó hé lộ nhiều mục tiêu “khủng” năm 2018: lợi nhuận trước thuế tăng 33% lên 10,800 tỷ đồng; tăng vốn gần gấp đôi lên gần 28,000 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, phát hành ESOP và phát hành riêng lẻ,....

Một số chỉ tiêu kinh doanh, tài chính hợp nhất trong năm 2018

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2018

Theo Ban lãnh đạo VPBank, mặc dù một số chỉ tiêu tài chính năm 2017 chưa đạt được 100% so với kế hoạch đề ra nhưng Ngân hàng cũng đã hoàn thành cơ bản những mục tiêu của chiến lược 5 năm 2012-2017. Cuối năm 2017, tổng tài sản của VPBank là 278 ngàn tỷ, đạt 99% so với kế hoạch và tăng 21% so với 2016. Dư nợ tín dụng cho vay khách hàng bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp đạt 197 ngàn tỷ, tăng 24% và đạt 99% so với kế hoạch, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Trong khi đó huy động khách hàng bao gồm cả phát hành giấy tờ có giá đạt 199 ngàn tỷ, tăng 16% so với 2016 và đạt 88% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế là 8,130 tỷ đồng, vượt kế hoạch 20% và tăng 65% so với năm 2016.

Năm 2018 là năm mở đầu cho giai đoạn 5 năm tiếp theo (2018-2022), VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 tiếp tục tăng 33% lên mức 10,800 tỷ đồng. Chia sẻ trước thềm cổ phiếu VPB lên sàn hồi giữa tháng 8/2017, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh từng cho biết, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 lên tới 8,500 tỷ đồng - một con số khá tham vọng vào thời điểm đó, nhưng hiện tại mục tiêu của Ngân hàng đã lớn hơn nhiều.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 dự kiến tăng 29%, đạt 359,477 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng mục tiêu tăng gần 24%, đạt 243,320 tỷ đồng; trong đó cho vay khách hàng đạt 229,148 tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá cũng dự kiến tăng 21% lên 241,675 tỷ đồng Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. 

Tăng vốn thêm 77% lên gần 28,000 tỷ đồng

Sau 3 đợt tăng vốn liên tiếp trong năm 2017 (từ 9,181 tỷ lên hơn 15,700 tỷ đồng), năm 2018 VPBank tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 12,000 lên gần 28,000 tỷ đồng. Đề cập trong phương án tăng vốn, VPBank cho biết, với kế hoạch tăng trưởng kinh doanh liên tục hàng năm, nhu cầu tăng trưởng nguồn vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ là nhu cầu thiết yếu. Tăng vốn điều lệ sẽ để đáp ứng việc tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng, cải thiện các chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động, góp vốn vào các công ty con và hoặc góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh khác có thể bổ trợ và thúc đẩy hoạt động của Ngân hàng, đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu phát triển của Hội sở và mạng lưới chi nhánh.

Việc tăng vốn điều lệ trong năm 2018 sẽ chia làm 5 đợt. Đợt 1 chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2017 và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Tổng mức chia là khoảng 31.25% trên tổng số cổ phần phổ thông tại thời điểm chốt danh sách, tương đương số lượng cổ phần phát hành gần 468 triệu cp. Thời điểm dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Trong đó, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu ngay trong quý 2/2018, tỷ lệ thực hiện 30%.

Đợt 2 phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP); bao gồm các thành viên Ban kiểm soát, Ban điều hành và cán bộ nhân viên. Trong đợt này, Ngân hàng dự kiến phát hành gần 33.7 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 2/2017. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyện nhượng trong vòng 3 năm.

Tổng số tiền thu được sau khi phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Ngân hàng.

Được biết, hiện tại tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại VPBank là 22,378%. Trong đợt phát hành, tỷ lệ cán bộ nhân viên là người nước ngoài được mua tối đa là 22,378% tổng số cổ phần phát hành thêm để đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài chung của Ngân hàng sau đợt phát hành tối đa là 22,378%. Trong trường hợp tỷ lệ cán bộ nhân viên là người nước ngoài được mua/đăng ký mua thấp hơn tỷ lệ tối đa như trên, dẫn đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài sau khi phát hành thấp hơn mức 22.378% thì sẽ đăng ký tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới này với Ủy ban chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán, với mục đích là dành tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn lại để kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài mới vào VPBank.

Đợt 3, mua lại toàn bộ hơn 73.2 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức (CPUD) theo hợp đồng mua bán cổ phiếu ưu đãi cổ tức với các cổ đông trong đợt phát hành cổ phần đưu đãi cổ tức năm 2015, thành cổ phiếu quỹ. Sau đó, sử dụng cổ phiếu quỹ như trên để chia cho cổ đông hiện hữu nhằm mục đích chuyển đổi số cổ phần ưu đãi cổ tức thành cổ phần phổ thông, đảm bảo Vốn điều lệ của Ngân hàng không thay đổi.

Đợt 4, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước (dưới 100 nhà đầu tư) với khối lượng cổ phần dự kiến chào bán tối đa 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành. Thời điểm thực hiện trong năm 2018. Kế hoạch phát hành riêng lẻ này không chào bán cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc VPBank.

Giá chào bán cụ thể được xác định theo phương pháp thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư theo các cam kết của Ngân hàng đã được ĐHĐCĐ phê duyệt với các nhà đầu tư trước đây hoặc đảm bảo không thấp hơn giá cổ phiếu trung bình 6 tháng của VPBank sau khi niêm yết tại HOSE nếu không có các cam kết trước về giá mua bán.

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu trong vòng 1 năm. Dự kiến nguồn vốn thu được từ việc chào bán cổ phần sẽ dùng để đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động của VPBank.

Đợt 5, chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư năm 2017. Tỷ lệ chia cho cổ phần phổ thông (không chia cho cổ phiếu quỹ) dự kiến là 20.35%, dự kiến thực hiện trong quý 4/2017.

Như vậy, nguồn vốn được tăng thêm từ các đợt tăng vốn điều lệ vào khoảng 12,000 tỷ đồng (trên thực tế, nguồn vốn chủ sở hữu sẽ chỉ tăng từ đợt phát hành riêng lẻ, các đợt chia cổ tức và cổ phiếu thưởng không làm ảnh hưởng đến nguồn vốn chủ sở hữu của Ngân hàng). Kế hoạch sử dụng nguồn vốn tăng thêm cụ thể vào một số mục đích chính sau:

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   ACB chốt quyền nhận cổ tức 2016 tỷ lệ 10% và tham dự ĐHĐCĐ 2018 (09/03/2018)

>   NamABank gia tăng giá trị cho khách hàng doanh nghiệp (09/03/2018)

>   Ngân hàng Trung ương Nhật giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ (09/03/2018)

>   Vụ Navibank: Luật sư kiến nghị triệu tập lãnh đạo TAND Cấp cao (09/03/2018)

>   Áp lực đảm bảo an toàn vốn (09/03/2018)

>   Fintech tạo ra xu hướng hợp tác tài chính (09/03/2018)

>   "Bốc quẻ" cho tỷ giá (08/03/2018)

>   Khách hàng yêu cầu trả 245 tỷ đồng bị mất, Eximbank đang tìm giải pháp và vẫn chờ phán quyết của Tòa án (08/03/2018)

>   Giá vàng SJC và USD cùng giảm (08/03/2018)

>   Vì sao bà Chu Thị Bình không kiện Eximbank? (07/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật